Đây là nhiệm vụ quan trọng nếu muốn khắc phục tình trạng thất nghiệp hàng loạt do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Phá sản, thất nghiệp tăng nhanh
Theo báo cáo ngày 28/1 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), vấn đề việc làm đã chịu tác động nghiêm trọng mà thị trường lao động phải gánh chịu do Covid-19. Số liệu cho thấy thời giờ làm việc toàn cầu đã sụt giảm 8,8% trong năm vừa qua so với quý IV năm 2019. Con số này gấp khoảng bốn lần mức độ tổn thất về thời giờ làm việc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Mức độ sụt giảm về giờ làm việc này bao gồm cả số giờ làm việc bị giảm của những người vẫn có việc làm và những trường hợp bị mất việc. Riêng mức độ mất việc làm đã ở mức “chưa từng có tiền lệ”, với 114 triệu người.
Điều này có nghĩa là người lao động rời bỏ thị trường lao động do họ không thể làm việc. Vì vậy, nếu chỉ xét đến chỉ số mức độ thất nghiệp thì không thể đánh giá đầy đủ được tác động khủng khiếp mà Covid-19 gây nên đối với thị trường lao động. Những thiệt hại vô cùng lớn này khiến thu nhập từ lao động trên toàn cầu giảm 8,3% trước khi có các biện pháp hỗ trợ.
Theo NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, nó đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, đẩy thế giới và nhiều nước rơi vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Một số quốc gia rơi vào suy thoái nghiêm trọng, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm mạnh.
Tốc độ lây lan chóng mặt của Covid-19 đã buộc các quốc gia phải áp đặt các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để chống dịch. Điều này đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nó khiến tất cả các khâu của quá trình sản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng vốn được liên kết trên cấp độ thế giới rơi vào tình trạng tê liệt. Thương mại toàn cầu đình trệ. Làn sóng doanh nghiệp phá sản lan khắp thế giới. Tăng trưởng GDP đã giảm xuống mức thấp kỷ lục ở nhiều nền kinh tế.
Ông Phạm Xuân Khánh cũng cho biết thêm, Việt Nam là một trong số ít các nước kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế.
Mặc dù tăng trưởng vẫn là một con số dương, tăng 2,91% nhưng đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ của các năm trong giai đoạn 2011 - 2020 và là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng dương. Theo kết quả điều tra đột xuất của Tổng cục Thống kê về tác động của dịch Covid-19 tới doanh nghiệp cho thấy, có tới 85,7% số doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19.
Các hoạt động sản xuất, cung ứng và lưu chuyển thương mại, hàng không, du lịch, lao động và việc làm bị đình trệ, gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.
Chính vì ảnh hưởng của Covid-19, lao động trong khu vực doanh nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ lao động giảm ở mức cao nhất.
Ưu tiên đào tạo lực lượng lao động
Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế quốc tế, hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng. Các Chính phủ đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế của họ để ngăn chặn thiệt hại lớn hơn. Tuy nhiên, sự phục hồi vào năm 2021 là rất không chắc chắn. Tăng trưởng GDP có thể đối mặt với triển vọng ảm đạm trong năm 2022 - 2023 do đại dịch vẫn đang ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường.
Ông Phạm Xuân Khánh cho rằng, Thủ tướng có chỉ thị “chống dịch như chống giặc”. Theo đó, cần quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, bảo đảm việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế là những nội dung hết sức cần thiết trong thời gian tới.
Trong đó, cần ưu tiên đào tạo lực lượng lao động. Đặc biệt là đội ngũ lao động trẻ. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại, tăng cường kỹ năng cho người lao động để lực lượng này đáp ứng được nhu cầu việc làm trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi của thế giới do đại dịch Covid-19 tạo ra.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong các vấn đề phát triển và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, hầu hết giới trẻ tin tưởng vào nỗ lực cải thiện điều kiện sống từ Chính phủ.
Cũng theo đó, thanh niên Việt Nam còn tỏ ra lạc quan đối với việc ngày càng có nhiều cơ hội giáo dục, việc làm, bình đẳng giới trong bối cảnh đất nước ngày càng mở rộng hợp tác quốc tế, không ngừng hiện đại hóa. Tuy nhiên, vẫn có những trăn trở về thách thức cho người trẻ trong khởi nghiệp, nhất là đối với nữ giới.
Trong tham luận tại Hội thảo, GS.TS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, khẳng định: “Việc đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải được thay đổi rất nhiều mới có thể đáp ứng được yêu cầu từ nền kinh tế số. Đây là nhiệm vụ quan trọng nếu muốn khắc phục tình trạng thất nghiệp hàng loạt do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”.