Đấu giá biển số: Phải làm và làm luôn

GD&TĐ - Bộ Công an vừa công bố dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để lấy ý kiến đóng góp.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, sẽ đưa ra đấu giá những biển số nằm trong kho biển số chưa được đăng ký mà công an dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc một năm.

Giá khởi điểm chia theo 2 vùng. Tại vùng 1 gồm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giá khởi điểm bằng 2 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng. Tại vùng 2 (các địa phương còn lại), giá khởi điểm bằng 10 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng.

Cũng theo dự thảo này, khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu (còn gọi là “biển số đi theo người”). Khi chuyển sang thường trú ở tỉnh, thành khác cũng không phải nộp lại biển số trúng đấu giá.

Việc đấu giá biển số xe không áp dụng với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao...

Thực sự thì đấu giá biển số xe ô tô rất phổ biến ở các nước trên thế giới và cũng không lạ lẫm gì ở Việt Nam, bởi một số tỉnh thành như Hải Phòng, Bình Thuận và Nghệ An từng “thử nghiệm” và thành công. Nhu cầu sở hữu “biển đẹp” là có và trong bối cảnh cung nhỏ hơn cầu, đấu giá biển số xe là việc nên làm, hay đúng ra phải làm và làm luôn.

Đấu giá công khai là cách duy nhất và tốt nhất để bán được những biển số đẹp với giá cao nhất, thay vì để xảy ra tình trạng “áo gấm đi đêm” khó tránh khỏi hiện nay. Ngân sách Nhà nước sẽ được bổ sung một khoản đáng kể từ số tiền thu được qua bán đấu giá biển số xe. Càng trì hoãn, ngân sách càng bị thiệt hại và rất có thể nguồn lực này lại chảy vào túi cá nhân…

Vướng mắc còn lại để thực hiện đấu giá biển số xe chỉ là sự thiếu vắng cơ sở pháp lý. Hiện tại, biển số xe không thuộc danh mục tài sản đấu giá như trong quy định của Luật Đấu giá tài sản. Đồng thời, nếu được mang ra đấu giá (tức là mua bán) thì biển số xe sẽ trở thành tài sản cá nhân nên chủ sở hữu có thể cho, tặng, bán cho người khác. Vậy nhưng, Luật Giao thông đường bộ hiện hành lại cấm mua, bán biển số xe…

Bộ Công an lựa chọn hình thức “Nghị quyết của Quốc hội” để tiến hành thí điểm đấu giá biển số xe thay vì sửa đổi các luật liên quan sẽ giúp chủ trương này đi vào cuộc sống sớm hơn. Tuy nhiên, việc có được phép mua, bán, chuyển nhượng, cho tặng biển số xe trúng đấu giá hay không thì dự thảo Nghị quyết lại chưa đề cập. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, chuyện đấu giá biển số xe vẫn được xem xét kiểu “nửa vời”.

Để giải quyết tình huống này, có thể tham khảo cách làm của Singapore. Ở “quốc đảo sư tử”, chủ sở hữu xe được quyền giữ biển số chừng nào còn trả đủ phí và hoàn thành các giấy tờ cần thiết, và biển này được đăng ký cho một chiếc xe cụ thể.

Luật Singapore quy định: Biển số xe mua được qua đấu giá không được chuyển nhượng cho người khác. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng có thể thực hiện gián tiếp. Đầu tiên, người sở hữu có thể chuyển đăng ký biển số này cho một chiếc xe cũ, hỏng, rẻ tiền.

Sau đó, người chủ của biển số xe (và chiếc xe cũ gắn biển này) sẽ bán chiếc xe cũ với biển số gắn trên nó cho chủ mới và trả cho Chính phủ một số chi phí gắn kèm với quá trình chuyển nhượng này.

Giải pháp cho các vướng mắc pháp lý xung quanh chuyện đấu giá biển số xe thực sự không quá phức tạp và có nhiều kinh nghiệm từ các nước. Vấn đề là còn lại là chúng ta tham khảo và áp dụng như thế nào!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.