Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt với giáo dục đào tạo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Góc nhìn từ NQ 120/NQ-CP “về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”

Học sinh tham quan Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).
Học sinh tham quan Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Như chúng ta đã biết, Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời ngay sau Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 26 - 27 tháng 9 năm 2017; trong đó xác định bốn quan điểm chỉ đạo bao gồm:

(1) Kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng; chủ động thích ứng; chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, trong đó chú trọng bảo vệ đất nước và con người.

(2) Thay đổi tư duy phát triển, từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng; từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu.

(3) Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn.

(4) Phát triển bền vững vùng ĐBSCL vì lợi ích chung của đất nước và là sự nghiệp của toàn dân, khuyến khích, huy động tất cả các tầng lớp, thành phần xã hội, các đối tác quốc tế và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển.

Nghị quyết cũng đã chỉ ra mô hình phát triển Đồng bằng sông Cửu Long phải lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo; chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, ngày càng cực đoan và tác động của việc khai thác, sử dụng nguồn nước với quy mô lớn, cường độ cao trên thượng nguồn sông Mê Kông. Chuyển đổi mô hình phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái của vùng;

Đồng thời Nghị quyết cũng đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phải: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thị trường xuất khẩu lao động, để người dân tham gia một cách tích cực, chủ động, với vai trò là trung tâm của quá trình chuyển đổi sản xuất và sinh kế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vùng; đổi mới công tác đào tạo, biến những người nông dân thành công nhân nông nghiệp có trình độ tay nghề cao và góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động.

Với Nghị quyết 120/NQ-CP, như nhiều chuyên gia đã nhận định là một tổng thể các giải pháp giúp ĐBSCL phát triển bền vững và kết quả này có được là xuất phát từ sự trăn trở của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong đó có vấn đề về giáo dục và đào tạo. Từ nhận định này, nhớ lại năm 1991, khi Bộ GD&ĐT chuẩn bị Tổng kết 10 năm triển khai chương trình Cải cách giáo dục đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1981 - 1991).

Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc về lĩnh vực GD-ĐT với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hồng Quân (bên trái), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phan Quang Trung (bên phải) và lãnh đạo ĐH QGHN năm 1997. Ảnh tư liệu

Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc về lĩnh vực GD-ĐT với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hồng Quân (bên trái), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phan Quang Trung (bên phải) và lãnh đạo ĐH QGHN năm 1997. Ảnh tư liệu

Thủ tướng Võ văn Kiệt đã yêu cầu Bộ GD&ĐT triệu tập cuộc họp với một số Giám đốc Sở GD&ĐT trẻ, năng động để Thủ tướng lắng nghe tiếng nói từ cơ sở. Khi nhận được thông tin từ Bộ GD&ĐT, nhóm chúng tôi ở phía Nam gồm anh Phụng (Bình Dương), Vũ Hùng (Đồng Tháp), Hoài Dũng (An Giang) và tôi vui lắm vì lần đầu tiên trong đời được họp với Thủ tướng, được Thủ tướng lắng nghe tiếng nói từ lực lượng trẻ của cả nước, một điều rất mới!

Hội nghị lần đấy cũng rất căng thẳng, nhiều luồng đánh giá khác nhau về một số vấn đề mới từ chữ viết không có bụng (g, h, l, b) đến nội dung, chương trình giảng dạy cụ thể từng khối lớp và việc giáo dục đạo đức thông qua các môn học. Điều quan trọng ở đây là Thủ tướng lắng nghe và trân trọng ý kiến từng người một. Lúc đó, chúng tôi đều có chung một nhận định là Thủ tướng rất quan tâm đến trí thức trẻ.

Mặc dù có khá nhiều ý kiến trái chiều nhau trong Hội nghị phạm vi hẹp này, với nụ cười đặc biệt mang dấu ấn riêng, Thủ tướng đã cho ý kiến:

1. Chữ viết không có bụng không phải là nguyên nhân chính làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, tuy nhiên Bộ GD&ĐT cũng nên cân nhắc giữa yếu tố truyền thống và nội dung cải cách trong việc chỉ đạo chuyên môn.

2. Giáo dục nên chú trọng đến việc giáo dục trẻ là công dân tốt thông qua việc dạy kiến thức chứ không nên cứ chăm chăm vào việc đổi mới nội dung dạy học.

3. Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là mỗi khi chỉ đạo điều gì Bộ cần chú trọng đến khả năng nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi để việc dạy và học được vừa sức, không tạo áp lực cho trẻ, nhất là trẻ mới lớn.

4. Một vấn đề sống còn của đất nước là phải đào tạo cho được nhân tài để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội sau này như Bác Hồ đã dặn là: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Theo tôi, mặc dù Bác không nói ra, nhưng đó cũng chính là sự phụ thuộc vào công chỉ đạo của Bộ và công dạy dỗ của Thầy Cô.

5. Từ đó, Bộ cũng cần chú trọng đến việc xây dựng và đầu tư vào đội ngũ lãnh đạo các trường cũng như lực lượng giáo viên. Phải có thầy giỏi mới có trò giỏi. Bộ cũng nên quan tâm đến điều kiện làm việc của giáo viên vùng núi, biên giới và hải đảo.

Sinh viên ĐH QGHN tặng hoa chúc mừng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm ký túc xá năm 1997. Ảnh tư liệu

Sinh viên ĐH QGHN tặng hoa chúc mừng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến thăm ký túc xá năm 1997. Ảnh tư liệu

Biết miền Tây Nam Bộ có Giám đốc trẻ là Lê Vũ Hùng (Đồng Tháp), Đặng Hoài Dũng (An Giang) và tôi, bác Kiệt đã gọi 3 chúng tôi lại và dặn dò: Miền Tây của mình, nơi chiến trường ác liệt, bà con nhân dân mình chịu nhiều mất mát, hy sinh cũng nhiều, các cô chú “ráng” tập trung lo cho con em mình được học hành. Nhớ:

- Xây trường cho vùng căn cứ kháng chiến.

- Bổ sung cho đủ giáo viên giảng dạy.

- Mở lớp Bổ túc và Bình dân học vụ cho nhân dân lao động.

- Mấy cháu phải đặc biệt quan tâm đến vùng lũ như trường lớp học phải tôn lên cao; sắm xuồng cho thầy cô đi lại; mua vài phương tiện đánh bắt cá mùa nước nổi để giáo viên sinh sống. Điều đặc biệt là đưa lớp học về gần dân cho trẻ nhỏ đến trường tiện lợi, không để tai nạn xảy ra mỗi khi nước về.

Sau đó một năm, cố Thủ tướng đã chỉ đạo tất cả đơn vị sự nghiệp phải tiết kiệm 10% ngân sách được cấp. Nhờ đó, ngành giáo dục chúng tôi đã sử dụng số tiền này để xây trường, phủ mái đỏ một phần ở vùng lũ, vùng căn cứ Cách mạng và vùng đồng bào Khmer trước khi có chủ trương kiên cố hoá trường học của Chính phủ. Từ đó đến nay, Vĩnh Long đã phát triển được 412 trường với tổng số 203.246 học sinh. Trong đó có 131 trường mầm non, 160 trường tiểu học, 87 trường THCS, 34 trường THPT, 3 trường (Đại học ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Xây dựng miền Tây, ĐH Cửu Long) và phân hiệu ĐH kinh tế TP Hồ Chí Minh. Đây là điều mà lúc sinh thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn nhắc nhở Vĩnh Long cần có một trường đại học để con em nhân dân mình không phải đi xa và tốn kém.

Ngày nay, theo đánh giá của Bộ GD&ÐT về kết quả năm học 2020 - 2021, mặc dù có rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng ngành Giáo dục cả nước nói chung, ÐBSCL nói riêng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ GDTH năm học. Nhiều tỉnh, thành đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học 2020 - 2021, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học, tinh giản Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) học kỳ II, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học... Các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình... phù hợp với điều kiện của từng trường, từng địa phương. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê tại hội nghị đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực ĐBSCL do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại TP Cần Thơ giữa năm 2019 cho thấy, trong năm học 2018 - 2019, khu vực ĐBSCL còn thiếu gần 12.000 giáo viên mầm non, 2.500 giáo viên tiểu học, 2.100 giáo viên THCS, 400 giáo viên THPT. Toàn vùng có tỷ lệ phòng học/lớp học, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa bình quân thấp nhất cả nước.

Đối với giáo dục mầm non, để ĐBSCL có điều kiện về phòng học và thiết bị dạy học ngang bằng cả nước thì cần phải đầu tư bổ sung 2.400 phòng học; cải tạo, nâng cấp 2.100 phòng học. Con số này chưa tính đến số lượng phòng học còn thiếu khi huy động đầy đủ trẻ đến trường. Ở bậc tiểu học, ĐBSCL cần phải đầu tư khoảng 900 phòng học; cải tạo, nâng cấp khoảng 4.300 phòng học. Bậc THCS phải đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 1.857 phòng học.

Bậc THPT cần đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 223 phòng học mới có thể ngang bằng mức trung bình của cả nước. Đáng nói, số liệu trên hoàn toàn chưa nói tới số phòng học bộ môn cần đầu tư và trang thiết bị dạy học còn thiếu. Một khó khăn đặc thù của địa hình sông nước là kênh rạch chằng chịt, khiến miền Tây Nam Bộ có số điểm trường nhiều nhất cả nước và là khu vực duy nhất có điểm trường ở cả bậc THPT.

Đã nhiều năm trôi qua, mặc dù toàn vùng với sự quan tâm của cấp ủy và UBND các tỉnh với nhiều chuyển biến đáng kể, nhưng nhìn chung giáo dục ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước. Hy vọng với nhiều giải pháp chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết 120/NQ-CP, một tổng thể các giải pháp giúp ĐBSCL phát triển bền vững về kinh tế xã hội nói chung, GD&ĐT nói riêng góp phần giải quyết những trăn trở của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đương thời.

_____________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) QĐ 120/NQ-CP của Chính phủ ngày 17/11/2017.

2) GS Nguyễn Ngọc Trân: Từ trăn trở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tới NQ 120.

3) Báo cáo Tổng kết của Bộ GD&ĐT năm học 2019 - 2020 và 2020 – 2021.

4) Quá trình phát triển của Giáo dục Vĩnh Long sau 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022) của Sở GD&ĐT Vĩnh Long trong Tài liệu Hội thảo khoa học 290 năm thành lập Long Hồ dinh, 190 năm thành lập tỉnh Vĩnh Long và 30 năm tái lập tỉnh Vĩnh Long của Sở GD&ĐT Vĩnh Long (trang 368).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ