'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây', 'uống nước nhớ nguồn', 'bầu ơi thương lấy bí cùng'… không chỉ là lời răn đạo hiếu, mà còn phản ánh vốn văn hóa rất chân thật của dân tộc Việt Nam.
Nền văn hóa từ lịch sử của một dân tộc là con Rồng cháu Lạc – trăm họ một nhà đã hình thành tình thương “chị ngã em nâng”, hay “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
Để rồi trong những ngày này, khi cả nước kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, mỗi người đều rưng rưng nước mắt trong mỗi nén nhang thắp trên ban thờ các anh hùng. Hay gợi một nỗi niềm thương mến khi cầm đôi bàn tay của các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Nhiều người chắc không thể quên hình ảnh mẹ Hoàng Thị Lự ở Nghệ An ngồi ôm hài cốt con và khóc nức nở. Đó là năm 2020, khi ấy mẹ Lự đã 110 tuổi – đã hơn nửa thế kỷ cố sống để đợi con. Mẹ luôn đau đáu nỗi nhớ và thường hỏi rằng “khi mô thì 2 đứa về?”.
Năm 1969, mẹ Lự nhận cùng lúc 2 giấy báo tử của hai người con đã hi sinh. Mãi đến năm 2020, hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Nhật Tân mới được tìm thấy và trở về trong vòng tay của mẹ Lự.
Mẹ tiếp tục chờ hài cốt của người con thứ hai – liệt sĩ Nguyễn Tất Văn, nhưng không chờ được nữa. Vào tháng 6 vừa qua, mẹ Lự ra đi ở tuổi 112 – để lại nỗi thương nhớ ngóng mong hơn nửa thế kỷ vẫn chưa trọn vẹn.
Và còn đó những người thương binh nặng, ngày ngày phải chiến đấu với chính mình. Tôi từng có dịp đến thăm Trung tâm điều dưỡng Thương bệnh binh nặng Liêm Cần (Hà Nam). Ở đó có người thương binh tên là Đoàn Quốc Việt mất hoàn toàn 100% sức khỏe. Cứ khi nào tỉnh táo, ông lại nài nỉ: “Xin cán bộ cho tôi 2% sức khỏe để còn được làm người”.
Ở nhiều ngôi chùa, tu viện, trại phong… chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những nữ tu sĩ từng là thanh niên xung phong. Họ đã cống hiến cả thanh xuân cho đất nước, đến khi hòa bình họ đành gửi mình nơi cửa thiền – vì nhiều lý do: Người thì bị nhiễm chất độc da cam, người thì quá lứa do trai tráng cùng thời số nhiều thành liệt sĩ, người thì bị ám ảnh bom đạn.
Trong chiến tranh, họ đã cùng nhau sống và chiến đấu đến cùng. Khi hòa bình, họ lại sống cùng nhau, nâng đỡ nhau bằng tất cả tình thương mến của tình đồng chí, đồng đội và tình “chị ngã em nâng”.
Quan điểm “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” thể hiện tính nhân văn trong cách đối nhân xử thế và nét nhân hậu khoan dung trong văn hóa người Việt. Nhưng, chúng ta cũng có quyền nhìn lại quá khứ để không quên những gì đã xảy ra với Tổ quốc.
Trong dòng chảy của sự phát triển, người Việt chưa bao giờ quên nghĩa tình đồng bào. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” gắn với hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ làm tốt hoạt động này trong phạm vi Nhà nước hay hội đoàn nào đó tổ chức.
Với mỗi cá nhân, có lẽ cũng khá hiếm hoi ai đó – tự thân đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng, phục vụ thương binh hay giúp đỡ chia sẻ với những nữ thanh niên xung phong đang gửi mình nơi cửa Phật. Đó chính là một thiếu sót trong văn hóa ứng xử của chúng ta!
Đạo hiếu không hẳn phải chờ dịp mới tỏ bày, hay chờ ngày mới thể hiện – vì đó là hoạt động cần tu dưỡng thường xuyên và liên tục. Trong dòng chảy của văn hóa, đạo hiếu đứng đầu và là yếu tố quyết định nền văn hóa của một dân tộc.