Đào tạo và nghiên cứu, công nghệ là cốt lõi chuyển dịch năng lượng

GD&TĐ - Nghiên cứu công nghệ mới gắn với đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những vấn đề cốt lõi nhất cho sự thành công trong chuyển dịch năng lượng, phát triển bền vững...

 PGS.TS Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực phát biểu tại Hội thảo.

Đó là nhấn mạnh của PGS.TS Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực tại Hội thảo quốc tế chuyển dịch năng lượng với chủ đề Đào tạo nhân lực, Nghiên cứu và Công nghệ vừa diễn ra ngày 6/5 vừa qua.

PGS.TS Đinh Văn Châu cho biết, chuyển dịch năng lượng là một quy luật tất yếu của xã hội và là xu hướng chung của thế giới đóng vai trò giúp đảm bảo an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và góp phần phát triển bền vững. 

Lịch sử loài người đã chứng kiến những bước đi của chuyển dịch năng lượng từ năng lượng thô sang năng lượng hoá thạch, năng lượng hạt nhân và đến ngày nay là năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Việc khai thác và sử dụng năng lượng hoá thạch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường và gia tăng hiệu ứng nhà kính.

PGS.TS Đinh Văn Châu đưa ra hàng loạt những câu hỏi lớn đặt ra là làm sao để chuyển dịch năng lượng thành công, phục vụ phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Ngoài ra những dấu hỏi về tác động đến môi trường, xã hội và kinh tế của việc sản xuất năng lượng bền vững cũng như bình diện kinh tế, chính trị, xã hội. Vai trò của các bên liên quan và làm sao để kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trong công cuộc chuyển đổi năng lượng? 

"Nhiều ý kiến cho rằng: nghiên cứu công nghệ mới gắn với đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là một trong những vấn đề cốt lõi nhất cho sự thành công trong chuyển dịch năng lượng...", PGS.TS Đinh Văn Châu bày tỏ.

Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực cũng thông tin, quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam nằm trong xu thế chuyển dịch năng lượng của thế giới. Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do tác động biến đổi khí hậu. 

TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trình bày tham luận “Vai trò của điện hạt nhân trong chuyển đổi cơ cấu điện năng”
TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trình bày tham luận “Vai trò của điện hạt nhân trong chuyển đổi cơ cấu điện năng”

Tại COP26, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. 

Việc phát triển, chuyển dịch năng lượng thành công đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội trong đó nghiên cứu, khai thác, điều hành hệ sinh thái năng lượng đòi hỏi sự đóng góp rất quan trọng của các nhà khoa học. 

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã xác định các rào cản chính đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng tại Việt Nam như thể chế và chính sách; kinh tế và tài chính; kỹ thuật và cơ sở vật chất; và đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại Hội thảo, GS.TSKH Trần Quốc Tuấn - Đại học Quốc gia Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (INSTN), Đại học Paris Saclay, Giám đốc nghiên cứu CEA Liten-INES tham luận về bức tranh “chuyển dịch năng lượng: Đào tạo và nghiên cứu ở Pháp và trên thế giới”.

GS.TSKH Trần Quốc Tuấn - Đại học Quốc gia Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (INSTN), Đại học Paris Saclay, Giám đốc nghiên cứu CEA Liten-INES chia sẻ về “Chuyển dịch năng lượng: Đào tạo và nghiên cứu ở Pháp và trên thế giới”
GS.TSKH Trần Quốc Tuấn - Đại học Quốc gia Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (INSTN), Đại học Paris Saclay, Giám đốc nghiên cứu CEA Liten-INES chia sẻ về “Chuyển dịch năng lượng: Đào tạo và nghiên cứu ở Pháp và trên thế giới”

GS.TSKH Trần Quốc Tuấn đã mang tới cho đại biểu và khách mời cái nhìn toàn diện về năng lượng nguyên tử, năng lượng thay thế, năng lượng mặt trời...ở Pháp và trên thế giới trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, y học…

Tại Hội thảo, các đại biểu và khách mời đã thảo luận và làm rõ thêm các vấn đề như: Chính sách về năng lượng; Phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam và trên thế giới; Lưới điện thông minh; Chuyển đổi số trong hệ thống điện; Tự động hóa hệ thống điện; Năng lượng tái tạo và tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện…

Cùng đó, các nhà hoạch định chính sách, giới khoa học và doanh nghiệp cùng nhau thảo luận về chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu mới nhất, các công nghệ và định hướng liên quan đến lĩnh vực năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực.

Qua đó, đưa ra nhiều giải pháp, ý kiến góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nghiên cứu và công nghệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.