Phật có dạy rằng, cha mẹ sinh con cái không phải để thỏa mãn dục tính mà là thể hiện tình thương yêu đối với một phần máu mủ và sự sống của chính mình.
Từ bao đời nay, mối quan hệ gắn bó, máu mủ giữa cha mẹ và con cái chưa bao giờ thay đổi, dù có vật đổi sao dời. Công mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, đêm hôm chăm sóc, công cha cả đời vất vả ngược xuôi nuôi ta khôn lớn, trưởng thành. Cả những ngày nắng mưa, đau yếu cha mẹ cũng không quản ngại, tất cả cũng chỉ mong sao con mình có ăn, có mặc, lớn khôn bằng bạn bằng bè.
Có thể nói, trong các mối quan hệ con người, mối quan hệ cha mẹ và con cái là thiêng liêng nhất. Sự thiêng liêng không chỉ đơn thuần nằm ở mối quan hệ di truyền và huyết thống, mà đó còn là tất cả tình người, tính giáo dục, đạo đức của hai thế hệ, trước và sau, thế hệ sinh và thế hệ được sinh ra.
Hay nói rõ hơn, Đức Phật đã đưa ra tiêu chuẩn đối với một người con được gọi là hiếu đạo thì phải hội đủ cả hai mặt sự và lý. Sự là hình thức báo đáp bên ngoài, là lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm cho cha mẹ phiền lòng. Lý là chăm lo đời sống tâm linh cho cha mẹ. Hướng cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phước lành, tu theo chánh đạo; là làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhơn quả, thoát ngoài vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai.
Nói cách khác, một đời sống hiền thiện chính là hiếu hạnh, là phát tâm báo ân. Còn như làm điều tà ác, không tu dưỡng đạo đức là bất hiếu.
Ảnh minh họa |
Đức Phật dạy, cha mẹ như hai vị Phật trong nhà, thờ cha mẹ cũng chính là thờ Phật.
Người con nào phá vỡ mối quan hệ thiêng liêng này đối với cha mẹ, nghĩa là bất hiếu, báo đời, hại cha mẹ, làm mất thanh danh và truyền thống tốt đẹp của gia tộc, làm các việc phạm pháp... thì người con đó không còn là người con đúng nghĩa, mà chỉ là một người tội lỗi và đáng trách.
Một người dù mang thân phận gì, ở địa vị nào, nếu bất hiếu với cha mẹ thì không đủ tư cách làm người. Từ vua cho đến thứ dân, từ người trí thức cho đến kẻ không được học hành, từ người sang đến kẻ hèn, ai ai cũng do cha mẹ sinh ra mà có mặt trên cuộc đời này, không ai từ đất chun lên hay từ trên trời rơi xuống. Dù cha mẹ có xuất thân thấp hèn cũng là người đã tạo ra mình, nuôi mình nên hình nên vóc, nếu không có cha mẹ thì mình đâu có được ngày hôm nay.
Có người bảo rằng, do cha mẹ vui vầy hoan lạc mà sinh ra mình, mình là kết quả niềm vui ái ân của cha mẹ. Sinh ra thì phải nuôi vậy thôi, đều do cha mẹ tạo, sao lại kể công ơn? Những người như thế không nghĩ rằng, nếu không có tình thương yêu con, thì cha mẹ đâu nuôi con khôn lớn, dạy dỗ con nên người, làm mọi thứ chỉ vì lo cho con, muốn tốt cho con, luôn muốn con được sướng vui, hạnh phúc. Nếu không có tình thâm phụ mẫu đối với con, thì đâu cần phải mang nặng đẻ đau làm gì, có thể phá đi hoặc vì bất đắc dĩ mà sinh con ra vẫn có thể bỏ con, chứ không nuôi con khôn lớn nên người làm chi cho nhọc.
Theo lời Phật dạy, được làm người là một phước báo lớn lao. Thử hỏi nếu cha mẹ không cho ta cơ hội ra đời, ta rơi vào thai loài súc sinh nào đó thì làm gì ta có được thân phận một con người. Nếu ta tái sanh làm con trâu, con bò, con heo, gà vịt, chẳng phải là bi thảm lắm sao? Vậy lẽ nào ta không biết ơn cha mẹ?
Trên thế gian này cũng có bậc làm cha mẹ thiếu tình thương con, không làm tròn trách nhiệm đối với con, tuy nhiên không thể phủ nhận công ơn cha mẹ đã cho con vóc dáng hình hài, đã cho con cơ hội làm người mà không phải chúng sinh nào cũng dễ dàng có được. Vì thế không nên oán hận cha mẹ, không nên khinh rẻ, bạc đãi cha mẹ.
Lòng hiếu thảo chẳng những là bổn phận, là trách nhiệm đạo đức của người con đối với cha mẹ, mà còn là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu sau này noi theo. Một ngày kia ai cũng sẽ trở thành ông bà cha mẹ, khi ấy không ai muốn con cháu bất hiếu với mình, vong ân bội nghĩa đối với mình, và sẽ rất đau lòng khi nghe nói rằng: “Cha mẹ có công ơn gì chứ? Con cái chỉ là kết quả niềm vui ái ân hoan lạc của họ mà thôi!”.
Con cái đi khắp nơi, ăn chơi hưởng lạc mọi bề, nhưng khi vấp ngã và đau khổ nhất, ngoài cha mẹ còn biết tìm về ai? Vì thế, phận là con, luôn phải canh cánh trong lòng đạo lý về cha mẹ, "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ; Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha; Nước biển mêng mông không đong đầy tình mẹ; Mây trời lồng lộng không phủ kín tình cha...".