Đào tạo sinh viên trở thành những con người tử tế, biết phụng sự và cống hiến

GD&TĐ - Theo thầy Bùi Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Hà Nội, giáo dục nghề nghiệp chính là phát triển con người.

Đào tạo sinh viên trở thành những con người tử tế, biết phụng sự và cống hiến

Gần 20 năm gắn bó với giáo dục nghề nghiệp, thầy Bùi Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Trường Cao đẳng Hà Nội đã kiên trì kiến tạo môi trường học tập năng động và luôn đổi mới, giúp cho sinh viên phát triển kỹ năng nghề nghiệp, tư duy sáng tạo, có đủ năng lực để tạo ra những giá trị mới.

Sinh viên được đào tạo “trong lòng doanh nghiệp”

Trong vai trò người đứng đầu, thầy Thịnh đã kết nối, hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp, bệnh viện uy tín, ví dụ như Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu, Tập đoàn Golden Gate, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động đào tạo, theo mô hình đào tạo “trong lòng doanh nghiệp” – mô hình mà nhiều nước phát triển trên thế giới đã thành công.

Điều thầy Thịnh tâm đắc nhất đó là đào tạo theo mô hình này, sinh viên vừa học tại trường, vừa thực hành tại các nhà hàng của tập đoàn ngay từ năm nhất, được đào tạo sát với yêu cầu công việc, theo đặt hàng của doanh nghiệp. Từ đó, nhà trường sẽ cung cấp cho doanh nghiệp nguồn nhân lực chất lượng cao. Sinh viên thì vừa học, vừa làm có lương và khi tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội trở thành nhân sự chính thức của tập đoàn sau khi ra trường.

“Theo học cao đẳng nghề, sinh viên phải được học “thực chiến” tại các doanh nghiệp, để khi tốt nghiệp các em không phải đi “xin việc” mà được các doanh nghiệp tìm đến phỏng vấn, tuyển dụng” - Thầy Thịnh chia sẻ. Nhưng đó chưa phải là mục tiêu cốt yếu, quan trọng nhất là các chương trình trải nghiệm nghề nghiệp tại doanh nghiệp sẽ khơi dậy sự khát khao, mong muốn khởi nghiệp ở sinh viên.

Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được tiếp thu lượng kiến thức đa dạng, không chỉ từ sách vở mà còn ở thực tế, được tiếp cận và trải nghiệm công việc dưới sự dẫn dắt của những chuyên gia thuộc mạng lưới doanh nghiệp mà nhà trường đã kết nối, từ đó tích luỹ cho mình không chỉ kiến thức, kỹ năng mới mà còn khởi tạo và nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp.

gd 1.jpg
Thầy Bùi Quang Thịnh (bên phải) trong lễ ký kết hợp tác đào tạo với tập đoàn Golden Gate.

Tạo bệ phóng vững chắc cho sinh viên

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thầy Thịnh định hướng các khối ngành mà trường đào tạo đều là những khối ngành mà thị trường trong nước và nước ngoài đang khát nhân lực và có tương lai phát triển trong nhiều thập kỷ tới. Đồng thời, thầy đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển mạng lưới đối tác của nhà trường cả ở trong nước và nước ngoài nhằm tạo những cơ hội tốt nhất cho sinh viên.

Những năm qua, nhà trường liên tục ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp, trường đại học của CHLB Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan kết nối cơ hội du học, việc làm cho sinh viên.

Thầy Bùi Quang Thịnh cho rằng, giải pháp chống thất nghiệp, chống làm trái ngành trái nghề chính là liên kết đào tạo, mở rộng bản đồ hợp tác trong nước và quốc tế, tạo cơ hội để sinh viên phát triển bản thân, vươn ra thế giới, lập nghiệp ở nước ngoài.

Vì thế, thầy đã chỉ đạo đào tạo song ngành, sinh viên học song song hai mã ngành chuyên môn và ngoại ngữ. Với lợi thế được học song bằng, cơ hội việc làm và cơ hội du học của sinh viên thêm rộng mở.

Đào tạo gắn với thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp, xây dựng được mạng lưới đối tác rộng khắp, cho nên hơn 90% sinh viên nhà trường khi tốt nghiệp có kiến thức chuyên môn vững, có kỹ năng làm việc độc lập và đều có việc làm đúng ngành nghề đào tạo, nhiều em tiếp tục con đường học vấn, du học tại nước ngoài.

Điều quan trọng là đào tạo sinh viên trở thành những con người tử tế, biết phụng sự và cống hiến

“Sứ mệnh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chỉ là đào tạo ra những con người có khả năng thực hành, có kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn, mà hơn thế, giáo dục nghề nghiệp đối với thầy chính là phát triển con người” - Thầy Thịnh nhấn mạnh.

Chính vì vậy, thầy đặc biệt chú trọng giáo dục sinh viên của mình sống có lý tưởng, trau dồi phẩm hạnh để thành công, để trở thành người tử tế, giàu khát vọng, bản lĩnh, có tinh thần phụng sự và cống hiến.

Thầy chỉ đạo thành lập các câu lạc bộ dành cho sinh viên như: CLB Tình nguyện, CLB Văn hoá nghệ thuật, CLB Truyền thông…tạo cơ hội cho sinh viên thể hiện tài năng và nhiệt huyết tuổi trẻ.

gd 3.jpg
Thăm, tặng quà gia đình chính sách tại xã Tam Hiệp, Thanh Trì.

“Tôi mong muốn đào tạo những thế hệ sinh viên không chỉ vững kiến thức, giỏi kỹ năng nghề nghiệp mà quan trọng là đào tạo ra những con người tử tế, có ý chí, khát vọng thành công, trở thành người có ích, có tinh thần cống hiến vì cộng đồng, làm được nhiều điều có ý nghĩa cho cuộc đời này – thầy Bùi Quang Thịnh chia sẻ.

gd 4.jpg
Thầy Thịnh trao học bổng Tài năng và Thắp sáng ước mơ cho sinh viên nhà trường.

Nông Diễm Quỳnh - sinh viên năm nhất, đạt được học bổng toàn phần ngành tiếng Trung chia sẻ, em luôn khắc ghi điều thầy Thịnh căn dặn hôm thầy trao học bổng cho sinh viên: “Sau này, các em có thể trở thành nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những doanh nghiệp tầm cỡ, nhưng trước hết phải là người tử tế".

Năm học mới này, điều mà thầy Thịnh thực hiện đầu tiên đó là xây dựng Quỹ học bổng tài năng, học bổng Thắp sáng ước mơ dành cho sinh viên nghèo học giỏi, vượt khó với tổng trị giá 2 tỷ đồng, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, thắp lên trong các em ngọn lửa đam mê, tự tin chạm tới ước mơ của mình.

Đặt niềm tin vào những người trẻ tuổi với suy nghĩ nếu được đào tạo đúng hướng, có nền tảng tốt, chính những người trẻ hôm nay sẽ tạo sự thay đổi tốt đẹp trong tương lai, thầy Thịnh luôn quán triệt trong đội ngũ giảng viên nhà trường: không chỉ trao truyền kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, điều quan trọng là tạo cho sinh viên ý thức trách nhiệm xã hội, truyền cảm hứng cho sinh viên dám đương đầu với những thử thách của cuộc sống để thành công, để tạo ra các giá trị tốt đẹp không phải chỉ cho bản thân mình mà còn cho cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ