Đào tạo nghề: Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc

GD&TĐ - Thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đòi hỏi Việt Nam phải phát triển đội ngũ lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cao để làm chủ được các phương tiện, máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại trong sản xuất. 

Đào tạo nghề:  Doanh nghiệp không thể  đứng ngoài cuộc

Chính vì vậy, sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động dạy nghề sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống đào tạo.

Lợi ích ba bên

Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) số lượng khu công nghiệp (KCN) trên cả nước được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã tăng rất nhanh từ 1 KCN vào năm 1991, đến tháng 9/2015 đã lên đến 304 KCN, trong đó có 206 KCN đã đi vào hoạt động.

Đến nay cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố có KCN được thành lập. Các KCN đã thu hút được 8.500 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 70 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài hơn 52 tỉ (chiếm 30% FDI cả nước), còn lại là vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước.

Các KCN đã thu hút 2,6 triệu người làm việc, trong đó lao động trong các KCN là hơn 1,5 triệu lao động trực tiếp và hàng chục vạn lao động gián tiếp. Tuy nhiên, trong các dự án đầu tư vào các KCN, chưa có “quy hoạch” lao động, ước tính khoảng 80% lao động đang làm việc trong KCN là lao động nhập cư, không có kỹ năng nghề nghiệp.

Thực tế và kinh nghiệm cho thấy, để nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người lao động, nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nghề. Hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề (CSDN) sẽ đem lại lợi ích cho cả ba bên.

Về phía CSDN sẽ huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để tăng quy mô và chất lượng đào tạo. Hợp tác chặt chẽ với CSDN sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được khả năng, đặc điểm đào tạo của nhà trường, từ đó phối hợp, tham gia cùng đào tạo sinh viên đáp ứng yêu cầu của mình. Thông qua sự hợp tác này, người học nghề đồng thời tiếp thu được các kiến thức tại CSDN và phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông qua thực tập tại doanh nghiệp.

Xây dựng mô hình trường trong doanh nghiệp

Khảo sát tại các CSDN, cho thấy “hợp tác đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp” là hình thức được thực hiện thường xuyên, phổ biến nhất tại các trường dạy nghề. Chương trình hợp tác này được đánh giá cao nhất so với các nội dung khác, có ảnh hưởng nhiều nhất tới kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của sinh viên.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đã có những hoạt động hợp tác với CSDN khá đa dạng như tiếp nhận sinh viên, giáo viên dạy nghề tham quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp.

Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị dạy nghề cho CSDN; bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp… đa số các doanh nghiệp đều sẵn sàng, ở các mức độ khác nhau, tham gia các hoạt động hợp tác đào tạo với CSDN.

Tuy nhiên, các hoạt động này mới chỉ đóng vai trò bổ trợ trong toàn bộ quá trình học tập của sinh viên. Theo nhận định của chuyên gia, đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tham gia sâu vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực.

TS Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - cho biết, tiềm năng phát triển các chương trình hợp tác với doanh nghiệp trong các CSDN còn rất lớn và được phía doanh nghiệp ủng hộ. Nếu khai thác tốt, chất lượng sinh viên tốt nghiệp sẽ được hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động.

Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, TS Nguyễn Hồng Minh đã đưa ra định hướng và nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh việc hình thành hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự phân tầng có trường chất lượng cao, đào tạo những nghề mũi nhọn, đáp ứng nhân lực chất lượng cao, công nghệ tiên tiến; đồng thời có những trường có những nghề phổ biến, đào tạo nhân lực có tính đại trà cho các doanh nghiệp trong cả nước. Khuyến khích hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo tại KCN; xây dựng mô hình “trường trong doanh nghiệp”.

Chiến lược Phát triển Nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 khẳng định: Cần phải thu hút doanh nghiệp tham gia mạnh vào phát triển nhân lực; đẩy mạnh gắn kết các CSDN với doanh nghiệp, mở rộng các hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào đào tạo nhân lực; thể chế hóa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc phát triển nhân lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

TikTok 'lâm nạn' ở Mỹ

GD&TĐ - Lần thứ hai trong không đầy 4 năm, ứng dụng TikTok bị đưa vào vòng ngắm của chính quyền Mỹ.
Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.