Đào tạo thí điểm cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS: Ngã rẽ mới cho người học?

GD&TĐ - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) đang lấy ý kiến về “đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở” với 10 ngành, nghề trọng điểm.

Dự kiến có 10 ngành nghề trọng điểm đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS. Ảnh minh họa
Dự kiến có 10 ngành nghề trọng điểm đào tạo cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS. Ảnh minh họa

Có khoảng 400 học sinh/ngành nghề

Mục tiêu của chương trình là xây dựng mô hình và tổ chức thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS. Góp phần thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Cụ thể, có khoảng 400 học sinh/ngành nghề, với tổng số người tham gia khoảng 4 nghìn người. Đối tượng của đề án là học sinh tốt nghiệp THCS vào học thí điểm trình độ cao đẳng và các trường cao đẳng được lựa chọn tham gia.

Theo đó, có 10 ngành, nghề được cho là phù hợp với đối tượng người học tốt nghiệp THCS. Cụ thể là: Công nghệ thông tin, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp. Bên cạnh đó còn có Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, Quản trị mạng máy tính. Ngoài ra còn có thiết kế đồ họa, Vẽ và thiết kế trên máy tính, Hướng dẫn viên du lịch và Diễn viên múa.

Đề xuất thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc theo 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Thời gian thực hiện được đưa ra là từ năm 2022 - 2028.

Theo Bộ LĐ,TB&XH, chương trình đòi hỏi người học phải có kiến thức văn hóa phổ thông. Đối tượng cũng cần có năng lực thực hiện được công việc của ngành nghề ở trình độ cao đẳng. Đồng thời giải quyết được các công việc có tính phức tạp của ngành, nghề đào tạo. Ngoài ra, người học cần có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.

Giai đoạn 1 có thời gian đào tạo 2 năm, với các nội dung đào tạo chính. Đó là phần khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo yêu cầu của chương trình. Bên cạnh đó là nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ sơ cấp.

Nội dung kiến thức văn hóa THPT được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là các môn học thuộc khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp là những kiến thức, kỹ năng căn bản của ngành, nghề mà người học theo học.

Kết thúc giai đoạn 1, người học có thể tham gia thị trường lao động. Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và nội dung khối lượng kiến thức văn hóa THPT được bảo lưu nếu người học có nhu cầu học tiếp chương trình.

Giai đoạn 2 có thời gian đào tạo 1 năm. Nội dung đào tạo chính có khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo yêu cầu của chương trình. Cùng với đó là nội dung kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tương đương trình độ trung cấp.

Nội dung kiến thức văn hóa THPT là toàn bộ khối lượng kiến thức văn hóa THPT được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết thúc giai đoạn này, người học được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Kết thúc giai đoạn này, người học có thể tham gia thị trường lao động. Đối tượng cũng có thể học tiếp để hoàn thành trình độ cao đẳng ở mô hình này hoặc liên thông lên trình độ cao đẳng ở các hình thức đào tạo khác. Nội dung khối lượng kiến thức văn hóa THPT được bảo lưu nếu người học có nhu cầu hoàn thành chương trình giáo dục THPT.

Giai đoạn 3 có thời gian đào tạo 2 năm. Nội dung đào tạo chính là toàn bộ kiến thức, kỹ năng ở trình độ cao đẳng. Ngoài ra còn có nội dung kiến thức văn hóa THPT được bổ sung để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Kết thúc giai đoạn này, nếu đáp ứng yêu cầu, người học được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục THPT (chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT). Người học được tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT và được xét tốt nghiệp và cấp bằng cao đẳng. Ngoài ra, người học đủ điều kiện học liên thông lên trình độ đại học tương tự như các hình thức học tập khác ở trình độ cao đẳng.

Tổ chức đào tạo thí điểm tại một số trường

Theo đề xuất, điều kiện tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp THCS có xếp loại học lực từ trung bình khá trở lên. Đối tượng tuyển sinh được tư vấn kỹ lưỡng trước khi nhập học. Người học được miễn học phí khi tham gia theo mô hình này.

Về tổ chức đào tạo, khối lượng kiến thức văn hóa THPT được học song song với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo xu hướng giảm dần theo thời gian. Đồng thời được thiết kế tích hợp với nội dung nghề nghiệp, theo chuẩn đầu ra theo yêu cầu của chương trình. Khối lượng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp được học song song với kiến thức văn hóa THPT theo xu hướng tăng dần theo thời gian.

Cũng theo dự thảo của Bộ LĐ,TB&XH, việc tổ chức đào tạo thí điểm sẽ tiến hành ở một số trường đang thực hiện việc đào tạo nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS. Ưu tiên lựa chọn các trường đang đào tạo các ngành, nghề được lựa chọn thí điểm, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng.

Dự thảo cũng đề cập việc xây dựng khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học cần đạt sau khi tốt nghiệp. Đồng thời nêu rõ về việc lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tham gia đào tạo thí điểm.

Đồng thời, Nhà nước đặt hàng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được lựa chọn tham gia. Thực hiện gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để học sinh được thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Thiết lập mạng lưới gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp theo từng ngành, nghề được lựa chọn. Nâng cao vai trò của các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và hỗ trợ việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...
Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".