Âm nhạc ngợi ca đạo hiếu mùa Vu Lan

GD&TĐ - Nhân mùa lễ Vu Lan, nhóm nghệ sĩ, giảng viên thanh nhạc ở Hà Nội đã cùng nhau xây dựng chương trình âm nhạc mang tên Tứ Ân. 

Ca sĩ Tân Nhàn trong một buổi tập với dàn nhạc
Ca sĩ Tân Nhàn trong một buổi tập với dàn nhạc

Đêm nhạc được kỳ vọng sẽ là bản hòa ca giữa đạo và đời. Đồng thời, các nghệ sĩ cũng mong muốn Tứ Ân sẽ trở thành thương hiệu nghệ thuật diễn ra vào mùa Vu Lan hằng năm.

Bản hòa ca nghệ thuật

Người khởi xướng ý tưởng là ca sĩ Tân Nhàn - Phó Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Lý giải việc đặt tên chương trình là “Tứ Ân” ca sĩ Tân Nhàn cho biết, cô lên ý tưởng thực hiện chương trình từ lời dặn dò của thầy mình, Thượng tọa Thích Minh Hiền - Phó Trưởng ban Văn hóa - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, rằng là một nghệ sĩ, cô phải có trách nhiệm lan toả tới công chúng, người dân những điều tốt đẹp của Tứ Ân (hay Tứ Trọng Ân) trong lời Phật dạy qua nghệ thuật.

Đó cũng là công đức vô lượng của người nghệ sĩ để đem đến những điều tốt đẹp, lan toả ý thức, lối sống đẹp đến với mỗi người.

Tâm huyết với điều này, Tân Nhàn đã nhanh chóng xây dựng chương trình và quy tụ các nghệ sĩ tham gia. Khi chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp, nhiều người hưởng ứng ngay vì nhận thấy ý nghĩa của chương trình.

 Vì là một đêm nhạc nhân mùa Vu Lan báo hiếu nên chúng tôi đã để giá vé thấp hơn so với mặt bằng chung của các show ca nhạc. Vì vậy, ngay cả khi bán hết vé thì vẫn chưa đủ kinh phí sản xuất. Mong muốn lớn nhất của ê-kíp là lan tỏa được đạo lý về chữ Hiếu đến với đông đảo công chúng. Tôi rất cảm động khi các nghệ sĩ tham gia chương trình đều sẵn sàng không nhận thù lao. Bởi thế, nếu show có lỗ thì Tân Nhàn sẽ bù.
 Ca sĩ Tân Nhàn cho biết. 

“Tứ Ân” (diễn ra tối 16/8, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội) hội tụ nhiều nghệ sĩ gạo cội: NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Đình Cương, ca sĩ Tân Nhàn, các sao Mai nhiều năm qua như Tuấn Anh, Lê Anh Dũng, Lương Nguyệt Anh, nhóm Xẩm Hà thành, ca sĩ Ngọc Châm, đạo diễn Phạm Hoàng Giang…

Tất cả các nghệ sĩ tham gia đêm nhạc đều không nhận thù lao. Mọi người từ ê-kíp đến ca sĩ đều mong muốn đem khả năng của mình đóng góp cho thành công của chương trình, lan tỏa với ý nghĩa Vu Lan báo hiếu.

Là người khá đắt sô trong làng giải trí, bận bịu với nhiều lời mời trong Nam ngoài Bắc nhưng với “Tứ Ân” đạo diễn Phạm Hoàng Giang “nhận lời ngay, bởi đồng cảm với tâm huyết của các nghệ sĩ và lâu nay cũng luôn mong mỏi được góp phần tôn vinh chữ “Hiếu”.

“Vì vậy, không có lý do gì để ê-kíp chúng tôi không dốc tâm sức ra thực hiện chương trình thật đặc biệt này”, đạo diễn Phạm Hoàng Giang chia sẻ.

Vu Lan là mùa báo hiếu, là dịp để những người con ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Đó là truyền thống đẹp đã có từ ngàn đời. Cũng vì thế, báo hiếu mẹ cha là giá trị cốt lõi của ngày lễ Vu Lan và là một “Ân” trong “Tứ Ân”.

Theo lời Phật dạy, ngày lễ Vu Lan còn bao hàm các giá trị lớn lao mang ý nghĩa cộng đồng và giá trị tâm linh, tất cả đều nằm ở trong Tứ Ân, đó là ơn đất nước, ơn Tam bảo, ơn cha mẹ, ơn chúng sinh.

Lan tỏa giá trị của đạo hiếu

Nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, tên chương trình rất ý nghĩa. Con người ta sống trên đời không chỉ có báo hiếu mẹ cha mà còn có Tứ Ân.

Người Việt luôn đặt chữ hiếu lên hàng đầu, vì thế âm nhạc văn hóa truyền thống Việt Nam có rất nhiều ngợi ca dâng tặng đấng sinh thành cũng như những ơn trong Tứ Ân. Đó là thuận lợi để chúng ta xây dựng một chương trình hay và giàu ý nghĩa.

Đêm nhạc được thiết kế làm 4 phần chính, tượng trưng cho Tứ Ân. Nghệ sĩ sẽ thể hiện những ca khúc ngợi ca vẻ đẹp, sự biết ơn với quê hương đất nước, là những bài nhạc Phật chứa đựng lời dạy thiêng liêng đến mỗi người.

Đến với chương trình, khán giả sẽ tìm được sự giao cảm trong lời ca tiếng hát ghi khắc công ơn cha mẹ từ âm nhạc truyền thống đến tân nhạc; thấu hiểu hơn giá trị sâu sắc trong chữ Hiếu của người Việt Nam và ý thức sâu sắc hơn công lao trời biển của đấng sinh thành...

Chương trình cũng không thể thiếu những ca khúc nói lên tình yêu thương giữa con người với con người trong bình diện rộng của cuộc sống, đó chính là “Ơn chúng sinh” theo lời dạy của Phật. Tình yêu thương chính là chất xúc tác kết dính những trái tim tràn đầy nhiệt huyết lại với nhau. Lan tỏa yêu thương giữa con người với con người cũng chính là lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đạo hiếu.

Ca sĩ Tân Nhàn tiết lộ, trong đêm nhạc, sẽ có những bài nhạc Phật soi tỏa ánh từ quang đến cho mỗi người để sống tốt đời, đẹp đạo. Bên cạnh đó, không thể thiếu những bài xẩm, bài hát văn về ơn nghĩa sinh thành và những bài tân nhạc nổi tiếng về tình yêu quê hương, đất nước…

Trước ý kiến băn khoăn liệu có quá “ôm đồm” nhiều loại nhạc quá không, đạo diễn Phạm Hoàng Giang phân tích: Trong một bữa ăn có nhiều món và ăn mãi ta cũng sẽ chán, nhưng ăn mỗi thứ một chút chúng ta sẽ cảm thấy ngon.

Cho nên đến với chương trình này, người ta có thể nghĩ là đang “ăn lẩu” nhưng thưởng thức nghệ thuật đôi khi như cũng như ẩm thực, ăn mỗi thứ một chút, vừa đủ độ sẽ thấy ngon và dễ chịu. Nên tôi tư duy là, mặc dù là “lẩu nghệ thuật” nhưng sẽ gia công chế biến để khán giả ai cũng cảm nhận được có sự giao hòa của tâm hồn mình trong đó. Tôi nghĩ đó là điều thuận lợi khi dàn dựng, xâu chuỗi các tiết mục.

Lần đầu tiên đảm nhận “ba vai” (chủ nhiệm chương trình, biên tập âm nhạc và ca sĩ biểu diễn) đầy khó khăn nhưng ca sĩ Tân Nhàn khẳng định: Chúng tôi rất tự tin, trong show có đủ cả Đông Tây kim cổ và chắc chắn sẽ lan tỏa Tứ Trọng Ân.

Nhiều năm hoạt động trong môi trường nghệ thuật cũng như tham gia giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Tân Nhàn hiểu được ưu điểm của các nghệ sĩ, ai sẽ thể hiện tốt nhất ca khúc nào.

Bất cứ một chương trình nghệ thuật nào muốn thành công thì ngoài ban nhạc chơi hay, ca sĩ hát hay, ca khúc hay, cần cả một ê-kíp giỏi. Những người trong ê-kíp đều là những người có kinh nghiệm, tâm huyết, nhiệt tình và khi Tân Nhàn đã “chọn mặt gửi vàng” thì chắc chắn đêm nhạc sẽ không nhạt nhòa.

Lần đầu đứng ra tổ chức một chương trình quy tụ nhiều cá tính âm nhạc, nhưng giảng viên thanh nhạc Tân Nhàn khẳng định sẽ đầu tư xứng tầm như một liveshow.

Cô mong muốn khán giả sẽ thỏa mãn một đêm nhạc đúng nghĩa ngợi ca đạo hiếu và hi vọng đây sẽ trở thành chương trình thường niên mùa Vu Lan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.