4 đứa con tên: Chào, Hỏi, Lai, Rai
Xóm tôi có một cặp vợ chồng đẻ 4 đứa con. Đứa đầu tên Chào, 3 đứa kế tiếp là Hỏi, Lai, Rai. Ông bố là người mến bạn, khoái nhâm nhi chuyện trò cùng khách, giải thích rằng đặt tên như vậy để “dạy con” sự lễ phép.
Hễ khách tới là con cái phải chào hỏi, sau đó đứa làm mồi, đứa mua rượu để ông lai rai cùng bạn bè.
Mấy lần, tôi cùng vài người bạn thấy tận mắt chuyện này tại nhà ông. Khách mới tới đầu ngõ đã nghe ông oang oang: “Chào, Hỏi, Lai, Rai đâu? Tập hợp một hàng dọc nghe phân công tiếp khách!”.
Chủ khách cùng cười, nhưng chủ cười to hơn: “Mấy ông thấy tui đặt tên con hết sẩy chưa?”. Ngấm rượu, ông bố nói, nhưng mà mấy cha đừng bắt chước. Đặt cho suôn câu thôi chớ lâu lâu tụi nó cũng hay “kiện tụng” vì có tên hay, tên dở.
Tên hay là thằng Chào, con Lai, thằng Hỏi. Thằng Chào “tự hào” vì ra đường từ lớn chí nhỏ ai cũng: “Chào! Đi đâu đó?”. Thằng Hỏi nhờ hay hỏi, cái gì cũng hỏi nên học giỏi, nó “dạy kèm” mấy đứa bạn nên mỗi tháng được… mớ cá! Con Lai mỗi lần soi gương đều tự khen mặt mình đẹp giống… con lai.
"Còn con Rai thì… buồn lắm mấy cha ơi. Nó hỏi “rai” là gì làm tui bí rị. May mà tui lót chữ Minh nên trớ qua, nói Minh Rai là… mai rinh. Con không ế chồng đâu! Nay mai người ta… rinh về thôi", ông bố cười.
Giảng viên về làng, được réo ngay "Củm chị"
Cũng có chuyện đặt tên xấu cho... ma quỷ khỏi quở đặng dễ nuôi. Cho nên thiếu gì tên mà hễ sinh cái thằng thì gọi ngay: Cu bủm, Cu đỏ, Cu đen, Cu lác… Bà chị tôi vỡ kế hoạch “được” một… thằng liền đặt ngay tên Cu lỡ. Chị nói đặt vậy để tự nhắc mình thôi đừng… lỡ nữa.
Còn hễ sinh con gái, bà con miền Trung cứ tên “Củm” (chữ "củm" dùng để nói tránh cho một chữ có ý nghĩa thô tục - PV) mà đặt. Nếu thêm đứa nữa cũng gái thì phân biệt bằng Củm chị, Củm em hoặc: Chó lớn, Chó nhỏ…
Những cái tên đậm đặc màu sắc dân gian kiểu ấy hằn sâu trong trí nhớ người làng ngay từ thời thơ ấu, đến mức “chết tên” luôn. Thành ra lớn lên, những “Cu”, những “Củm” ấy dù đã là giám đốc, bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư… nhưng về làng là đứng ngây ra trước câu chào hỏi của người quê: “Cu lác về đó hở? Chà, cao ngồng giống thằng cha mày, phát tướng ghê luôn”.
Đàn ông nghe vậy cười xòa cái là xong. Chỉ tội cho các cô, bị kêu cái tên thuở “ở truồng” là lập tức… đứng hình. Mới tháng trước, H., giảng viên đại học, đưa bạn trai về quê chơi. Mới từ quốc lộ rẽ xuống đường làng đã có người chào: “Chu cha! Củm chị đó hả con? Mày đẹp gái dữ đa!”. Thiệt đúng là không đỡ nổi!
Thằng bạn tôi là nhân viên hộ tịch - hộ khẩu xã những năm 1980 kể, đa số mấy ông tên Cư, Cự, Cừ… bây giờ, vào thời đó thường là “Cu” hết. Làm giấy khai sinh để nhập học, cán bộ gợi ý thêm cái dấu vào cho nhanh. Nên giờ mấy ổng viết tên mình cẩn thận lắm. Viết lơ mơ làm mờ dấu, “rớt” dấu thì “Cu” lại hoàn “Cu” ngay.
Trường hợp đặt tên của cháu gái tôi cũng dở khóc dở cười. Ngày thôi nôi, ông nội đặt hương án khấn vái để “xin tên” qua trung gian một người ngồi đồng bịt mặt bằng khăn đỏ. Một lô những cái tên đài các, quý phái, nhung lụa được đưa ra như Loan, Phượng, Diễm, Hằng, Thảo, Lệ… nhưng người ngồi đồng đều lắc đầu, bảo tên nào cũng “kỵ húy” vì trùng với ông bà tiên tổ.
Mãi khuya, ông nội bực quá nói “thôi…”. Người ngồi đồng rùng mình nói tên này được rồi, các vị bề trên đã đồng ý. Vậy là con bé mang tên Thôi!
Quanh cái tên Thôi, người thì “bình” rằng nhờ tên “Thôi” mà anh chị tôi dừng lại ở… 5 con. Người thì nói anh khỏe ra nhờ tiếp bạn có chừng mực. Đang nhậu, muốn “tan hàng” sớm anh chỉ việc đứng dậy kêu lớn: “Thôi!”. Đám bạn nhột ý giải tán ngay.
Bây giờ, phần lớn các ông bố bà mẹ đều có học thức. Đa số đặt tên con thật “kêu”, thật bề thế, bóng nhoáng và sang trọng. Ví dụ tên Trưởng lót chữ Quốc; tên Sĩ lót chữ Tiến; tên Thống lót chữ Tổng; tên Soái lót chữ Nguyên…
Xét cho cùng, cái tên không làm nên con người. Tuy nhiên, việc đặt cho con một cái tên không thô thiển, không “kiêu ngạo”, không gây phản cảm, không tạo điều kiện cho những “ý tưởng” cười cợt là điều đáng để cho các ông bố, bà mẹ suy nghĩ.