Dấu ấn trí tuệ Việt trên đấu trường quốc tế

GD&TĐ - Các trường ĐH lọt tốp bảng xếp hạng thế giới, 2 nhà khoa học nhận giải thưởng Noam Chomsky, danh sách ứng viên đủ tiêu chuẩn công nhận GS, PGS năm 2020 và vấn đề chuyển đổi số trong GD hút sự quan tâm tuần qua.

2 trường vào Top 100 đại học phát triển bền vững nhất thế giới

Tổ chức xếp hạng UI GreenMetric World University Ranking (UI GreenMetric) vừa công bố kết quả xếp hạng các đại học phát triển bền vững nhất thế giới năm 2020.

Việt Nam có 2 trường vào Top 100 đại học phát triển bền vững nhất thế giới năm 2020 là trường ĐH Tôn Đức Thắng và trường ĐH Trà Vinh.

Trong Bảng xếp hạng năm nay, Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã tăng 82 bậc so với thứ hạng năm 2019; đứng thứ 83 (với tổng điểm 7675) trong tổng số 992 đại học trên toàn thế giới tham gia bảng xếp hạng các đại học phát triển bền vững năm 2020 của UI GreenMetric.

Dẫn đầu bảng xếp hạng tiếp tục vẫn là các đại học lâu đời và uy tín thế giới như Wageningen University & Research (Hà Lan), Oxford University (Anh), Nottingham University (Anh), ….

Công bố ứng viên GS, PGS đủ tiêu chuẩn công nhận

Ngày 6/11, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 39 ứng viên giáo sư và 300 ứng viên phó giáo sư đạt đủ phiếu tín nhiệm. So với số ứng viên đăng ký nộp hồ sơ ban đầu tại các Hội đồng Giáo sư cơ sở, danh sách cuối cùng giảm 203 người, trong đó, tỷ lệ đạt của ứng viên giáo sư chỉ ở mức 50,65% và ứng viên phó giáo sư là 64,52%.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: internet)

Ứng viên trẻ nhất được xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư năm 2020 là ông Lê Anh Vinh, 37 tuổi, quê Thanh Hoá, hiện công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ông Vinh trở thành tân giáo sư ngành Toán học.

Người trẻ nhất đạt chuẩn phó giáo sư là 33 tuổi, gồm Phạm Chiến Thắng (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) - tân phó giáo sư ngành Hoá học - Công nghệ thực phẩm; Võ Hoàng Hưng và Lê Minh Triết (Đại học Sài Gòn) - ngành Toán học; Trần Đức Học (Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM) - ngành Xây dựng - Kiến trúc.

Phát biểu bế mạc phiên họp thứ VI của Hội đồng Giáo sư Nhà nước diễn ra hôm 5/12, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh dù năm nay bị ảnh hưởng của Covid-19, quá trình xét công nhận ứng viên giáo sư, phó giáo sư gặp không ít khó khăn và gián đoạn, song Hội đồng Giáo sư các cấp đã thể hiện sự quyết tâm trong công tác xét, đảm bảo chính xác, công bằng theo hướng nâng cao chất lượng giáo sư, phó giáo sư.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: internet)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: internet)

Giáo dục với chuyển đổi số

Trong tuần qua, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong GD-ĐT”. Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước đều nêu rõ vai trò của chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực GD-ĐT. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành Giáo dục quan tâm đó là, GD-ĐT những công dân Việt Nam có kỹ năng, kiến thức chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu.

Theo Bộ trưởng, nếu làm tốt chuyển đổi số không chỉ tốt cho ngành Giáo dục mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Đây là vừa là cơ hội, vừa là nhiệm vụ mang tính đột phá. Bộ trưởng cho biết, trước đó, ngành Giáo dục đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Tập đoàn công nghệ đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD-ĐT và đạt được một số kết quả đáng khích lệ; điển hình là dạy – học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19. Bộ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT sẵn sàng đẩy mạnh và tiên phong chuyển đổi số trong GD-ĐT trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Về kế hoạch ngành Giáo dục sẽ làm gì để thúc đẩy chuyển đổi số trong giai đoạn 2021 – 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nêu 4 vấn đề cơ bản: Thứ nhất, phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD-ĐT; Thứ hai, phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; Thứ ba, xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông: Thứ tư, phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Trong 5 năm qua, thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam đều đạt kết quả cao.
Trong 5 năm qua, thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam đều đạt kết quả cao.

Dấu ấn trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế

Báo cáo của Bộ GD&ĐT mới đây cho biết: Trong 5 năm qua, thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam đều đạt kết quả cao. Trong đó, một số đội tuyển có thành tích ổn định, xếp thứ hạng cao trong các kỳ thi (như: đội tuyển Toán, Hoá học, Vật lí và Tin học); nhiều học sinh xuất sắc: đoạt 2 Huy chương Vàng trong hai năm liền dự thi hoặc đạt điểm cao nhất (thủ khoa).

Thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục có những chuyển biến, tiến bộ theo hướng năm sau cao hơn năm trước.

Thêm thông tin khởi sắc GD, vào 7h sáng 9/12 theo giờ Việt Nam, Hiệp hội Các nhà nghiên cứu hàn lâm liên quốc gia (Mỹ) đã tổ chức trao giải thưởng Noam Chomsky.

Năm 2020, PGS.TS Trần Xuân Bách và GS.TS Trần Thị Lý và 2 người Việt vinh dự nhận được giải thưởng Noam Chomsky.

Năm 2020, giải thưởng Noam Chomsky trao 1 Huân chương Sao Bắc Đẩu cho Thành tựu trọn đời, 2 giải thưởng Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu và 2 chứng nhận học giả Ngôi sao mới nổi.

PGS.TS Trần Xuân Bách (sinh năm 1984), Phó trưởng bộ môn Kinh tế Y tế của Trường ĐH Y Hà Nội vừa được trao Giải thưởng Noam Chomsky Ngôi sao Tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu năm 2020.

Người thứ 2 vinh dự nhận giải thưởng là GS.TS Trần Thị Lý (sinh năm 1975), công tác tại Khoa Nghệ thuật và Giáo dục, Đại học Deakin, Úc. Trước đó, chị từng là giảng viên của Đại học Huế.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ