Đây là chương trình đào tạo có sự phối hợp giữa Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Bộ LĐ TB&XH với các đối tác khác như Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, các công ty thoát nước của các tỉnh thành TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ và Khánh Hòa.
Theo đó, trong vòng 3 năm, 20 sinh viên đầu tiên tham gia khóa học này sẽ được tiếp thu chương trình theo định hướng tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn nghề của Đức, đó là sự kết hợp đào tạo kép giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Cụ thể các em sẽ có 40 tuần học, làm việc tại các doanh nghiệp. Sau 3 năm, các em sẽ được cấp bằng trong nước và có cơ hội để lấy bằng do phía Đức cấp khi trải qua một kỳ thi do phía đối tác tổ chức. Giáo viên của chương trình là những chuyên gia Đức kết hợp với các giảng viên Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ TPHCM - cho biết: Để đảm bảo giảng viên của chương trình, từ 2 năm trước, nhà trường đã cử một số giảng viên đi đào tạo tại Đức và kết hợp phần kỹ thuật của các kỹ sư giỏi của các nhà máy xử lí nước thải tại Việt Nam đã được đào tạo tại Đức để chuẩn bị cho dự án này.
Chia sẻ tại lễ khai giảng, sinh viên Thúy Tình - 1 trong 20 sinh viên đầu tiên đăng kí học tập chương trình đào tạo nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải - cho hay: Sau khi tìm hiểu em quyết định chọn lựa ngành này để theo học bởi em nghĩ dù là nam hay nữ nếu mình quyết tâm sẽ thực hiện được nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Hơn nữa, nhu cầu về nhân lực cho nghề này cũng rất lớn bởi ở thời điểm nào thì việc xử lý nước thải rất quan trọng.