Các nguyên tố đất hiếm rất quan trọng đối với ngành công nghiệp công nghệ cao trong việc sản xuất mọi thứ, từ điện thoại di động cho tới chiến đấu cơ hiện đại.
ACREI - gồm 300 nhà khai thác mỏ, chế biến và sản xuất - có một cuộc họp đặc biệt đầu tuần này vài ngày sau khi TT Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ giáng thêm một đòn thuế vào Bắc Kinh.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 7/7, ACREI gọi chính sách thuế của Washington là “bắt nạt thương mại” nhằm kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. “Chúng tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ” với việc này – ACREI nói và cho biết các công ty đất hiếm của Trung Quốc nên tích cực mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.
Tuy ACREI thừa nhận không có ai thắng trong cuộc thương chiến nhưng họ cảnh báo các công dân và doanh nghiệp Mỹ sẽ là nạn nhân trong cuộc xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Thị trường và người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cho thuế quan mà Mỹ đưa ra” – tuyên bố nói.
Bình luận của ACREI đưa ra sau khi Bắc Kinh ngụ ý có thể đặt ra giới hạn vào việc xuất khẩu đất hiếm. Hồi tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm một cơ sở đất hiếm ở Giang Tây, sau đó truyền thông địa phương nói rằng chính phủ Bắc Kinh sẵn sàng đưa ra lệnh cấm xuất khẩu.
Một động thái như vậy có thể tổn hại cho Mỹ - quốc gia chủ yếu dựa vào đất hiếm mà Trung Quốc cung cấp để sản xuất các thiết bị công nghệ cao và thiết bị quân sự.
Trong một nỗ lực nhằm đảm bảo việc cung cấp đất hiếm, tháng trước, Lầu năm góc đã yêu cầu các công ty khai thác mỏ Mỹ báo cáo khả năng sản xuất của họ và đưa ra kế hoạch phát triển ngành này.
Trung Quốc cung cấp hơn 80% đất hiếm trên toàn cầu và việc xuất khẩu nguyên liệu này của họ đang giảm xuống. Tháng 6 vừa qua, nước này xuất khẩu 3.966 tấn đất hiếm, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái.