Đạo luật Magnitsky – Thuốc thử đầu tiên cho nền chính trị Nga?

Đạo luật Magnitsky – Thuốc thử đầu tiên cho nền chính trị Nga?

(GD&TĐ) - Năm 1974, Luật Jackson-Vanik được Quốc hội Mỹ thông qua với nội dung chủ yếu là không dành quy chế tối huệ quốc (MFN) trong buôn bán với các nền kinh tế phi thị trường và không cho phép các quốc gia này tiếp cận những chương trình hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, đồng thời hạn chế quyền nhập cư.

Luật trên được xem như “hòn đá tảng pháp lý” ngăn cản Liên Xô (và sau này là Nga) gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong suốt hàng chục năm cho tới khi vào ngày 20/12/2012, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức trao “Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn” (PNTR) cho Nga. 

Trưởng Công tố viên, Chủ tịch Ủy ban điều tra Viện kiểm soát Liên bang Nga- Alexander Bastrykin
Trưởng Công tố viên, Chủ tịch Ủy ban điều tra Viện kiểm soát Liên bang Nga Alexander Bastrykin
Tưởng như động thái này của ông Obama là “ngọn lửa” đốt cháy tàn dư cuối cùng của thời Chiến tranh lạnh khiến băng giá trong quan hệ giữa Washington và Moscow vĩnh viễn tan biến thì vào tháng 12/2012, Thượng viện Mỹ lại chính thức thông qua “đạo luật Magnitsky” nhân cái chết của luật sư người Nga Sergei Magnitsky trong nhà tù hồi tháng 11/2009.
Đạo luật Magnitsky cho phép Chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Nga bị cáo buộc vi phạm nhân quyền như cấm quan chức Nga trên nhập cư cũng như phong tỏa mọi tài sản của họ tại Mỹ. 
Tất nhiên, trong một thế giới đầy rẫy mâu thuẫn và đối kháng thì việc các cường quốc “ăn miếng, trả miếng” nhau là chuyện thường tình. Vì vậy việc Thượng viện Mỹ thay luật Jackson-Vanik vừa hết hạn bằng bất cứ đạo luật nào để gây khó dễ cho Nga là chuyện không “xa lạ” đối với Moscow.
Cái mà điện Kremlin phẫn uất nhất là điều đi kèm theo đạo luật này - công bố danh tính những quan chức Nga không có liên quan tới cái chết của luật sư Sergei Magnitsky trong danh các sách Magnitsky tiếp theo sẽ được “minh bạch hóa” từng năm.
Các phân tích gia cho rằng luật Magnitsky là  động thái “tái mở màn thời kỳ Chiến tranh Lạnh” giữa Mỹ và Nga. Thế nhưng rất nhiều người lưu ý rằng luật này là “ngọn đuốc” khơi mào cho sự bất ổn trong xã hội Nga và từ đó sẽ thổi bùng lên đống lửa “cuộc thập tự chinh” như đã làm trong thập niên 90 của thế kỷ XX và mục đích lần này không phải “xóa hệ thống Xã hội chủ nghĩa” mà là làm cho Liên bang Nga tan rã.
Ngày 12/ 4, Mỹ công bố tên của 18 nhân vật “thân điện Cremlin” nằm trong danh sách Magnitsky. Sau đó, Nga trả đũa bằng cách công bố danh sách 18 công dân Mỹ bị cấm nhập cảnh nước này. So sánh danh sách các nhân vật bị Mỹ và cả Nga “đưa vào vòng ngắm của pháp luật”, người ta nhận thấy ý đồ chính trị rất rõ ràng của cả hai phía.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, khác với việc Mỹ “tùy tiện” lập danh sách trừng phạt công dân Nga, Moscow chỉ liệt những công dân Mỹ dính líu đến các hành động: tra tấn và giam giữ tù nhân vô thời hạn tại nhà tù Guantanamo; các điệp viên FBI, CIA và những người đã bắt giữ và bắt cóc công dân Nga tại nước thứ ba; xâm hại sinh mạng-sức khỏe và vi phạm nhân quyền đối với người Nga ở nước ngoài...
Nói tóm lại, 18 “nhân vật Mỹ” bị Nga vạch mặt chỉ tên là những “đồ tể” trong vấn đề thuần túy về nhân quyền và cấm đến Nga. Moscow không ra lệnh phong tỏa tài sản của họ vì luật pháp Mỹ vô cùng minh bạch và không nương tay với vấn đề tham nhũng cho dù người đó là ai. 
Ngược lại, 18 nhân vật “thân điện Cremlin” bị Mỹ cho vào danh sách công bố lần đầu là những yếu nhân nằm trong hệ thống hành pháp và tư pháp Nga. 16 trong số đó đã liên quan trực tiếp đến việc bắt giữ, xét hỏi và cuối cùng là cái chết bất đắc kỳ tử của luật sư chống tham nhũng Sergei Magnitsky.
Danh sách mà chính quyền Mỹ công bố trên các phương tiện truyền thông chỉ là “phần nổi” bởi vì theo nguồn tin không chính thức mà các chuyên gia thu thập được, Nhà Trắng đã lên một danh sách bí mật bao gồm 240 yếu nhân trong nền chính trị Nga, trong đó bao gồm “thượng tầng chính trị” nặng ký nhất, như Trưởng Công tố viên, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban điều tra của Viện Kiểm sát của Liên bang Nga và cũng là người đồng hương của Tổng thống Nga Putin - ông Alexander Bastrykin.
Ngoài ra, ông Yuri Y. Chaiken - Công tố viên chính và đồng thời thành viên Hội đồng An ninh của Liên bang Nga- cũng được Nhà Trắng đưa vào “tầm ngắm”. Theo luật Magnitsky, tất cả những người nằm trong danh sách này rất ít có khả năng nhận được visa để nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Còn nếu họ có tài khoản ở ngân hàng Hoa Kỳ, thì tiền bạc và của cải bị đóng băng và có thể bị tịch thu. 
Yuri Y. Chaiken - Công tố viên chính, Thời thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Liên bang Nga
Yuri Y. Chaiken - Công tố viên chính, Thời thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Liên bang Nga
Tờ The New York Times cho rằng, chính quyền Barack Obama lựa chọn các nhân vật đưa vào danh sách Magnitsky đợt một theo tiêu chí họ là những nhân vật trung thành với điện Kremlin và với bộ máy quan liêu của Nga.
Cái nguy hiểm của đạo luật Magnitsky còn nằm ở chỗ khi luật bắt đầu có hiệu lực thì hàng năm tiếp theo sẽ có thể có rất nhiều nhân vật, được gọi là tinh hoa của nền chính trị Nga, được bổ sung thêm vào danh sách…và điều gì sẽ xẩy ra?
Theo tổng biên tập của tạp chí Nga trong vấn đề toàn cầu Fyodor Lukyanov: “Việc Mỹ công bố danh sách đợt một đã gây ra một dư luận không tốt cho điện Kremlin. Việc lựa chọn kỹ càng các 18 yếu nhân đưa vào danh sách đợt một khiến cho họ trở thành “nhân vật tế thần” nhằm dằn mặt cũng như chia rẽ giới chức “thượng lưu” trong cấu trúc chính trị của điện Kremlin.
Đây là đòn đánh vào nội bộ hệ thống quyền lực của Nga và sau đó là chất xúc tác để “khuấy động xã hội” bởi ai cũng có thể đặt câu hỏi tại sao và làm như thế nào một số lượng lớn các quan chức Nga lại có các tài khoản và bất động sản tại nước ngoài?
Và nếu danh sách Magnitsky qua các năm cứ kéo dài thêm niềm tin của người dân Nga về nền chính trị mà Moscow đang thực thi sẽ ngày càng xói mòn. Tôi nghĩ rằng người Mỹ công bố danh tính của các quan chức sở hữu tài sản ở nước ngoài có một ý nghĩa tượng trưng. Họ chứng minh rằng bộ máy điều hành nước Nga là quan liêu, tham nhũng và không minh bạch…”
Biết rằng ông Dmitry Medvedev - Người từng làm Tổng thống Nga và nay là Thủ tướng - từng thừa nhận Chính phủ Nga hầu như không đạt được tiến triển nào trong cuộc chiến chống tham nhũng do chính ông phát động từ lúc lên nắm quyền lực.
Còn Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã từng xếp Nga đứng thứ 146/180 nước đối mặt với vấn nạn tham nhũng hoành hành. Theo tổ chức này thì mỗi năm tham nhũng làm thất thoát hàng tỷ USD của Nga.
Như vậy, cuộc chiến chống tham từ trước tới nay là một cuộc đấu tranh trong nội bộ giới lãnh đạo nước Nga thì từ nay nhờ có một “liệu pháp quốc tế” - Đạo luật Magnitsky - sẽ trở thành cuộc chiến trong xã hội Nga vì bất cứ lực lượng chính trị nào cho tới người dân nào cũng có quyền đòi hỏi công khai hóa các thông tin về tài khoản của các chính trị gia mà danh sách Magnitsky đề cập tới.
Việc các chính trị gia bị đạo luật Magnitsky có thể tước đi của cải gửi ở nước ngoài là chuyện nhỏ, còn thành trì chính trị và phẩm giá của từng lớp lãnh đạo nước Nga bị “xói mòn và thách thức” bởi chính công dân đi bỏ phiếu cho mình là chuyện không hề nhỏ.
                                                                       Nguyễn Thành Lộc
                                                                   Theo The New York Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.