Nhiều giải pháp góp phần nâng cao đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay

GD&TĐ -Ngày 8/6, Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HC đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay”.

Chủ tọa hội thảo phát biểu
Chủ tọa hội thảo phát biểu

Hội thảo có hơn 170 đại biểu là những chuyên gia GD, nhà quản lý GD, nhà giáo và một số sinh viên, học sinh. Tại đây, có 150 báo cáo tham luận của hơn 200 tác giả là nhà giáo đã, đang nghiên cứu, công tác và giảng dạy ở 26 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các tham luận đã đi sâu nghiên cứu các vấn đề đạo đức nhà giáo đang được dư luận hết sức quan tâm:

Vai trò của đạo đức nhà giáo, những yêu cầu về phẩm chất đạo đức của nhà giáo, (vận dụng tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào xây dựng, nâng cao đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay);

Thực trạng đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay và những nguyên nhân;

Vai trò của các cấp quản lý giáo dục, các bên liên quan trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo, đạo đức nhà giáo từ góc nhìn và mong đợi của phụ huynh, học sinh và cộng đồng xã hội;

Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các kết quả nghiên cứu về đạo đức nhà giáo, các mô hình, kinh nghiệm về quản lý, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đạo đức cho đội ngũ nhà giáo trên thế giới và hướng vận dụng vào Việt Nam;

Các biện pháp cần thiết để nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh hiện nay…

Các đại biểu tham dự hội thảo
 Các đại biểu tham dự hội thảo

Kết luận hội thảo, PGS TS Hà Thanh Việt, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP.HCM nhấn mạnh: Để nâng cao đạo đức cho đội ngũ nhà giáo trước những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới GD&ĐT hiện nay, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, với sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau. Nhưng trước hết, bản thân mỗi nhà giáo phải luôn luôn tự ý thức được vị trí, vai trò, sứ mệnh cao cả của mình trước học sinh, đồng nghiệp và xã hội.

Cùng với sự vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, mỗi nhà giáo với lương tâm và trách nhiệm của mình: phải không ngừng tự rèn luyện, đủ bản lĩnh để đấu tranh, vượt qua chính bản thân mình, vượt qua những cám dỗ, những áp lực bon chen từ cuộc sống, để giữ gìn phát triển những phẩm chất cao đẹp của người thầy, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới GD nước nhà.

Chúng ta tự hào tin tưởng, vẫn còn đó hàng triệu những nhà giáo đã- đang lặng lẽ hy sinh thầm lặng để cống hiến cho sự nghiệp “trăm năm trồng người”.

Cả nước ta, biết bao thầy giáo, cô giáo đã và đang nhận về mình những thiệt thòi, đánh đổi tuổi thanh xuân, để mang tri thức và tình yêu thương đến thắp sáng tương lai cho lớp lớp các thế hệ học trò.

Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, ở bất kỳ xã hội nào người thầy cũng luôn dành được sự tôn trọng, vì người thầy là hình mẫu về đạo đức, về trí tuệ, về nhân cách, gắn liền với sứ mạng cao cả được xã hội gửi gắm trọn niềm tin yêu.

Phẩm chất đạo đức của nhà giáo không chỉ góp phần quyết định chất lượng dạy học, mà còn ảnh hưởng, tác động lâu dài đến sự phát triển toàn diện của các thế hệ học sinh, của tương lai đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ