Đấu giá biển số xe: Tài sản hay công cụ quản lý của Nhà nước?

GD&TĐ - Hiện nay, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng cơ chế về đấu giá biển số xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dư luận rất quan tâm về vấn đề này, rất nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, Nhà nước nên bán đấu giá biển số xe để tránh thất thoát, ngăn chặn tiêu cực, đồng thời đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Đấu giá biển số xe: Tài sản hay công cụ  quản lý của Nhà nước?

Vấn đề đặt ra hiện nay là xác định biển số xe là tài sản hay công cụ quản lý của Nhà nước đối với phương tiện quản lý giao thông đường bộ, quản lý trật tự giao thông (gọi tắt là công cụ quản lý của Nhà nước)? Theo tôi, biển số xe vừa tài sản, vừa là công cụ quản lý của Nhà nước. Khi biển số xe đem đi bán đấu giá nó là tài sản của Nhà nước. Khi người trúng đấu giá làm thủ tục để nhận biển số xe và gắn vào phương tiện tham gia giao thông thì, biển số xe được xác định là công cụ quản lý của Nhà nước.

Mặt khác, thế nào là biển số xe đẹp thì hiện nay rất khó xác định. Bởi vì, biển số đẹp hay không tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người; biển số xe đẹp với người này nhưng lại không đẹp đối với người khác.

Quan niệm biển số xe đẹp phụ thuộc vào nhu cầu, sở thích của từng cá nhân, dó đó cơ quan Nhà nước không nên lựa chọn những biển số xe đẹp để tổ chức bán đấu giá mà phải công khai hết tất cả các kho số hiện có trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại trụ sở hoặc địa điểm tổ chức bán đấu giá. Mỗi biển số khi công khai để tổ chức bán đấu giá phải có giá khởi điểm; tùy vào nhu cầu đối với từng loại biển số xe mà đưa ra giá khởi điểm phù hợp. Khi đó, người dân có quyền nộp hồ sơ để tham gia đấu giá một biển số xe bất kỳ mà mình muốn.

Trong thời hạn từ 1 đến 3 tháng (hoặc có thể lâu hơn), đơn vị tổ chức bán đấu giá sẽ tiến hành tổng hợp, công khai số người tham gia đấu giá và tiến hành tổ chức đấu giá theo quy định. Trong thời hạn quy định, biển số xe đem bán đấu giá nếu chỉ có một người tham gia đấu giá thì làm thủ tục bán cho người đó theo đúng giá khởi điểm.

Bên cạnh đó, muốn triển khai bán đấu giá biển số xe cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật có liên quan như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước…, nhất là phải ban hành quy trình tổ chức bán đấu giá biển số xe, đồng thời ban hành chế tài để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc bán đấu giá biển số xe.

Trong đó, cần phải quy định rõ ràng vấn đề như khi tổ chức bán đấu giá thì biển số xe lúc này được xác định là tài sản. Sau khi tổ chức bán đấu giá xong, đã có người mua và làm thủ tục bàn giao biển số thì khi đó biển số xe không còn là tài sản mà là công cụ quản lý của Nhà nước.

Vì vậy, cần phải nghiêm cấm người trúng đấu giá biển số xe có hành vi mua bán, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp… biển số xe. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý phương tiện của Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ diễu binh, diễu hành là điểm nhấn của Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: ITN

Bài học giá trị cho thế hệ trẻ

GD&TĐ - Nhiều nhà khoa học, giảng viên đã thảo luận phương thức GD HSSV về ý nghĩa Chiến thắng Điện Biên Phủ, vận dụng trong GD quốc phòng và an ninh hiện nay.