Đào tạo kỹ năng nghề trong CMCN 4.0

GD&TĐ - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống thực và ảo, Internet vạn vật và các hệ thống kết nối Internet. CMCN 4.0 đang tác động trực tiếp đến việc làm, nghề nghiệp của người lao động - hay nói cách khác là kỹ năng nghề nghiệp của người lao động - cần phải đáp ứng yêu cầu thay đổi của nền công nghiệp.

Đào tạo kỹ năng nghề trong CMCN 4.0

Thích ứng với “môi trường cộng sinh”

Trước những yêu cầu thay đổi kỹ năng sản xuất, các chuyên gia cho rằng, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong CMCN 4.0 đang đóng vai trò rất quan trọng khi cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ là: Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và đào tạo đáp ứng yêu cầu định hướng kỹ năng nghề nghiệp cho người học và người lao động.

PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, CMCN 4.0 phát triển với tốc độ cấp số nhân của cấp số nhân, làm biến đổi nhanh chóng nền công nghiệp ở mọi quốc gia. CMCN 4.0 không chỉ tạo ra “môi trường cộng sinh” giữa người và robot mà còn tạo ra “môi trường cộng sinh” giữa thế giới ảo và thế giới thực, thực chất là cộng sinh giữa trí tuệ sáng tạo của con người và những sản phẩm trí tuệ nhân tạo trên phạm vi rộng lớn và có tính phổ quát.

Ngày nay, công nghệ robot đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực của đời sống và sản xuất, thay thế con người trong dây chuyền sản xuất như lắp ráp ô tô, dây chuyền sản xuất thuốc chữa bệnh, tham gia các quá trình tự động hóa trong nhà máy cũng như trên đồng ruộng, chăm sóc người bệnh, phục vụ trong gia đình…

Đối với xã hội, CMCN 4.0 tác động thông qua kênh việc làm trong trung hạn là điều đáng quan ngại nhất hiện nay, do quá trình điều chỉnh không dễ dàng. Nhóm lao động chịu tác động mạnh bao gồm: Lao động giản đơn, ít kỹ năng, dễ bị thay thế bởi người máy; nhóm lao động có kỹ năng song gắn với công nghệ cũ hoặc lạc nhịp và người lao động đã có tuổi cũng chịu tác động mạnh.

Tuy nhiên, trong tác động đối với việc làm và lao động, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn là những việc làm mất đi, nhưng điều quan trọng là người lao động phải có được những kỹ năng sản xuất mới, thích ứng và phù hợp.

Ưu tiên đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp

Thạc sỹ Trần Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng GDNN (Tổng cục GDNN) cho biết, định hướng GDNN trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo điều hành các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chuẩn bị các điều kiện để thích ứng với cuộc CMCN 4.0.

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0... Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã dành sự ưu tiên, tập trung chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác GDNN năm 2018 trong đó “ưu tiên đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu CMCN lần thứ 4”.

Về vấn đề đáp ứng những yêu cầu kỹ năng trong CMCN 4.0, thạc sĩ Trần Thị Thu Hà cho rằng: GDNN cần ưu tiên cho đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho các đối tượng thuộc các nhóm ngành có xu thế người lao động bị mất việc làm do quá trình đổi mới công nghệ và ứng dụng tự động hóa cao trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ, quản lý và tổ chức sản xuất, khả năng thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và tổ chức, quản lý. Bên cạnh đó, mở rộng đào tạo các ngành, nghề mới hoặc bổ sung, cập nhật các kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ của công nghiệp 4.0 trong chương trình đào tạo các trình độ GDNN.

Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017. Chỉ thị nêu rõ các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ: Đổi mới đào tạo, dạy nghề trong hệ thống các trường đào tạo nghề theo hướng phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi nghề nghiệp có kỹ năng phù hợp có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác và vận hành hiệu quả, những tiến bộ công nghệ của CMCN 4.0...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.