Đất học nổi danh ven dòng sông Châu

GD&TĐ - Làng Châu Cầu nằm nép bên dòng sông Châu hiền hoà, đã nổi danh bao đời nay bởi truyền thống hiếu học và học giỏi. Châu Cầu vốn là một địa danh có từ xa xưa của Phủ Lý (Hà Nam).

Ven dòng Châu Giang là làng học Châu Cầu nổi tiếng Hà Nam.
Ven dòng Châu Giang là làng học Châu Cầu nổi tiếng Hà Nam.

Vùng đất này vốn nhiều lau sậy, hồ ao, đầm lầy, gò đống – lại có trai quý cho ngọc nên người xưa lấy chữ Châu ghép với chữ Cầu để thành tên làng Châu Cầu.

Phó bảng duy nhất được ban Tiến sĩ

Một trong những tài liệu lưu trữ về danh sĩ Bùi Văn Dị tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Một trong những tài liệu lưu trữ về danh sĩ Bùi Văn Dị tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Bùi Văn Dị là nhà thơ, nhà giáo, là đại thần trải qua 7 đời vua triều Nguyễn: Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái. Ông được coi là bạn thơ của Vua Tự Đức và các danh sĩ đương thời như Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Khuyến, Miên Trinh. Ông từng là một trong số các viên quan được phái làm việc tại trường thi vào năm Tự Đức thứ 28, sung duyệt quyển tuyển chọn nhân tài.

Ở Hà Nam, địa danh sông Châu núi Đọi đã trở thành thắng cảnh đại diện cho một vùng đất văn hiến. Thế nhưng ít ai biết rằng, tên dòng sông Châu lại phát xuất từ chính tên làng Châu Cầu. Hội tụ cá, tôm và trai ngọc ở một đoạn sông – thấy được sự lạ nên người xưa đặt tên làng là Châu Cầu, và dòng sông Châu uốn lượn cũng được mang tên từ đó.

Không chỉ nổi tiếng là đất thiêng, với sản vật ngọc trai quý hiếm, làng Châu Cầu còn là đất học nổi danh khắp 11 phủ - 42 huyện của trấn Sơn Nam xưa. Ngoài trục lộ chính Nam – Bắc đi qua, xung quanh Châu Cầu cũng có những làng học nổi danh - là nơi các danh sĩ xưa của trấn Sơn Nam dễ tụ họp nhất, khi vào Kinh đô hay ra Bắc Hà.

Có lẽ đó là một trong những lý do khiến Châu Cầu từ một nơi toàn lau sậy trở thành làng học – làng khoa bảng. Và một trong những danh sĩ nổi tiếng của Châu Cầu phải kể đến Bùi Văn Dị.

Bùi Văn Dị (sinh năm 1833), đỗ Cử nhân năm 1855, sau đó một năm ông mới vào Huế dự thi Hội. Sau đó, kỳ thi Đình diễn ra và ông đạt học vị Phó bảng cùng người em con ông chú ruột là Bùi Văn Quế. Ông cũng là trường hợp duy nhất trong lịch sử khoa bảng được ban đỗ từ Phó bảng lên Tiến sĩ và được khắc tên riêng trên một bia.

Ông được bổ làm Tri huyện Lang Tài, Việt Yên, Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay. Thời gian sau, ông làm Án sát Ninh Bình rồi lại được triệu về Huế, giữ chức Nội các sự vụ Thị lang bộ Lễ, tiếp theo là Tham tri bộ Lại. Khi quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất (1873), ông được cử ra đó lo việc chống ngăn.

Năm 1876, Bùi Văn Dị được cử làm Chánh sứ đi sứ nhà Thanh. Hai năm sau, ông được sung vào Nội các được cử làm Duyệt quyển thi Hội, thi Đình. Khi quân Pháp mở rộng xâm lược đánh chiếm Bắc Kỳ, Bùi Văn Dị dâng sớ đề nghị kiên quyết chống đánh và được cử làm Phó Kinh lược sứ Bắc Kỳ, trực tiếp chỉ huy trận đánh ngày 27 và 28/3/1883 chặn quân Pháp lấn ra ngoại vi Hà Nội.

Ông được cử làm Tham tán quân thứ Bắc Ninh. Tinh thần chiến đấu và lòng yêu nước của ông bị tổn thương đến phát bệnh khi triều đình nhà Nguyễn ký hàng ước 25/3/1883.

Bùi Văn Dị không chịu nổi sự sỉ nhục quốc thể đó đã từ chối chức Tổng đốc Ninh – Thái (cùng lúc người đồng hương Nguyễn Khuyến từ chức Tổng đốc Sơn – Hưng - Tuyên).

Tuy nhiên, duyên nợ với triều đình chưa hết, năm 1884 ông bị triệu về làm Nhật Giảng Quan, giảng giải sách cho vua Kiến Phúc và sau đó là vua Hàm Nghi. Đến cuối năm 1887, ông lại được triều đình gọi về làm Phụ chính đại thần. Hai năm sau, ông xin thôi giữ chức Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại và Phụ chính đại thần, mà chỉ giữ chức Phụ đạo đại thần kiêm Phó Tổng tài Quốc sử quán.

Trong khoảng thời gian này, theo lời điều trần của ông, nhà vua sắc tứ cho ông đỗ Tiến sĩ. Nguyên do bởi khoa thi Hội năm Ất Sửu (1865) ông đã đỗ trúng cách vào hạng chính, lẽ ra phải là Tiến sĩ, nhưng không hiểu sao khi vào thi Đình, ông lại bị xếp xuống Phó bảng.

Cuối đời, khi đang tổng duyệt hoàn chỉnh bộ thơ vịnh sử 300 bài là di thư Tự Đức, thì ông tạ thế (1895) ngay tại Quốc sử quán, thọ 63 tuổi. Linh cữu được đưa về quê xã Châu Cầu, Phủ Lý xưa an táng tại cánh đồng Ngũ Mã.

Cùng thời gian với người đồng hương Nguyễn Khuyến từ chức Tổng đốc, Bùi Văn Dị cũng từ chối chức Tổng đốc Ninh – Thái.

Cùng thời gian với người đồng hương Nguyễn Khuyến từ chức Tổng đốc, Bùi Văn Dị cũng từ chối chức Tổng đốc Ninh – Thái.

Ba đời đỗ đại khoa

Kể từ đời Tiến sĩ Bùi Văn Dị, dòng họ Bùi ở Châu Cầu đã có ba đời liên tiếp đỗ đại khoa. Trong số đó, Bùi Văn Quế cũng nổi tiếng không kém người anh.

Bùi Văn Quế sinh năm Đinh Dậu (1837), đỗ Cử nhân khoa Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864). Tiếp đó năm Ất Sửu (1865) đỗ Phó bảng. Cuối năm 1865 ông được bổ vào tập sự trong một bộ của triều Nguyễn, sau 1868 nhậm chức Tri huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.

Năm Nhâm Thân (1872) được thăng chức Đồng tri phủ, nhưng vẫn trị nhậm huyện cũ. Vài năm sau đổi về làm quan trong triều rồi dần thăng chức Thị lang bộ Hộ. Năm 1880 ông là quan duyệt quyển chấm thi Tiến sĩ.

Với tài năng và sự liêm chính, năm sau ông được thăng Tham tri bộ Hộ, rồi Tuần phủ Nam - Ngãi - Thuẫn - Khánh (kiêm 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa). Bùi Văn Quế chính là cha của Tiến sĩ Bùi Thức.

Bùi Thức sinh năm 1859, đỗ Cử nhân khoa Bính Tuất (1886), đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp khoa Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái thứ 10, lúc tròn 40 tuổi. Tuy nhiên ông không chịu ra làm quan, dù nhiều lần được đề cử. Ông lấy cớ ở nhà để phụng dưỡng cha mẹ già, mở trường dạy học và viết sách.

Học trò của ông có nhiều người thành đạt, như Cử nhân Văn Lâm (Hà Nam), Cử nhân Phan Duy Tiếp (Sơn Tây). Đặc biệt, có người trưởng tràng là Kép Trà Hoàng Thụy Phương - nhà thơ trào phúng nổi tiếng đương thời.

Bùi Thức có nhiều con trai, con gái đều được dạy dỗ theo nho học và đều đỗ đạt. Ba con trai: Bùi Kỷ đỗ Phó bảng, Bùi Khải, Bùi Lương đỗ Cử nhân. Một bà con gái lấy học giả Trần Trọng Kim.

Giáo sư đầu tiên

Nhà giáo Bùi Kỷ.

Nhà giáo Bùi Kỷ.

Bùi Kỷ có tên chữ là Ưu Thiên, hiệu là Tử Chương, sinh năm 1888. Ông được cha săn sóc dạy bảo về Nho học, mới bắt đầu đi thi đã đỗ ngay Cử nhân khoa Kỷ Dậu (1909). Năm 1910 vào Huế thi Hội và thi Đình đỗ Phó bảng khi mới 24 tuổi.

Sau đó ông được bổ làm Huấn đạo, nhưng cương quyết từ chối, lấy cớ phải phụng dưỡng ông và cha đều đã già yếu. Sau đó, ông còn tìm học ở các thầy Tân học về Quốc ngữ và Pháp văn.

Năm 1912, Nhà nước bảo hộ Pháp chọn cử ông sang Pa-ri học trường thuộc địa. Hai năm học ở đó, ông có điều kiện tiếp xúc với các nhà cách mạng, kết giao với nhà yêu nước Phan Chu Trinh.

Về nước, ông không chịu ra làm quan, chỉ chuyên dạy học, viết sách, biên khảo, dịch thuật văn học. Từ năm 1917 cho đến Cách mạng tháng Tám 1945, gần 30 năm chuyên dạy hai môn Hán văn và Việt văn bậc trung học, ông không hề ở trong biên chế nhà nước bảo hộ mà chỉ ký hợp đồng hàng năm và dạy các trường tư.

Ông là vị Giáo sư đầu tiên đã dạy ở các trường Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng Pháp chính, Trường Tư thục Thăng Long, Văn Lang, trường Thăng Long do một số tri thức tiến bộ và cách mạng như Phạm Thanh, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp... lập ra và mời ông cùng trực tiếp giảng dạy.

Ngoài công việc của nhà giáo, ông còn tham gia hoạt động văn hóa - xã hội như phong trào truyền bá quốc ngữ, các hoạt động văn hóa cứu quốc trước năm 1945.

Trong kháng chiến chống Pháp, Bùi Kỷ là thành viên của chính quyền Hà Nam và Liên khu Ba, là Ủy viên hành chính kháng chiến Liên khu, Chủ tịch Hội Liên Việt. Năm 1946 ông được Bác Hồ cử làm Phó ban Thanh toán nạn mù chữ, sau làm Trưởng ban Bình dân học vụ toàn quốc, là thành viên của Chính phủ.

Năm 1954, hòa bình lập lại ông là Ủy viên Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới, Hội trưởng Hội Việt - Trung hữu nghị.

Về văn học, ông đã tham gia hiệu đính, giới thiệu biên khảo một loạt các tác phẩm cổ điển Việt Nam như Truyện Kiều, truyện Phan Trần, Trinh Thử, Trê Cóc, Lục súc tranh công, Hoa điểu tranh năng… Ông cũng dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Tam Quốc chí diễn nghĩa”, “Hồng Lâu Mộng”… Ông để lại bài “Thân thế luận” nổi tiếng đương thời và cho đến ngày nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ