Giải quyết thành công bài toán nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là chìa khóa để đạt được thành công trong công cuộc đổi mới GD-ĐT.
Những nghịch lý cần tháo gỡ
PGS.TS Trần Trung Ninh - Tổ trưởng Tổ Phương pháp, Khoa Hóa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đội ngũ nhà giáo là lực lượng quyết định chất lượng giáo dục của một quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều nghịch lý trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng GV. Những nghịch lý đó là vai trò lớn nhưng vị thế thấp của nhà giáo. Vai trò quyết định chất lượng giáo dục của đội ngũ giáo viên (GV) là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên tiền lương thấp, không đủ đảm bảo đời sống đã hạ thấp vị thế nghề dạy học và vị thế của nhà giáo. Thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương cho GV phổ thông không đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản về đời sống của bản thân và gia đình họ, nhất là ở các vùng đô thị. Khoảng trên 40% không muốn làm nghề sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề vì lương quá thấp.
Nghịch lý thứ 2 là đào tạo liên môn nhưng dạy học tích hợp. Theo lộ trình đổi mới giáo dục, đến năm 2019 GV sẽ dạy môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, tuy nhiên họ chỉ được đào tạo dạy học đơn môn.
Nghịch lý thứ 3 là tích lũy văn bằng chứng chỉ nhưng không đạt được giáo dục thực chất. Nhà nước hàng năm dành một khoản tiền lớn để bồi dưỡng GV và cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, do chưa có cơ quan kiểm định chất lượng GV một cách độc lập cho nên hiệu quả của công tác bồi dưỡng GV còn thấp.
Cho đến nay, chưa có chuẩn nghề nghiệp mới cho GV phù hợp với định hướng đổi mới căn bản và toàn diện của giáo dục. GV tích lũy các văn bằng, chứng chỉ chủ yếu là để đối phó với các quy định của cơ quan chủ quản, mà ít có sự áp dụng vào thực tiễn dạy học.
Từ những nghịch lý đó, PGS.TS Trần Trung Ninh đề xuất, để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, để thầy cô đang công tác toàn tâm toàn ý cho công tác dạy học, không có cách nào khác hơn là cải cách chế độ tiền lương, thang bậc lương của giáo viên phải cao nhất trong các ngành sự nghiệp, phù hợp với chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Ngoài chế độ lương, công tác tuyển dụng GV cần rõ ràng và minh bạch, bỏ cơ chế xin - cho trong tuyển dụng GV.
Cần thay đổi hình thức thi GV giỏi như hiện nay, bởi vì việc dạy 1 - 2 tiết chỉ mang tính chất biểu diễn. Thay vào đó nên sử dụng kết quả tiến bộ của học sinh trong lớp làm công cụ đánh giá GV giỏi. Cần đầu tư chiều sâu cho một số trường sư phạm trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ GV, tăng quyền tự chủ cho các trường sư phạm trọng điểm.
Bồi dưỡng, tập huấn giáo viên theo chương trình mới
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Trưởng khoa Quản lý Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội nêu quan điểm, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đặt ra yêu cầu 100% giáo viên phải đạt trình độ chuẩn hoặc trên chuẩn; xếp loại từ đạt yêu cầu trở lên theo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, giáo viên trung học. Đó là cơ sở để lập kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn giáo viên dạy học theo chương trình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, cần chú trọng đến xây dựng quy hoạch hệ thống đào tạo GV dựa trên kết quả nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo GV trên phạm vi cả nước.
Công tác dự báo cần đặc biệt quan tâm tới việc triển khai Chương trình GDPT mới sau năm 2018. Điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi khá lớn về số lượng và cơ cấu giáo viên để đảm trách chương trình, đặc biệt là các môn học mới, các chuyên đề học tập tích hợp, tự chọn và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Theo đó, ngành Giáo dục cần xây dựng quy hoạch các trường sư phạm theo cấu trúc chức năng, trong đó tầng đầu tiên là các trường sư phạm quốc gia đóng vai trò là đầu tàu, chất lượng cao, hỗ trợ các trường trong hệ thống cùng phát triển.
Tầng thứ hai là các trường sư phạm địa phương, khu vực có vai trò phát triển nguồn nhân lực địa phương và chịu sự quy hoạch chung của hệ thống.
Tầng thứ ba là các khoa sư phạm trong trường đại học đa ngành, phải đảm đương trọng trách bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên địa phương dưới sự hỗ trợ giám sát về mặt chuyên môn của các trường sư phạm.
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền cũng cho rằng, cơ chế quản lý cho hệ thống đào tạo GV cần đặc thù, tập trung, thống nhất cả nước (cả về chỉ tiêu tuyển sinh), đánh giá chất lượng các trường sư phạm bằng bộ tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng chuẩn giảng viên sư phạm, phân tầng, kiểm định, thắt chặt chất lượng giải trình. Đồng thời cần có đầu tư trọng điểm, tăng cường tự chủ cho các trường sư phạm quốc gia để phát triển học thuật, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học sư phạm, hội nhập quốc tế.
Quy hoạch lại đội ngũ GV phổ thông đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới là nhiệm vụ thiết yếu của cơ quan Nhà nước về giáo dục hiện nay. Điều này góp phần điều chỉnh cơ cấu, hệ thống cơ sở đào tạo GV, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội gắn công tác đào tạo với thực tiễn.