Dự báo nhu cầu lao động để định hướng công tác tuyển sinh

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Long An đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH rà soát, dự báo nhu cầu lao động của nước ta nhằm định hướng cho các trường ĐH trong việc tổ chức tuyển sinh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nếu ngành nào đã đáp ứng đủ nhu cầu thì không tổ chức tuyển sinh, phân luồng cho học sinh vào học nghề nhằm tránh tình trạng mất cân đối cung cầu nguồn lao động như hiện nay.

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam (quý IV/2019) do Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện và công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ LĐ,TB&XH: “Số lượng và tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp... Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,15%, thấp hơn so với quý trước và cùng kỳ năm trước”. Riêng đối với trình độ đại học, “tỷ lệ thất nghiệp là 3,2%”.

Về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc góp phần giảm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chưa tìm được việc làm, trong những năm qua, Bô GD&ĐT đã và đang triển khai hoạt động sau:

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT ngày 9/12/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về công tác hướng nghiệp tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp.
Thúc đẩy việc nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người sử dụng lao động thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tăng cơ hội hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp...

Yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp hàng năm, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở để xã hội tham khảo và tham gia giám sát khi chọn trường, chọn ngành cho con em theo học. Kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh đối với những ngành có biểu hiện dư thừa nhân lực.

Triển khai một số nhiệm vụ nghiên cứu liên quan thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm: Nhiệm vụ “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025”; nhiệm vụ “Nghiên cứu luận cứ, đề xuất mô hình, chính sách nâng cao hiệu quả hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam.

Triển khai một số đề án: “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025”, “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2019 - 2030”.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH rà soát, dự báo nhu cầu lao động để định hướng cho các trường đại học trong việc tổ chức tuyển sinh, góp phần giảm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không có việc làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.