Cách từ chối những đòi hỏi của trẻ

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường muốn tự mình làm các việc để chứng tỏ bản thân và chứng tỏ khả năng độc lập của mình; hoặc đơn giản trẻ không biết rằng những điều mình thích và muốn nằm trong giới hạn, không phải như thế nào cũng được. 

Cách từ chối những đòi hỏi của trẻ

Các đòi hỏi của trẻ luôn làm bạn cân nhắc, dù lớn hay nhỏ, đặc biệt đối với những đòi hỏi quá đà, khiến bạn phải suy nghĩ cách xử lý để không làm trẻ tổn thương hoặc có cái nhìn sai lệch về “quyền” của mình.

Khi trẻ yêu cầu được làm một việc gì đó, thay vì từ chối theo kiểu “mệnh lệnh” như “con không được phép” hay “bố (mẹ) cấm con”…, bạn nên tạo cho trẻ có một lựa chọn khác mềm dẻo và thích hợp.

Chẳng hạn bé xem tivi quá nhiều, bạn muốn ngăn cản nhưng bé vẫn xin thêm, hãy đưa bé cuốn sách hoặc một món đồ chơi cần vận động.

Trẻ thường cố gắng đạt được những điều chúng mong muốn. Càng bị ngăn cấm thì chúng càng quyết liệt và ương bướng. Nhưng trẻ lại có “điểm yếu” là khả năng tập trung kém và ít bền vững.

Do vậy, trước những yêu cầu của trẻ, cha mẹ cần đánh lạc hướng để chúng mau chóng quên đi các mục đích của mình. Chẳng hạn, bạn có thể bày một trò chơi mới hoặc hướng dẫn cho bé làm một việc lý thú khác.

Không đáp ứng những yêu cầu của trẻ không có nghĩa là cha mẹ tự cho phép mình nói dối con. Chẳng hạn khi con muốn ăn kẹo, cha mẹ không muốn cho chúng ăn và nói với con rằng “hết rồi” mà trẻ vẫn có thể tìm được kẹo trong túi của mẹ hoặc ở đâu đó.

Điều này sẽ khiến trẻ nhận ra rằng, cha mẹ nói dối và từ đó lời nói của cha mẹ không còn sức thuyết phục và trẻ không còn tin vào cha mẹ nữa. Thậm chí, có thể còn khiến trẻ như bị chọc tức và cố sức đòi cho bằng được.

Bất cứ khi nào có thể, bạn hãy tránh các tình huống phải nói “không” với trẻ. Khi bé thích mạo hiểm hoặc tò mò… bạn có thể cho bé một môi trường an toàn để khuyến khích sự khám phá và để cho bé có cơ hội rèn luyện thân thể.

Cách tốt nhất là đừng nói dông dài khi từ chối các yêu cầu của bé. Hãy nói kiên quyết nhưng bình tĩnh: “Không, không được” hoặc “không, con yêu”… Như vậy, con mới dễ nhận được những thông điệp của bạn. Khi bé làm theo lời bạn, hãy cười ôm bé để khuyến khích và động viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ