Gợi ý từ mô hình trang trại thông minh
Xu hướng sản xuất nông nghiệp theo mô hình trang trại thông minh đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, đây là sự kết nối Internet để điều khiển các ứng dụng khác nhau từ nhiều ngành từ cơ khí, sinh học, trồng trọt, tự động hóa… Trong nhóm ngành trồng trọt, vừa qua, tại Kỳ thi Tay nghề Thế giới năm 2019 ở Kazan, Nga đã trình diễn các trang trại được trang bị hệ thống kết nối những thiết bị tạo điều kiện cho sản xuất những sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện lý tưởng nhất.
Trong đó, các điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ, thành phần đất được tính toán để bổ sung các chất dinh dưỡng phù hợp với cây trồng, quá trình thúc đẩy tăng trưởng của cây cũng được tăng cường các yếu tố khác liên quan từ phân tích các yếu tố môi trường, dưỡng chất, khoáng chất… đến thu hoạch đều được kết nối về trung tâm, thông qua hệ thống điều khiển thông minh, tích hợp IoT để đưa ra các lệnh điều khiển thực hiện tối ưu cho các thiết bị tham gia vào quá trình trồng trọt.
Từ xu hướng và thực tế, các chuyên gia cho rằng, mô hình trình diễn trang trại thông minh là những gợi ý sinh động cho đào tạo nghề ở khu vực nông nghiệp nông thôn. Thế giới dự báo hai thách thức lớn nhất trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là chuẩn bị đào tạo những nghề chưa có trong thực tế và sử dụng công nghệ chưa từng được phát minh. Do đó, GDNN phải đáp ứng được 2 xu thế, đón đầu CMCN 4.0 với tốc độ cao, xây dựng đội ngũ giảng dạy công nghệ mới, đồng thời đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn đang có trình độ lao động giản đơn.
Thích ứng với công nghệ mới
Trao đổi về đào tạo nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN cho biết: Theo suy nghĩ của nhiều người, nghề nông nghiệp trong thời 4.0 có vẻ phức tạp và quá xa vời. Tuy nhiên, các trang trại thông minh trên thực tế dù chưa được phổ biến, song nó cũng đã xuất hiện ở một số quốc gia phát triển. Việc vận hành các trang trại này cũng không đến mức quá khó khăn, bởi các quy trình đã được thiết kế theo dạng “mô đun hóa”, hướng tới việc giúp cho người lao động có thể vận hành một cách đơn giản nhất. Người lao động cần học những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất, giống như sử dụng điện thoại thông minh, người lao động cần biết những thao tác, lệnh thông thường để đặt lệnh cho các loại công cụ thực hiện các nhiệm vụ sản xuất.
Hiện nay, Tổng cục GDNN đang xây dựng chương trình tích hợp các nhóm kỹ năng cơ bản vào chương trình đào tạo để thích ứng với mọi công nghệ mới. Trong đó bao gồm: Kỹ năng nhận thức để người lao động hiểu được công việc mới là gì, phải làm những gì, làm thế nào để thích nghi với công việc, yêu cầu vận hành công việc đó có những nguyên tắc, quy định nào. Những kỹ năng ứng xử trong môi trường lao động hiện đại, đề cao tính nhân văn, sự liên kết, chia sẻ, trách nhiệm của cá nhân đối với cá nhân, đối với sản phẩm được tạo ra, phối hợp với các bộ phận khác nhau, làm việc nhóm, kỷ luật lao động…
Tốc độ phát triển nhanh chóng của CMCN 4.0 sẽ khiến cho không có chương trình đào tạo nào có thể theo kịp. Vì vậy, cơ sở đào tạo chỉ có thể trang bị những kiến thức cơ bản luôn luôn cần để người lao động tự học, tự thích ứng.