Tạo sự chuyển hướng mạnh mẽ
Theo kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đặt mục tiêu tăng mạnh số người được đào tạo. So với năm 2023 chỉ tiêu đào tạo nghề đã tăng thêm hơn 100.000 người, từ 2,3 triệu người lên 2,43 triệu người được đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ.
Mục đích đặt ra là tuyển sinh chính quy cho các trường cao đẳng, trung cấp đạt 530.000 người trong năm 2024, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,9 triệu người. Số người tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024 sẽ đạt hơn 2,1 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 346.000 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,8 triệu người.
Thực tế cho thấy, trong năm 2024, để hiện thực hóa mục tiêu này các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tăng cường hoạt động nhằm mục đích đến năm 2030, thu hút hơn 50% học sinh trung học vào giáo dục nghề nghiệp. Nhiều trường đã thực hiện thí điểm đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên; kết hợp lồng ghép đào tạo kỹ năng mềm trong các hoạt động chính khóa, ngoại khóa và các hoạt động tham quan thực tế.
Để giáo dục nghề nghiệp mở rộng cánh cửa, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, thực hiện tốt mục tiêu phân luồng sau trung học phổ thông cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống. Những kết quả đạt được của các nhà trường sẽ là cơ sở nền tảng để hướng đến phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp thực sự đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, gắn với thực tế phát triển kinh tế - xã hội.
Với mục đích gắn đào tạo với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội (HIC) luôn xác định, yếu tố cốt lõi của việc xây dựng hệ thống giáo dục, đó là đào tạo gắn liền với đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đơn vị sử dụng lao động và toàn xã hội, giúp sinh viên chắc kiến thức, vững tay nghề, bản lĩnh trong giao tiếp. Trường đã thiết lập được một mạng lưới hợp tác đầu ra việc làm với hơn 100 doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước, đảm bảo việc thực tập của sinh viên trong thời gian học tại trường và là địa chỉ làm việc ngay sau khi ra trường.
Thực tế đào tạo ở cơ sở
TS Trương Tuấn Dũng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội cho biết: Trường đang đào tạo 17 chuyên ngành thuộc các lĩnh vực quan trọng và có nhu cầu nhân lực cao của xã hội. Đó là các ngành: Tiếng Trung, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật, Tiếng Anh, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điện điện tử, Marketing thương mại, Thương mại điện tử, Kế toán doanh nghiệp, Quản trị kinh doanh, Du lịch – khách sạn, Kỹ thuật chế biến món ăn, Chăm sóc sắc đẹp…
"Chúng tôi luôn xác định đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề. Trong đó có nhiều chuyên gia, giảng viên đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Cùng trang bị đầy đủ các thiết bị, phòng học hiện đại, tiện nghi, thư viện hiện đại với phòng thực hành, thực tập chuyên môn, xưởng thực hành phục vụ cho việc nghiên cứu và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người học", ông Dũng nhấn mạnh.
Được biết năm học 2024 - 2025, trường xét học bạ tuyển sinh hệ cao đẳng đối với học sinh tốt nghiệp THPT và tuyển sinh chương trình phổ thông và học sinh tốt nghiệp THCS. Nhằm mở rộng cơ hội học tập và việc làm cho sinh viên, nhà trường đã ký kết với hàng trăm trường Đại học quốc tế để thiết kế các chương trình du học cho sinh viên tham gia. Hàng trăm sinh viên của trường đã tham gia các chương trình du học trao đổi tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…
Các chương trình đào tạo của trường không ngừng đổi mới, bắt nhịp với xu hướng đào tạo mới, phù hợp với nhu cầu của thời đại công nghệ số hoá, trong đó đặc biệt chú trọng vào “Thực học - Thực hành ”, với tỷ lệ thực hành lên đến 70% chương trình học. Trong 2 năm học tập, sinh viên được tập trung trau dồi nhuần nhuyễn lý thuyết cùng kỹ năng chuyên ngành gắn liền với nghề nghiệp tương lai và hướng tới các chuẩn mực quốc tế để trở thành công dân toàn cầu, có thể làm việc ở môi trường đa quốc gia.
Mục đích hướng đến thế hệ sinh viên toàn cầu, tốt nghiệp được cấp bằng Cao đẳng chính quy, danh hiệu cử nhân hoặc kỹ sư thực hành, người học sẽ đạt khung trình độ Bậc 5 trong khung trình độ kỹ năng nghề Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có thể học chuyển tiếp vừa học, vừa làm lên đại học năm 2, năm 3 tại các trường đại học trong nước và các trường đối tác tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, CHLB Đức… Quá trình học tập được rèn luyện trong môi trường hiện đại, nhà thi đấu đa năng, sân bóng đá, cầu lông, bóng bàn, bể bơi… đáp ứng nhu cầu phát triển thể lực, kỹ năng mềm để người học phát triển toàn diện. - TS Trương Tuấn Dũng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội