Đây là một nhận xét khá thú vị và gây tò mò cho nhiều người, không biết có đề tài nghiên cứu khoa học nào chỉ ra việc đặt tên tiếng anh là bất lợi cho giáo dục truyền thống hay chưa. Song càng ngày càng thấy cha mẹ Việt đổ xô cho con em đi luyện anh văn. Nói không hề quá, khắp nơi điên đảo, lao đao vì ngoại ngữ, không ít người “lên bờ xuống ruộng” vì ngoại ngữ, và cũng chẳng ít kẻ đổi đời nhờ giỏi ngoại ngữ…
Từ xưa ông bà ta chưa “hội nhập” có thói quen đặt tên con, cháu theo các từ ngữ càng xấu càng tốt , mà theo lý giải là cho…dễ nuôi; đại loại như “cu chó”, “cu mèo”, đứa sinh trước đặt “cu anh”, sinh sau đặt “cu em”, con trai đặt “cu” con gái gọi là “bé”…và còn nhiều cái tên tục phát ra méo miệng mà không tiện kể ra đây.
Nhiều năm trở lại đây, nói một cách to tát là do xu thế hội nhập và có lẽ do ngoại ngữ được dạy tràn lan phổ biến nên cái tên “cúng cơm” không còn là nỗi xấu hổ của bọn trẻ nữa, mà mỗi lần kêu lên nghe sang…như Tây. Ví dụ như “Bun”, “Bon” “Tom” “Ken” “Susu” thậm chí là “Jerry”, “Kitty”, “Anna”…
Tôi không ghét nhưng cũng chả ưa gì mấy cái tên không biết là Tây hay ta này, nhưng cũng không biết chúng xuất phát từ đâu mà ngày càng phổ biến không những ở thành thị mà về tới cả nông thôn. Cũng chẳng biết những cái tên như vậy có ảnh hưởng gì đến việc giáo dục truyền thống hay không?
Nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ và đi đến kết luận được thừa nhận rộng rãi “ngôn ngữ là vỏ tư duy”. Có nghĩa là ngôn ngữ luôn đi liền với chiều sâu của não bộ, ăn vào tiềm thức, học ngôn ngữ nước khác đồng nghĩa với việc thu nạp cả văn hóa của nước đó một cách đậm đặc nhất mà người học đôi lúc không hay biết.
Thời kỳ Pháp thuộc, dân Việt Nam rất nhiều người giỏi tiếng Pháp và du nhập cả văn hóa Pháp, phong cách Pháp rất thịnh hành trong giới thượng lưu.
Khi Alexan dre Rhodes sáng tạo ra chữ Quốc ngữ thì cũng là lúc văn hóa Tây Phương mà cụ thể là đạo Thiên chúa được truyền bá mạnh mẽ vào Việt Nam và phát triển cho đến ngày nay. Hay thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc. dân An nam không những giỏi chữ Hán mà còn uyên thâm Nho học, Đạo giáo, Phật giáo. Cho đến nay hai nước vẫn “đồng văn, đồng chủng”.
Dẫn ra như vậy là để thấy, nếu có ảnh hưởng đến giáo dục truyền thống thì việc đặt tên tiếng anh hay gì đi nữa cũng chưa nhằm nhò gì so với việc học tiếng anh hay những ngoại ngữ khác từ cấp một lên đến...hết cấp học! Cái tên dù sao cũng chỉ là “danh xưng” để phân biệt người này người kia trong quan hệ, giao tiếp.
Để mất gốc tích hay phai mờ các giá trị truyền thống của dân tộc chủ yếu là do giáo dục, cụ thể là cơ cấu chương trình dành cho nhóm khoa học xã hội, nhân văn mà trực tiếp là môn Lịch sử và Văn học. Đó là cả một câu chuyện dài loằng ngoằng hao tốn giấy mực nhiều năm qua mà chưa có cái kết cụ thể nào.
Hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống tại hải ngoại, không ít gia đình trong số đó vẫn giữ được truyền thống dân tộc. Ở Việt Nam có nhiều công ty lớn chuyên làm bánh chưng, dưa món, chả giò xuất khẩu phục vụ kiều bào…đó là nét đặc trưng cho văn hóa dân tộc. Tựu trung lại, thêm cái tên tiếng anh bên cạnh tên Việt cũng chẳng chết ai, nếu nói ảnh hưởng đến giáo dục truyền thống thì thật sự chưa có cơ sở thuyết phục.