Chuyển biến tích cực
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động của Chính phủ thực Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Bộ GD&ĐT tập trung đổi mới thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, tổ chức các đoàn học sinh giỏi Việt Nam tham dự các Olympic quốc tế và khu vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đảm bảo nghiêm túc, khách quan, góp phần tích cực nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết:Trong 5 năm gần đây, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được tổ chức hằng năm và được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; kết quả thi phản ánh sát đúng chất lượng thực tế về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của các địa phương, đơn vị trên phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao thành tích của các đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam dự thi Olympic khu vực và quốc tế.
Công tác tổ chức thi và kết quả đạt được đã tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua dạy tốt học tốt của các nhà trường phổ thông, nhất là các trường trung học phổ thông chuyên, góp phần quan trọng thực hiện Đề án trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 và mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Nhìn chung, thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam đều đạt kết quả cao. Trong đó, một số đội tuyển có thành tích ổn định, xếp thứ hạng cao trong các kỳ thi (như: đội tuyển Toán, Hoá học, Vật lí và Tin học); nhiều học sinh xuất sắc: đoạt 2 Huy chương Vàng trong hai năm liền dự thi hoặc đạt điểm cao nhất (thủ khoa).
Thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục có những chuyển biến, tiến bộ theo hướng năm sau cao hơn năm trước.
Đặc biệt, năm 2017, có 34/37 lượt học sinh thuộc 7 đội tuyển tham dự Olympic khu vực và quốc tế đoạt giải đạt thành tích cao nhất so với các năm trước đó, nhất là ở các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học.
Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT giai đoạn 2016 - 2020:
Năm | Số dự thi | Giải nhất | Giải nhì | Giải ba | Khuyến khích[1] | Tống số giải | Tỷ lệ đạt giải |
2016 | 4402 | 62 | 507 | 748 | 885 | 2202 | 50.02% |
2017 | 4420 | 68 | 474 | 792 | 870 | 2204 | 49.86% |
2018 | 4450 | 75 | 519 | 710 | 925 | 2229 | 50.08% |
2019 | 4512 | 76 | 496 | 747 | 916 | 2235 | 49,53% |
2020 | 4544 | 90 | 502 | 732 | 946 | 2270 | 49,95% |
Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế 2016-2019:
Năm | Số thí sinh dự thi | Huy chương | Bằng khen | Tổng số giải | ||
Vàng | Bạc | Đồng | ||||
2016 | 37 | 9 | 14 | 11 | 2 | 36 |
2017 | 37 | 14 | 13 | 4 | 3 | 34 |
2018 | 38 | 13 | 14 | 11 | 0 | 38 |
2019 | 38 | 9 | 19 | 9 | 1 | 38 |
Đổi mới căn bản, đồng bộ về quản lý trong công tác tổ chức thi
Thành tích của học sinh Việt Nam tham dự các Olympic khu vực và quốc tế do nhiều nguyên nhân; song Bộ GD&ĐT cho rằng, về cơ bản có thể kể đến các yếu tố sau đây:
Những đổi mới căn bản, đồng bộ về quản lý trong công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển của Bộ GD&ĐT như: Tổ chức sớm kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia để tăng thời gian tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực; có kế hoạch, chương trình tập huấn cụ thể; tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế; trong kỳ thi chọn đội tuyển Olympic đối với môn Tin học triển khai áp dụng thi, chấm trực tiếp như hình thức tổ chức thi của quốc tế.
Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác coi thi, chấm thi các vòng chọn học sinh giỏi đảm bảo khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh để chọn được những học sinh giỏi nhất tham dự các đoàn học sinh giỏi khu vực và quốc tế.
Tiếp tục duy trì, bổ sung chính sách tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng đối với các học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia và ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam cho các học sinh đoạt giải Olympic khu vực và quốc tế, tạo động lực phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao của học sinh và các nhà trường.
Phát huy kết quả đạt được trong những năm qua, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia hiện hành cho các năm tiếp theo đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập: điều động cán bộ coi thi bảo đảm nguyên tắc tăng cường giám sát lẫn nhau giữa các đơn vị dự thi; tăng cường thanh tra, giám sát các khâu của kỳ thi nhất là khâu coi thi tại Hội đồng thi của các địa phương để đảm bảo tính khách quan, trung thực.
Tăng cường huy động cán bộ, giáo viên giỏi toàn quốc giới thiệu đề phục vụ cho việc ra đề thi nhằm nâng cao chất lượng đề thi của kỳ thi. Tiếp tục mở rộng phạm vi tham gia các hoạt động chuyên môn của kỳ thi, tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực để nâng cao hiệu quả tổ chức thi, tập huấn các đội tuyển Olympic. Phát huy những điều chỉnh ở năm các năm 2017, 2018, thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng đối với lãnh đạo phụ trách từng khâu của kỳ thi để đảm bảo tính độc lập, chủ động và nghiêm túc, khách quan trong chỉ đạo tổ chức thi.