Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần chính sách đúng và đủ mạnh

GD&TĐ - Để phát triển nhanh, bền vững, phải có cơ chế, chính sách đột phá.

Học sinh Việt Nam giành chiến thắng trên đấu trường trí tuệ quốc tế.
Học sinh Việt Nam giành chiến thắng trên đấu trường trí tuệ quốc tế.

Theo đó, cần chọn nguồn nhân lực chất lượng cao là “địa chỉ đột phá”. Ông Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có những trao đổi cùng Báo GD&TĐ xung quanh việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu

- Theo ông, giáo dục có vai trò như thế nào đối với sự hưng thịnh của đất nước?

- Lịch sử phát triển qua các thời kỳ của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, từ một nước chậm phát triển đến lúc chuyển mình mạnh mẽ để vượt lên trở thành quốc gia hưng thịnh thường bắt đầu trước hoặc đồng thời là một cuộc chấn hưng quyết liệt và đổi mới căn bản giáo dục. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Đất nước phát triển là sản phẩm của con người. Sự hưng thịnh của quốc gia là hiệu quả công việc của con người trên các lĩnh vực khác nhau. Mà hiệu quả hoạt động là do năng lực và phẩm chất của con người tạo nên.

Việt Nam đã xác định mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới là nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao. Chọn mục tiêu như vậy cần quyết tâm cao. Tuy nhiên, đạt được sẽ do nguồn nhân lực chất lượng cao quyết định hàng đầu.

Trong nhiều nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao, tỷ lệ lao động tốt nghiệp đại học thường chiếm từ 30% đến 35 - 40% trong cơ cấu lao động xã hội. Ở Việt Nam, tỷ lệ này hiện nay mới có 12 - 15%. Cho nên ta còn phải phấn đấu rất nhiều.

Ai sẽ làm công nghiệp phát triển, có công nghệ tiến tiến? Câu trả lời là nguồn nhân lực chất lượng cao! Ai sẽ tạo ra thu nhập cao? Câu trả lời cũng là nguồn nhân lực chất lượng cao! Chỉ có như thế mới chuyển được giá trị chất xám vào trong giá trị hàng hóa với tỷ lệ rất cao, từ đó thu nhập cũng tăng lên. Còn lao động giản đơn, gia công lắp ráp hoặc chỉ chuyển phần giá trị vật tư nguyên liệu vào giá trị hàng hóa thì không thể có thu nhập cao được.

Ông Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: INT

Ông Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: INT

Đột phá từ chính sách

- Vậy làm thế nào để giáo dục nước nhà phát triển - thưa ông?

- Để giáo dục có thể cất cánh, trong bề bộn rất nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay, theo tôi, nên tập trung lưu ý một số nội dung sau:

Chương trình giáo dục phổ thông phải quyết thực hiện cho được yêu cầu phát triển năng lực con người, bắt đầu từ năng lực tư duy độc lập. Giáo dục đại học (cả cao đẳng) phải được tự chủ thật sự.

Trong giáo dục, tự chủ là đặc điểm quan trọng nhất. Cần khôi phục dần lại hệ thống cao đẳng chuyên nghiệp để các trường cao đẳng này nối liền với đại học bao gồm 2 giai đoạn của trình độ đào tạo bậc 5 và bậc 6 liên thông nhau. Dạy nghề cũng rất cần thiết nhưng đó là một hướng khác để đào tạo thợ, thuộc bậc 4 là đào tạo sau phổ thông.

Ở nhiều nước phát triển, người học đại học thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu vài ba năm, rồi đi làm ít năm (nhiều ít tùy hoàn cảnh của mỗi người). Sau đó học thêm vài năm hoặc học thêm một số tín chỉ nữa là xong đại học. Hệ thống các trường cao đẳng và trường đại học cùng liên thông với nhau giải quyết yêu cầu này.

Cần chọn nguồn nhân lực chất lượng cao là "địa chỉ đột phá".

Cần chọn nguồn nhân lực chất lượng cao là "địa chỉ đột phá".

Nhìn thẳng, nói thật việc làm được và chưa đạt

- Ông có nhắc đến, phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vậy điều này cần được cụ thể hoá như thế nào, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng?

- Tôi hoan nghênh Báo GD&TĐ đã đưa ra câu hỏi này. Riêng tôi, xin đưa ra mấy ý kiến ban đầu để tham khảo:

Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động giáo dục, giải quyết các nội dung không nhất quán, mâu thuẫn nhau giữa các luật, nghị định, so với quy định này thì đúng, với quy định kia thì sai, không biết làm thế nào cho đúng.

Nên thống nhất đầu mối quản lý về mặt Nhà nước giữa đại học và cao đẳng (chuyên nghiệp), tức là bậc 5 và bậc 6, xử lý tốt vấn đề liên thông.

Để hội nhập quốc tế, theo tôi, một số vấn đề phải chuẩn bị tốt cho người học như: Biết ngoại ngữ và tin học; một số nội dung cơ bản về luật pháp và thông lệ quốc tế, các quy chuẩn chung, hiệp định mà Việt Nam đã tham gia ký kết; quy định của UNESCO liên quan đến ngành nghề và bậc học; cách làm việc với quốc tế và tiếp cận thị trường thế giới; thực hiện giáo dục mở, khoa học mở và tài nguyên giáo dục mở như khuyến nghị của UNESCO…

- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ông có nhận định gì về những chuyển động của giáo dục nước nhà?

- Đó là một nghị quyết tốt, có nhiều nội dung định hướng đúng, tiến bộ, kể cả cho trước mắt và cho lâu dài. Vị Giáo sư đáng kính Hoàng Tụy khi còn sống đã nghiên cứu và có ý kiến đánh giá nội dung của Nghị quyết 29 là tốt. Tất nhiên, một nghị quyết dù có tốt mấy đi nữa thì sau một thời gian cũng có thể cần bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã khác trước.

Vì vậy phải tiếp tục nghiên cứu phát triển không ngừng. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 29 lúc đầu rất khí thế, nhiều chương trình hành động được đưa ra. Tuy nhiên, sự chuyển động của công cuộc đổi mới giáo dục trên thực tế cuộc sống cần mạnh mẽ hơn rất nhiều.

Năm mới, cần phải đánh giá một cách nghiêm túc. Nói thẳng, toàn diện theo Nghị quyết 29 đã nêu. Đã có chủ trương đánh giá lại 10 năm thực hiện Nghị quyết quan trọng này và chắc chắn sẽ có chỉ đạo tiếp theo để thực hiện thành công Nghị quyết 29.

- Xin cảm ơn ông!

“Nước ta sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao như tinh thần Đại hội XIII nêu ra nếu phát triển mạnh mẽ nền giáo dục của nước nhà. Tôi tin, trước sau gì thì những điều tốt đẹp cũng đến với đất nước ta” – ông Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ