Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng việc tìm hiểu kinh nghiệm các nước đề tìm cách làm phù hợp với Việt Nam là rất cần thiết.
Mỹ - chứng chỉ hiệu trưởng có thời hạn 5 năm
Kinh nghiệm của Mỹ, theo Huber.S.G và Chirihello.M (2004), ở Mỹ các hoạt động nghiên cứu và đào tạo hiệu trưởng được giao cho các trường đại học thực hiện và đề xuất các mô hình bồi dưỡng. Họ quan tâm cả vấn đề bồi dưỡng trước bổ nhiệm và bồi dưỡng trên cương vị công tác.
Họ thực hiện thay đổi chương trình phát triển hiệu trưởng nhằm mục đích chuẩn bị đội ngũ hiệu trưởng với vai trò nâng cao chất lượng dạy và học. Thay đổi phương thức tập trung từ dạy các kỹ năng quản lý chung đến dạy các kỹ năng quản lý các hoạt động giảng dạy và phát triển đội ngũ lãnh đạo – những người có khả năng tăng cường sự thay đổi trong trường học.
Ở Mỹ, các chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng đang nỗ lực cân bằng thích hợp giữa lý thuyết và thực hành trong thời gian đào tạo cho các ứng viên. Các trường cao đẳng và đại học cùng cộng tác với các trường học trong khu vực để thiết kế một mô hình đặc biệt về đào tạo chính quy và những trải nghiệm học tập dựa trên thực tiễn trường học, trong đó chú trọng đến những vấn đề giáo dục nổi cộm và nan giải.
Các học viên sẽ nắm bắt được các kỹ năng thông qua việc học tập cộng tác, tìm hiểu về những chiến lược thành công cho cải tiến nhà trường, sử dụng kết quả dữ liệu đề nâng cao thành tích học tập của học sinh, tăng cường kỹ năng giao tiếp trong công việc với đội ngũ giáo viên, phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội, xây dựng chiến lược hiệu quả cho phát triển đội ngũ và những đề xuất phát triển chương trình nhà trường.
Các trường đại học và cao đẳng cung cấp nhiều hơn các khóa học tích hợp và liên môn học trong chương trình bồi dưỡng chuẩn bị hiệu trưởng, gắn kết các nhà giáo dục với các học giả trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý, chính sách công, tâm lý, truyền thông và các lĩnh vực học thuật khác.
Các ứng viên cho vị trí hiệu trưởng được tổ chức thành các nhóm nhằm tăng cường giao tiếp và chia sẻ kinh nghiệm trong suốt tiến trình tham gia khóa học. Các khóa học luôn duy trì mối liên hệ với các học viên đã tốt nghiệp nhằm cung cấp những hỗ trợ liên tục khi các ứng viên bắt tay vào công tác lãnh đạo.
Chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng được kiểm định bởi một hiệp hội nghề nghiệp sư phạm hoặc hội đồng đại học. Kết quả đánh giá thành tích của học viên tốt nghiệp được sử dụng để đánh giá chương trình. Mặt khác, tại Mỹ, người được đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng nhất thiết phải có chứng chỉ hành nghề Hiệu trưởng. Thời hạn đối với chứng chỉ hành nghề của Hiệu trưởng là 5 năm.
Ảnh minh họa/internet |
Kinh nghiệm ở Anh và một số nước trên thế giới
Ở Anh, họ đã nghiên cứu chỉ ra sự cần thiết phải có các chương trình đào tạo va phát triển hiệu trưởng liên tục và lâu dài chú trọng vào tăng cường kỹ năng và trình độ.
Trên cơ sở xác định các yêu cầu về lãnh đạo nhà trường trong thế kỉ XXI, họ đã khẳng định các hoạt động rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý trường học cần phải được đưa vào chương trình bồi dưỡng với sự liên kết của cả nhu cầu của các cá nhân và những hy vọng của các cấp chính quyền trong ngành về chất lượng quản lý trường và vận dụng những kiến thức phù hợp trong quá trình học tập các kỹ năng lãnh đạo quản lý.
Ở New Zealand, chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng được đề cập tới 2 bồi dưỡng phát triên các kỹ năng quản lý và bồi dưỡng phát triển các kỹ năng lãnh đạo trường học, chú ý các vấn đề như: quản lý sự thay đổi, quản lý xung đột, quản lý nhân sự, quản lý hiệu quả, huấn luyện và kèm cặp, quản lý chiến lược, công cụ tư duy chiến lược, lãnh đạo phát triển chương trình.
Các chương trình đào tạo lãnh đạo nhà trường ở 12 nước châu Âu do tổ chức ENIRDEM (the European Network for Improving Research and Development in Educational Management) thực hiện năm 2001 cho thấy: Các nước này quan tâm đến xây dựng và thực hiện các chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng và CBQL trường học từ cuối thế kỉ XX; chỉ có 4 nước Airơlen, Bỉ, Thụy Điển, Aixơlen là xây dựng và thực hiện từ trước năm 1990.
Ở một số nước như: Bỉ, Na Uy thì cho rằng: bối cảnh thay đổi nên lãnh đạo nhà trường càn phải nắm vững những thay đổi trong hành chính công, trong quản lý nhà trường...
Các nước Bulgaria, Latvia, Thụy Điển xác định: nhu cầu hiểu biết những nguyên tắc quản lý, kiến thức quản lý, có kỹ năng quản lý với hiệu trưởng và CBQL trường học rất quan trọng, cần bồi dưỡng cho họ.
Ở Phần Lan, Ba Lan, Slovenia...do quy định của nhà nước, hiệu trưởng phải được đào tạo về quản lý, phải có giấy chứng nhận năng lực hiệu trưởng.
Các chương trình này là không bắt buộc, trừ các nước Ba Lan và Slovenia; sau khi học tập học viên được cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận. Đa số các chương trình áp dụng cho cán bộ quản lý giáo dục đương nhiệm; chỉ có ở Phần Lan có chương trình riêng cho cán bộ trước bổ nhiệm.
Thời lượng học tập của mỗi chương trình ở các nước rất khác nhau, từ 90 giờ đến 1200 giờ; việc học kéo dài từ 6 tháng đến 24 tháng (nếu học bán thời gian). Nội dung các chương trình bồi dưỡng thường tập trung vào 4 lĩnh vực chính, bao gồm: tổ chức và quản lý nhà trường, chương trình học và kết quả của học sinh, đội ngũ giáo viên, chính sách và chiến lược nhà trường với trên 50 chuyên đề khác - nhau;
Trong đó lĩnh vực tổ chức và quản lý nhà trường có nhiều chuyên đề nhất. Các chuyên đề được đánh giá là quan trọng như: Văn hóa nhà trường; Tầm nhìn; Quản lý sự thay đổi; Quản lý nguồn lực; Chiến lược và các chính sách phát triển nhà trường...;
Một số chuyên đề được cho là ít quan trọng hơn gồm: Thu hút giáo viên về trường; Kỷ luật và sa thải giáo viên nhân viên; Những vấn đề về cơ sở vật chất nhà trường.
Nền tảng của các chương trình bồi dưỡng này được xây dựng trên các nội dung: Những vấn đề lý thuyết chung về quản lý giáo dục; Lãnh đạo sự thay đổi; xây đựng nhà trường là tổ chức học tập; Xây dựng một mạng lưới đồng nghiệp; Thúc đẩy năng lực tư duy.
Các phương pháp được khuyến cáo sử dụng trong thực hiện các chương trình này là: Thảo luận nhóm; giải quyết tình huống; huấn luyện dưới sự hướng dẫn của giáo viên; luyện kỹ năng và nghiên cứu văn kiện, tài liệu. Ở một số chương trình, các phương pháp đóng vai, thảo luận toàn lớp, thực tế, làm bài tập cá nhân cũng được sử dụng.