Với mục đích này, PGS.TS. Bùi Minh Đức, TS.Vũ Thị Sơn (Trường ĐHSP Hà Nội 2) chia sẻ phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các nước có nền giáo dục phát triển, trong đó có Mỹ, Pháp và Đức.
Pháp: Trở thành giáo viên chính thức phải có bằng thạc sĩ
Ở Pháp, trước 1989, việc đào tạo GV do các trường sư phạm đảm nhận. Từ 1989, thành lập các Học viện Đại học đào tạo GV (IUFM).
Trước đây, hệ thống giáo dục ĐH của Pháp chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 gồm hai năm đầu tương đương giáo dục đại cương; giai đoạn 2 gồm hai năm tiếp theo tương đương đào tạo nghề nghiệp. Sau khi tốt nghiệp ĐH, SV sẽ có bằng Cử nhân và có thể được bổ nhiệm làm GV chính thức.
Tuy nhiên, hiên nay, để thống nhất với các hệ thống giáo dục khác ở Châu Âu, Pháp đã chuyển sang mô hình LMD (Licence – Master – Doctorat).
Nghĩa là để trở thành GV, SV phải trải qua đào tạo bậc Cử nhân (L), sau đó phải qua bậc đào tạo Thạc sĩ (M) ở các IUFM thì mới được Bộ Quốc gia Giáo dục Pháp công nhận và bổ nhiệm vào ngạch giáo viên.
Trong lịch sử giáo dục của Pháp từ thế kỷ 19 trường sư phạm được thiết lập trong mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp vùng (gọi tên là Học viện Đại học đào tạo giáo viên/IUFM) đào tạo giáo viên tiểu học, giáo viên phổ thông (trung học cơ sở ; trung học phổ thông : tổng hợp, kĩ thuật hoặc dạy nghề) và đào tạo các cố vấn sư phạm.
Từ năm 2008 các học viện đào tạo giáo viên (IUFM) trở thành các "trường thành viên thuộc trường đại học". Ở nhiều trường đại học, tuy không phải là cơ sở đào tạo giáo viên nhưng đã có các mô-đun giới thiệu nghề dạy học.
Những người vào học năm thứ nhất của Học viện Đại học đào tạo giáo viên/IUFM, người học phải qua xét tuyển, kiểm tra và/hoặc phỏng vấn tùy theo các IUFM.
Tuy nhiên để có thể dự thi tuyển vào năm thứ hai của IUFM, thí sinh không bắt buộc phải theo học năm thứ nhất tại IUFM mà chỉ cần có bằng cử nhân (Licence) hoặc các bằng cấp tương đương.
Như vậy, mô hình đào tạo GV ở Pháp là theo phương thức nối tiếp trong các trường đa ngành và có trình độ sau đại học.
Hiện nay, Pháp cũng như các trường đại học châu Âu đang phải thay đổi về mô hình đào tạo GV. Các giáo viên muốn trở thành giáo viên chính thức của hệ thống Giáo dục Pháp phải có bằng thạc sĩ.
Bộ Giáo dục dự định sẽ hai loại thạc sĩ: với giáo viên tiểu học, cố vấn giáo dục, các nhà tâm lý học đường – thạc sĩ chuyên biệt và đa ngành ; với giáo viên phổ thông (trung học cơ sở và trung học phổ thông): thạc sĩ chuyên ngành cộng với các mô-đun về dạy học.
Mỹ: có cả 2 mô hình đào tạo GV tiếp nối và song song
Ở Mỹ, do chính phủ liên bang không có vai trò lớn trong giáo dục ở các bang nên mô hình và phương thức đào tạo GV chủ yếu do các bang và các ĐH ở các bang quyết định.
Ở quốc gia này, có cả hai mô hình đào tạo GV là tiếp nối và song song; cả trình độ Cử nhân lẫn tiếp nối một mạch lên trình độ Thạc sĩ. Phương thức đào tạo về căn bản theo tín chỉ.
Hai trường hợp tiêu biểu, đó là đào tạo GV ở ĐH Texas Tech và ở ĐH Virgina.
Mô hình đào tạo GV của ĐH Texas Tech là mô hình: trường chuyên ngành khoa học + trường giáo dục. Tức là sau khi đã hoàn tất các tín chỉ chuyên môn tại một trường ĐH thành viên của ĐH Texas Tech, những sinh viên học ngành sư phạm sẽ đăng kí học các môn nghiệp vụ ở trường ĐH Giáo dục.
Thời gian cho việc học nghiệp vụ sư phạm tại trường Giáo dục thường kéo dài trong khoảng từ 1 - 2 năm tùy theo khả năng hoàn thành khối lượng học tập và thực tập của từng sinh viên. Nhưng thời gian tối thiểu phải học tập và thực tập là 1 năm.
Thông thường, sinh viên sẽ trải qua hai giai đoạn học nghiệp vụ. Giai đoạn đầu, sinh viên sẽ học khoảng 30 tín chỉ. Trong thời gian này, sinh viên sẽ kết hợp thực tập tại trường phổ thông 1 ngày/ 1 tuần.
Giai đoạn thứ hai, sinh viên sẽ học tiếp 15 tín chỉ và lúc này sẽ đi thực tập sư phạm 5 ngày/tuần tại trường phổ thông.
Trong khi đó, ở ĐH California, ngay từ năm thứ 2, thậm chí năm thứ 1 đối với các ngành nghệ thuật, SV đã học các môn giáo dục nghề nghiệp là EDIS 2010 và EDIS 2880.
Sang năm thứ 3, 4, thậm chí thứ 5 theo mô hình tiếp nối hai bậc Cử nhân và Thạc sĩ, SV sẽ tiếp tục học các môn chuyên ngành theo yêu cầu của chương trình đồng thời học các môn giáo dục nghề nghiệp: EDIS 3880, EDIS 4880 và EDIS 5880.
Đức: GV được đào tạo trong các trường đại học đa ngành
Mô hình đào tạo GV ở Đức trước năm 1980 tiến hành trong các trường đại học sư phạm. Sau đó, các trường đại học được tích hợp vào các trường đại học đa ngành.
Từ đó đến nay, GV được đào tạo trong các trường đại học đa ngành. Có một số ít bang như Baden – Wüttemberg đến nay vẫn tồn tại các trường sư phạm độc lập nhưng chỉ đào tạo các loại hình GV cho các trường tiểu học và THCS.
GV được đào tạo theo cấp học và theo loại hình trường. Cũng có loại GV được đào tạo cho 2 cấp hoặc cho nhiều loại hình trường ở bậc THCS.
GV bậc THCS và THPT được đào tạo cho hai môn học chuyên ngành, trong đó có phân biệt môn thứ nhất và môn thứ hai với tỷ trọng thời gian đào tạo khác nhau. Mô hình đào tạo GV tích hợp giữa khoa học giáo dục và khoa học chuyên ngành.
Ngay từ những năm đầu của các khóa đào tạo GV, bên cạnh các môn học chuyên ngành, sinh viên được học về các môn khoa học giáo dục và thực tiễn trường học.
Đào tạo GV được diễn ra trong 2 kì: Quá trình đào tạo GV trong trường đại học được gọi là giai đoạn 1, sau kì thi tốt nghiệp với kỳ thi quốc gia thứ nhất, các GV mới ra trường này được tham gia vào giai đoạn đào tạo GV tập sự của các bang.
Từ năm 2000 mô hình đào tạo GV được cải cách và thực hiện theo hai bậc nối tiếp cử nhân (180-240 tín chỉ) và thạc sĩ (60-120 tín chỉ).
Dựa trên quy định khung này hầu hết các bang ở Đức đã chuyển đổi hệ thống đào tạo GV sang hệ thống phân bậc hai giai đoạn.
Theo mô hình đào tạo mới này, GV cần có trình độ Master mới được đăng ký vào giai đoạn đào tạo GV tập sự. Người tốt nghiệp bậc cử nhân (Bachelor) chưa được phép trở thành GV nhưng có thể tìm việc làm ở thị trường lao động theo các hướng khoa học chuyên ngành mà họ đã học.
Nét đặc thù của mô hình đào tạo GV của Đức theo mô hình phân 2 bậc nối tiếp này là ngay trong bậc Bachelor đã có nội dung về khoa học giáo dục và thực tiễn phổ thông.