Đạo nghĩa vợ chồng theo quan niệm của Phật giáo

Nhiều vấn đề nổi cộm của gia đình cùng điều cốt yếu mà nhiều cặp vợ chồng cần làm để kiến tạo một gia đình hạnh phúc đã được đưa ra thảo luận tại buổi hội thảo “Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững” được tổ chức tại Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 đang diễn ra tại chùa Tam Chúc, Hà Nam.

Vợ chồng cần biết dung hòa, chia sẻ với nhau mới có thể tạo lập được gia đình hòa hợp, hạnh phúc. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Vợ chồng cần biết dung hòa, chia sẻ với nhau mới có thể tạo lập được gia đình hòa hợp, hạnh phúc. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Trách nhiệm của vợ và chồng

Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 lần thứ 3 Việt Nam đăng cai tổ chức với chủ đề chính “Cách tiếp cận của Phật Giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

Nằm trong 5 chủ đề xoay quanh chủ đề chính này được thảo luận tại Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 đang diễn ra tại chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam), chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững” đã đề cập đến nhiều vấn đề xoay quanh vấn đề gia đình.

Nhiều bài tham luận tại hội thảo đã nhấn mạnh đến những mặt trái của gia đình cũng như cách kiến tạo một gia đình hòa hợp, đặc biệt là trong một xã hội biến động ngày nay của Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng, cùng trong “dòng chảy” biến động của xã hội đã tác động không ít tới quan điểm sống – hôn nhân và gia đình với nhiều vấn nạn: Tình dục trước hôn nhân dẫn đến nạo, phá thai; vi phạm pháp luật; tình yêu đồng tính; ly dị.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu gia đình và Giới, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, vợ hoặc chồng trong độ tuổi từ 18-30; trong đó có 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1-5 năm, nhiều trường hợp chỉ mới cưới nhau được vài tháng.

Thảo luận về những nguyên nhân dẫn tới những đổ vỡ, bất ổn trong đời sống gia đình, các đại biểu cho rằng theo đạo Phật, vợ chồng là do duyên số, có mang nghiệp, mang nợ với nhau, chứ không hề tự nhiên mà lấy nhau được. Phần lớn chuyện vợ chồng là do duyên số quyết định. Nhưng nếu chỉ đổ thừa cho duyên số thì lại không thực tế.

Những bất hạnh và đổ vỡ trong đời sống hôn nhân không phải là do tuổi tác xung khắc hoặc phạm vào Cô thần, Cô quả. Đó là kết quả từ tự thân mỗi người tạo ra rồi trở lại chi phối, tác động làm tan vỡ đời sống hôn nhân của chính người đó

PGS.TS Nguyễn Thị Thường, Giảng viên cao cấp, Khoa Triết học (Trường Đại học sư phạm Hà Nội) cho biết, mặc dù theo Phật giáo, vợ chồng là do duyên nợ tác thành hay nói đúng hơn là nghiệp lực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hai người đến với nhau để trở thành vợ chồng nhưng nói vậy không phải để mọi người buông xuôi thụ động, mặc cho nghiệp xoay vần.

Ý thức về sự hiện hữu của nghiệp nhân, nghiệp quả sẽ hướng đạo nam nữ Phật tử biết áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống gia đình để khắc phục những lỗi lầm của mình, trở thành người chồng tốt hay người vợ tốt, từ đó xây dựng gia đình hạnh phúc.

Điều cần làm của vợ chồng để có được hạnh phúc

Trong Trường Bộ II, kinh Giáo thọ Ti-ca-la-việt, Đức Phật dạy về đạo nghĩa vợ chồng rất giản dị mà thâm diệu. Theo Ngài, có năm điều người chồng phải đối xử với người vợ là yêu thương, tôn trọng vợ, quan tâm chăm sóc chu đáo đời sống vật chất lẫn tinh thần, chung thủy với vợ, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang cho vợ.

Người vợ được chồng đối xử như vậy cũng phải có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: thương yêu, kính trọng chồng, trung thành với chồng, quản lý tốt nhà cửa, giữ gìn tài sản của chồng, khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.

Trong bài tham luận của mình, các đại biểu cũng đã chỉ ra những “điều kiện” cần của hạnh phúc gia đình. Theo Phật giáo, để bền vững trong hôn nhân, ít nhất phải có một sự tương đồng về nhiều mặt giữa hai đối tượng, cũng như việc thực hiện chu toàn vai trò và trách nhiệm của mỗi bên liên quan. Theo kinh Tăng chi, muốn có một quan hệ hôn nhân bền vững thì ít nhất phải có bốn sự tương đồng:

+ Tương đồng về nhận thức: Một đôi lứa lý tưởng là đôi lứa phải hiểu rõ về nhau, hiểu thật nhiều, biết sẻ chia hoặc tìm cách kiện toàn tri thức, vốn sống cho nhau. Đó là điều cần của hạnh phúc.

+ Tương đồng về niềm tin: Niềm tin ở đây cụ thể là niềm tin tôn giáo. Có cùng một tín ngưỡng là điều kiện lý tưởng cho lứa đôi. Bởi lẽ khi cùng một niềm tin tôn giáo thì cả hai dễ gần nhau, hiểu nhau và dễ thống nhất với nhau về các giá trị sống liên quan như: quan niệm về đạo đức, quan niệm về lối sống, xu thế nội tâm, và thậm chí là cách thức vươn lên làm giàu…

+ Tương đồng về chuẩn mực đạo đức và tương đồng về lòng thí xả, vị tha:

Điều này nói về cách sử dụng tài sản có hiệu quả. Một gia đình thực sự hạnh phúc khi cả người vợ và chồng đều thực sự rộng rãi, không đắn đo quá nhiều đối với những việc chi tiêu cần thiết cũng như các việc thiện cần phải làm trước mắt.

Trong thực tế, đã có những người chồng (vợ) quá mực chi li trong việc sử dụng tài vật, dù đó là nhu cầu chính đáng của bản thân, gia đình hoặc giúp đỡ những người liên quan. Đó là một trong những nguy cơ tạo nên sự trắc trở, gập ghềnh trong quan hệ ứng xử của đời sống thế tục.

Đức Phật cũng quy định chung thủy là nghĩa vụ chung của cả vợ và chồng, coi đó là điều tất yếu và tối cần thiết trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Trong cuộc sống gia đình luôn tiềm ẩn muôn vàn khó khăn, cạm bẫy. Vợ chồng cần có những đức tính chung thủy, bao dung, cần mẫn, chân thành, nhẫn nại và khiêm tốn, thương yêu và tôn trọng lẫn nhau, có trách nhiệm về đời sống của nhau, phải biết dung hòa, chia sẻ với nhau mới có thể tạo lập được gia đình hòa hợp, hạnh phúc. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ