Trưởng thành từ một trong những cái nôi dệt thổ cẩm lâu đời và nổi tiếng, gắn bó với nghề nghiệp từ lúc bé, với hơn 10 năm thêu dệt và nhuộm vải, Tình đã nhận được nhiều chứng nhận về sản phẩm tiêu biểu do các bộ, ngành trao tặng... Sản phẩm của Tình mang đến Cuộc thi Thủ công và Thiết kế (Craft and Design Challenge) bao gồm: giày vải, guốc mộc và gối.
Học thiết kế và quản lý
Tại triển lãm Cuộc thi Thủ công và Thiết kế do Hội đồng Anh tổ chức, Tình chia sẻ: “Sản phẩm được lấy cảm hứng từ đôi guốc của ông nội làm cho. Đôi guốc của ông rất đơn giản là được làm bằng gỗ, quai guốc được tận dụng từ chiếc thắt lưng cũ, vì vậy nó rất cứng và khiến cho chân bị đau. Nhà em làm nghề dệt vải, em được mẹ dạy nghề dệt từ lúc còn 7- 8 tuổi. Khi đó em đã tự dệt những hoa văn mà mình nghĩ ra và để thay cho quai guốc của ông nội cho, đi vào thấy êm, chắc và không bị tuột,... Sau này, em phát triển thêm những sản phẩm về giày, lấy ý tưởng từ những hoa văn của người dân tộc, đế bằng cao su, phom dáng được chế tác lại và sử dụng các loại thổ cẩm của người dân tộc, để tạo nên những đôi giày khác biệt".
Kể về quá trình được đào tạo trong khuôn khổ của cuộc thi, Tình cho biết: “Hội đồng Anh đã tổ chức những lớp đào tạo cho các học viên tham gia chương trình, tại lớp đào tạo này em đã được học hỏi rất nhiều về kỹ năng hình thành ý tưởng, thiết kế sản phẩm. Về thiết kế, đầu tiên chất liệu sản phẩm cần phải được đảm bảo là xuất xứ tự nhiên, bền vững lâu dài. Học kỹ năng quản lý kinh doanh, trong đó là việc lập ra các file để quản lý sản phẩm. Bắt đầu từ việc kinh doanh của mình, lập ra những phương án cụ thể, từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào, sang quá trình sản xuất, đến quá trình xuất ra sản phẩm. Đây là quá trình thương mại, nhưng lại mang đậm bản sắc dân tộc”.
“Từ những khóa học em đã được cập nhật những kiến thức rất bổ ích trong việc thiết kế và kinh doanh. Đây cũng là một cơ hội để tiếp thu kinh nghiệm, qua đó khắc phục những hạn chế của sản phẩm và phát triển kinh doanh” - Tình vui vẻ nói.
Bảo tồn truyền thống
Ở quê, gia đình của Tình gắn liền với Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến - hợp tác xã có 50 thành viên, chủ yếu là bà con người dân tộc, chuyên dệt các loại vải truyền thống. Tình cho biết: “Sau một thời gian các sản phẩm của đồng bào dân tộc, nếu chỉ phục vụ tại chỗ sẽ bị lỗi thời, chính vì vậy, bà con dân tộc không dệt, nhuộm vải nữa mà mua hàng có sẵn trên thị trường. Nhận thấy giá trị văn hóa nghề truyền thống đang dần mất đi, từ năm 2010, mẹ em đã thành lập hợp tác xã với mục đích giữ gìn nghề truyền thống, đồng thời giúp đỡ cho bà con dân tộc xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho bà con. Với mục đích này, hợp tác xã được nhiều tổ chức quan tâm hỗ trợ. Qua đó, bà con được học cách dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm, nhuộm vải bằng các nguyên vật liệu có trong tự nhiên... Từng bước bảo tồn, khôi phục nghề truyền thống.
Bên cạnh những lao động chính thức làm việc tại chỗ, với mức thu nhập 120 nghìn đồng/ngày, hợp tác xã còn giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động là bà con dân tộc làm bán thời gian tại gia đình. Bà con vừa có thể chăm sóc gia đình, chăn nuôi lợn, gà... và làm thổ cẩm, ước tính trung bình, bà con có thể thu nhập thêm 1,8 - 2 triệu đồng/tháng từ việc gia công các sản phẩm thổ cẩm.
Trong vai trò là người phụ trách kinh doanh và thiết kế, Tình đã giới thiệu các sản phẩm của Hoa Tiến trên Facebook, và đưa các sản phẩm này đến với khách hàng chủ yếu là khách du lịch tại nhiều địa phương trên cả nước. Các sản phẩm giày thổ cẩm của Tình hiện đang được bán tại các địa điểm du lịch ở Hà Nội, Huế, Hội An, TPHCM... giá thành cũng khá rẻ, chỉ khoảng 250.000 - 300.000 đồng/sản phẩm.