Thu lợi bất chính hàng tỷ đồng
* Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra Quyết định khởi tố đối với 4 bị can thuộc Trường ĐH Đông Đô, trong đó có nguyên hiệu trưởng Dương Văn Hòa về tội “Giả mạo trong công tác”. Cá nhân ông nhìn nhận việc này như thế nào?
- Ban lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô đã liên kết ồ ạt với các trung tâm đào tạo ngắn hạn bên ngoài để tổ chức tuyển sinh và ăn chia theo thỏa thuận. Mức thu đối với các lớp học ban ngày là hơn 27 triệu 600 nghìn đồng/học viên; đối với các lớp học buổi tối, thứ 7 và Chủ nhật mức thu là gần 30 triệu đồng/học viên. Đây là số tiền thực nộp về phòng tài vụ của nhà trường, có hóa đơn chứng từ, các đối tác tuyển sinh được nhận phí môi giới là 30%/học viên.
Lợi dụng chủ trương này, một số cán bộ chủ chốt của nhà trường đã thông đồng, chỉ đạo cấp dưới móc ngoặc với các trung tâm trên để thu lập hồ sơ của những người có nhu cầu lấy nhanh bằng đại học chính quy nhưng không tham gia học, thu lợi bất chính với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Thủ đoạn của các đối tượng là, đăng thông tin tuyển sinh trên mạng Internet, khi người có nhu cầu đến tìm hiểu thông tin thì trung tâm môi giới sẽ giới thiệu hình thức đào tạo “cấp tốc” thông qua cán bộ của Trường ĐH Đông Đô chèn hồ sơ học viên vào danh sách lớp đã học trước đó hoặc tổ chức một lớp riêng cho số học viên này.
Để hợp thức hóa sai phạm, Trường Đại học Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 27 tín chỉ và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1 - 2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 - 6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học. Tiêu cực đã thả nổi thông qua “cò giáo dục” với mức dao động 40 - 50 triệu đồng/học viên.
Nguồn tin cũng cho biết thêm, khi trao đổi với Bộ GD&ĐT thì Bộ khẳng định chưa cấp phép cho Trường ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2, việc cấp phép phải được Bộ xem xét trên cơ sở các trường có hồ sơ xin phép đào tạo và được phê duyệt.
Như vậy, Trường ĐH Đông Đô không được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo không đúng quy trình cho khoảng 3.000 học viên trên cả nước. Điều đáng nói, xuất phát từ chủ trương đào tạo cấp tốc với mục đích trục lợi của Chủ tịch Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu, từ đầu năm 2018 đến nay, Trường ĐH Đông Đô đã cấp khống hàng trăm văn bằng 2, đại học chính quy ngành Ngôn ngữ Anh cho các học viên mà không phải qua thi tuyển, không tham gia đào tạo, thu lợi bất chính với số tiền hàng tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, trong các năm 2015 và 2016, Trường ĐH Đông Đô không tổ chức tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 nhưng vẫn ban hành các văn bản: Công văn gửi Bộ GD&ĐT về việc đăng ký tuyển sinh đào tạo văn bằng đại học thứ hai năm 2015; Quyết định về việc công nhận thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai các năm 2015, 2016; Các quyết định về việc thành lập Hội đồng tuyển sinh, Ban thư ký, Ban đề thi, Ban chấm thi năm 2016. Kết quả xác minh ban đầu khẳng định các tài liệu trên có dấu hiệu bị làm giả nhằm hợp thức hóa sai phạm.
Cá nhân tôi cho rằng, đây là vấn đề xuống cấp về đạo đức nhà giáo trong một bộ phận giáo viên và sự thiếu trách nhiệm, thiếu dũng cảm đấu tranh của tập thể nhà trường.
Tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm
* Theo ông, đối chiếu với quy định của pháp luật thì nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô và các cá nhân liên quan đến sai phạm có thể bị xử lý như thế nào?
- Đối chiếu với quy định của pháp luật, hành vi của nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô và các cá nhân liên quan có dấu hiệu của tội “Giả mạo trong công tác”. Điều 359 Bộ luật Hình sự quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm: Có tổ chức; Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 2 giấy tờ giả đến 5 giấy tờ giả.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 6 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả; Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên; Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
* Từ câu chuyện của Trường ĐH Đông Đô cho thấy, rõ ràng tự chủ không thể là muốn làm gì thì làm, trong đó có vấn đề tuyển sinh, cấp văn bằng, chứng chỉ. Vậy ông có lưu ý gì về vấn đề này?
- Từ câu chuyện của Trường ĐH Đông Đô, tôi cho rằng, càng tự chủ thì càng cần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề cấp giấy phép hoạt động GD-ĐT cho các cơ sở GD-ĐT bao gồm: Các học viện, ĐH, trường ĐH công lập, trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận và cơ sở GD-ĐT có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, là việc cấp phép thành lập Đại học Quốc gia; đại học vùng; Cơ sở GDĐH cũng như khi thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; thành lập ĐH, trường ĐH công lập, cho phép thành lập trường ĐH tư thục; cho phép hoạt động GD đối với cơ sở GDĐH và phân hiệu của cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; cho phép thành lập phân hiệu của cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Ngoài ra, phê duyệt liên kết đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ; gia hạn, điều chỉnh hoạt động liên kết đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ; cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với trường ĐH và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài…
* Xin cảm ơn ông!