Cô giáo của những học sinh giỏi quốc gia

Cô giáo của những học sinh giỏi quốc gia

Cô Hạnh cũng thuộc số ít giáo viên có được thành tích đáng nể trong việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và tỉnh Lào Cai môn Ngữ văn. 

Từ yêu nghề đến cô giáo dạy văn

Hình ảnh người thầy với bảng đen, phần trắng hàng ngày dạy học trò chẳng biết từ khi nào đã in sâu trong tâm trí cô nữ sinh Nguyễn Thị Hạnh. Chính vì vậy, Trường Sư phạm và khoa Ngữ văn trở thành sự lựa chọn đầu tiên của cô khi đăng ký nguyện vọng thi ĐH.

Tốt nghiệp ra trường, từ tháng 8/1996 - 9/2003, cô Hạnh được phân công về Trường THPT Cam Đường (Lào Cai). Từ tháng 9/2003 cô chuyển sang dạy học tại Trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai tới nay. Trên hành trình sư phạm của mình, cô Hạnh được ghi nhận như một GV có năng lực giải quyết và xử lí các vấn đề, tình huống sư phạm trong thực tiễn. Bản thân cô cũng luôn tự đặt ra các tình huống sư phạm giả định để kịp thời ứng phó.

Là GV của Trường THPT chuyên, cô Hạnh ý thức vai trò trách nhiệm của mình trong đào tạo nhân tài nên không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng giờ dạy chính khóa, dạy phụ đạo, bồi dưỡng HSG. Từ việc ứng dụng CNTT, vận dụng kĩ thuật dạy học hiện đại được cô nghiên cứu, triển khai. Trên cơ sở đó cô tiếp tục rút kinh nghiệm và nâng cao kĩ năng, phương pháp dạy học… nhằm mang tới hiệu quả tối đa.

Trong tất cả các lớp cô Hạnh giảng dạy môn Ngữ văn, 100% HS có kết quả học tập từ khá trở lên, trong đó 70% HS đạt loại giỏi. Kết quả thi môn Ngữ văn trong Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm của HS do cô Hạnh trực tiếp bồi dưỡng đạt từ 7,5 trở lên. Có những lớp 100% HS đặt điểm 8.0 trở lên.

Là GV Ngữ văn nên cô Hạnh đặc biệt quan tâm đến giáo dục tư tưởng, đạo đức cho HS bởi theo cô, chỉ giỏi về kiến thức chưa đủ mà các em phải biết yêu thương, đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau cùng tiến bộ. Mỗi HS phải được phát triển toàn diện từ tri thức tới nhân cách.

Muốn làm tốt nhiệm vụ đó, cô Hạnh luôn phấn đấu trở thành tấm gương về đạo đức, sự bao dung và tha thứ cho HS khi các em mắc sai lầm, động viên khuyên bảo khi HS cư xử chưa đúng mực. “Người thầy phải thực sự trở thành cha mẹ của HS khi ở trường, trong khả năng có thể cần quan tâm giúp đỡ các em cả vật chất lẫn tinh thần. Đối với những HS có hoàn cảnh khó khăn, HS năng lực học tập hạn chế càng cần được hỗ trợ từ người “mẹ” thứ 2 ở trường”, cô Hạnh bày tỏ.

Người truyền lửa đam mê

“Cô Hạnh có chuyên môn vững vàng, ý thức và trách nhiệm cao trong công việc. Trong ngôi trường mang những đặc thù riêng, đòi hỏi lớn về chất lượng đào tạo như Trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai..… cô luôn nhận thức đầy đủ, hiểu biết và đảm đương tốt công việc của mình. Lãnh đạo nhà trường yên tâm khi giao nhiệm vụ cho cô Hạnh giảng dạy, bồi dưỡng HS các lớp chuyên, các đội tuyển HSG. Là một GV cốt cán, cô Hạnh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ GV trẻ trưởng thành và trở thành GV dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh. Cô Hạnh là nhân tố tích cực trong việc xây dựng tổ Ngữ văn vững mạnh…..”.

Thầy Nguyễn Minh Thuận – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai

24 năm giảng dạy, cô Nguyễn Thị Hạnh nhiều năm liền là GV giỏi cấp tỉnh, GV cốt cán cấp tỉnh, có uy tín với đồng nghiệp và HS. Trong vai trò cốt cán chuyên môn, cô tham mưu cho chuyên viên Sở và nhà trường tạo sự chuyển biến tích cực trong dạy và học môn Ngữ văn. Với chuyên môn vững vàng, cô đã đào tạo và bồi dưỡng thành công HS đạt hàng chục giải HSG cấp tỉnh, 17 giải HSG Quốc gia, HS đạt HCV, Bạc, Đồng trong kỳ thi chọn HSG Hùng Vương, Duyên hải Bắc Bộ… Đây thực sự là đóng góp quý giá của cô Hạnh cho ngành Giáo dục Lào Cai.

“Có nhiều nguyên nhân khiến HS không thích học văn nhưng quan trọng nhất bắt đầu từ người thầy. Bởi vậy, quá trình dạy văn tôi luôn chỉ ra cho HS thấy sự hữu ích môn Văn (Xây dựngđược văn bản; biết cách hùng biện trước mọi người; và hơn thế học văn là học cách làm người). Để HS thích học văn người thầy phải thắp lên trong các em ngọn lửa đam mê, làm sao để môn Văn trở nên hấp dẫn, cuốn hút ngay cả khi cảm nhận ban đầu của các em về văn học là khó khăn, chán nản…”, cô Hạnh nêu quan điểm.

Chia sẻ về bí quyết dạy HSG quốc gia đạt thành tích cao, cô Hạnh cho rằng: Những HS tham dự đội tuyển đã có sẵn đam mê với môn học song không vì thế mà GV chủ quan, vẫn cần cố gắng hết sức để cả GV - HS đều đam mê. Bên cạnh đó GV cần có tinh thần trách nhiệm. Khi đam mê được khơi dậy, kết hợp với tinh thần trách nhiệm thì việc học sẽ phát huy hiệu quả. Đam mê sẽ giúp người thầy cống hiến, cố gắng nhiều hơn trong công việc.

Cô Hạnh cho biết thêm, dạy HS trường chuyên thường vất vả hơn đối với đa số GV bởi các em có sự tự tin, cá tính, kiến thức nền tảng tốt. Các em sẵn sàng trình bày quan điểm, suy nghĩ chứ không xê xoa về mặt kiến thức. Thậm chí, HS dám nói lên quan điểm trái ngược hẳn GV, phản biện lại tư duy của GV ngay trên lớp. Như vậy, GV phải có lượng kiến thức sâu rộng hơn mới chinh phục được học trò.

Rõ ràng khi giáo dục đổi mới, HS không phải là chiếc bình cho thầy cô đổ đầy kiến thức mà các em như những ngọn đuốc cần được người thầy thắp sáng để bùng cháy. Chính vì vậy, mục tiêu giáo dục xuyên suốt mà cô Hạnh hướng tới không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, cô luôn tạo ra sự thích thú, động lực môn học cho mỗi HS là hoàn toàn đúng đắn. Ngoài ra cần có định hướng, chiến lược, mục tiêu nhiệm vụ học tập rõ ràng và theo từng giai đoạn cho học trò. Trên cơ sở đó mới thuyết phục, động viên và yêu cầu HS thực hiện.

Trong vai trò là GV phụ trách, hướng dẫn HSG quốc gia của trường, cô Hạnh luôn coi HS của mình như những người bạn, là con... để chủ động nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện khó khăn của các em. Từ đó cô dễ dàng tháo gỡ, giúp đỡ các em học tập hiệu quả và say mê với môn Ngữ văn.

“Thành công của HS chính là niềm vui, hạnh phúc, phần thưởng lớn nhất của mỗi người thầy. Khi HS đạt được thành tích, bản thân tôi cũng vỡ òa niềm vui sướng cùng các em. Khi các em gặp thất bại, tôi phải kìm nén cảm xúc, chỉ ra cho các em bài học và cách đứng dậy. Phải liên tục truyền lửa để HS giữ vững niềm đam mê, không lung lay, chùn bước trước khó khăn trong học tập”, cô Hạnh tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.