Đạo Hiếu qua hội làng đầu năm ở xứ Bắc

GD&TĐ - Với người Việt Nam, chữ hiếu luôn được coi trọng, là truyền thống quý giá phải giữ gìn và phát huy. Nó còn được khắc sâu trong các tục lệ hay lễ hội văn hóa của người Việt. Diễn ra trong những ngày đầu năm, lễ hội làng Nôm mang tính đặc trưng xứ Bắc và chữ Hiếu được đặt lên hàng đầu.

Lễ rước Thành Hoàng Làng ra chùa Nôm.
Lễ rước Thành Hoàng Làng ra chùa Nôm.

Làng Nôm (Đại Đồng,Văn Lâm, Hưng Yên) vẫn mang hình ảnh thân quen của đồng bằng Bắc Bộ xưa với cây đa, giếng nước, sân đình, những nếp nhà cổ, phiên chợ quê cùng hình ảnh cây cầu đá 9 nhịp trên trăm năm tuổi.

Bao đời nay người dân làng Nôm cứ mỗi dịp xuân đến lại long trọng tổ chức hội làng. Lễ hội không quá hoành tráng nhưng là hương ước của làng với những nghi thức, tục lệ không phải nơi đâu cũng có.

Nguồn gốc của lễ hội này xuất phát từ truyền thuyết về vị Thành hoàng của làng. Theo như các cụ kể lại cũng như bia kí ở đình làng, thần phú trong đình làng thờ phụng ngài Thành hoàng tên Tam Giang Đại vương, một vị tướng thời Hai bà Trưng.

Đoàn rước đi qua cây cầu ngàn năm tuổi.
Đoàn rước đi qua cây cầu ngàn năm tuổi.

Phu nhân và mẫu thân của Thành Hoàng rất mê đạo Phật nên mẹ con thường xuyên đi lễ Phật. Khi ngài Thành hoàng hoá thì vẫn truyền tục ra chùa lễ Phật cầu may cho nhân dân.

Từ đó đến nay đã qua bao nhiêu năm, người dân vẫn cứ nhất liên nhất lệ hàng năm rước ngài Thành Hoàng ra chùa Nôm lễ Phật, vừa cầu may cho nhân dân, vừa là mời mẹ và đón vợ về đình làng cùng thụ lộc.

Nhân dân liên tưởng đây là hạnh hiếu của Thành hoàng. Một người là tướng quân, được sắc phong làm Thành hoàng nhưng khi vũ hóa rồi, vẫn truyền tục nhân dân rước mình ra mời thân mẫu, phu nhân về cho nhân dân cung tiến.

Làm lễ mời tại chùa Nôm.
Làm lễ mời tại chùa Nôm.

Đây cũng là hạnh hiếu của một người. Và đức hiếu hạnh ấy nghiễm nhiên người làng Nôm cũng được hạnh hiểu, được học ngay từ bé.

Thượng toạ thích Đồng Huệ (uỷ viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Nôm) cho biết: “ Điều đặc biệt của làng Nôm, Thánh thì lại rước ra để lễ Phật cho mát mẻ. Đó cũng là điều hiếm có”.

Đầu giờ sáng của ngày hội làng, lễ rước kiệu diễn ra trước sự chứng kiến của toàn dân làng, bắt đầu từ sân đình với kiệu long đình, kiệu bát cống, lộ bộ bát bửu, cờ, kiếm, tàn, lọng, các dụng cụ khác cùng với lễ hương hoa quả để phục vụ lễ rước Thánh ra chùa.

Các dòng họ dâng hương tại đình Làng.
Các dòng họ dâng hương tại đình Làng.

Đoàn rước gồm các cụ cao niên, đoàn bát âm, đoàn quan họ, đoàn kỳ lân, người dân trong làng và khách thập phương tiếp nối nhau với trang phục nhiều màu sắc.

Đoàn rước gồm các cụ cao niên và trai tráng trong làng, xuất phát từ Đình Tam Giang quanh con đường làng uốn khúc theo ven hồ qua chiếc cổng làng hơn trăm năm tuổi.

Tiếp theo đoàn rước  đi qua cây Cầu Đá 9 nhịp đầu rồng đến chùa Nôm.

Tại chùa Nôm làm lễ mời mẫu thân và phu nhân của Thánh Tam Giang về đình làng cùng hưởng thụ lộc. Sau khi kết thúc, lại rước Thánh trở về Đình, lúc này các cụ bà thực hiện lễ dâng hương và lễ Thánh với nhiều nghi thức.

Con cháu trở về Làng Nôm tổ chức lễ lên lão cho các cụ trong dòng họ.
Con cháu trở về Làng Nôm tổ chức lễ lên lão cho các cụ trong dòng họ.

Làng Nôm có 9 dòng họ sinh sống và dòng họ nào cũng có nhà thờ riêng với những nét kiến trúc cổ kính nằm xung quanh hồ Làng Nôm. Dòng họ Phùng, dòng họ Nguyễn, họ Tạ hay họ Đặng, họ Đỗ v.v.v.. Vào những ngày này con cái các dòng họ từ khắp nơi trong và ngoài nước trở về tổ chức nghi lễ dâng hương tại Đình và dù ở đâu đến tuổi lên lão phải trở về để con cháu trong dòng tổ chức mừng thọ. Đây cũng là truyền thống lâu đời, thể hiện đạo lý Hiếu nghĩa của con cháu làng Nôm.

Tất cả con cháu xum họp trước đình Làng, trước với dòng tộc kính cẩn báo cáo tổ tiên những công việc đã làm và những dự định trong năm nay. Và anh em dòng tộc chia sẻ, bảo ban cùng nhau bảo vệ, giữ gìn truyền thống, đạo Hiếu của làng Nôm, cùng nâng ly rượu chúc nhau những lời tốt đẹp trong năm mới.

Ông Nguyễn Ngọc Chấn (Trưởng làng Nôm) cho biết: “Lễ hội thường xuyên được tổ chức hàng năm, con cháu các nơi đều về và vào những ngày này cũng là lễ thượng thọ cho các bô lão trong làng. Đây cũng là một đạo hiếu của con cháu trong làng Nôm”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ