Quyết học nghề đạo diễn
Việt Linh sinh năm 1952 tại Sài Gòn. Năm lớp 10 (1968), chị bắt liên lạc được với cha là nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Việt Tân đang ở chiến khu nên “trốn” lên đó xin làm… chị nuôi.
Từ 1971, Việt Linh đã viết được vài truyện ngắn in báo Giải Phóng trong chiến khu. Năm 1975, Sài Gòn giải phóng, chị được bố trí công tác tại Hãng phim Giải Phóng với công việc biên tập và biên kịch. Tuy vậy, hàng đêm Việt Linh vẫn đạp xe đến Trường Lê Quý Đôn học bổ túc cho đến khi tốt nghiệp lớp 12.
Năm 1980, Việt Linh được chọn đi du học Liên Xô, Khoa biên kịch. Nhưng qua bên đó, không biết do đâu, “tiếng gọi” của nghề đạo diễn hấp dẫn chị hơn, thế là Việt Linh đánh liều nộp đơn thi vào Khoa đạo diễn của Trường ĐH Điện ảnh Liên Xô (VGIK) và đậu.
Ngay từ năm 13 tuổi, đang là học sinh cấp 2 ở Sài Gòn, Việt Linh đã từng là “chủ trò” trong các hoạt động văn nghệ ở trường. Vậy nên, 5 năm học ở Liên Xô, chị cũng là cây bút, “nhà bình luận”, xông xáo trên các tờ báo tường của nhà trường.
Năm 1985, Việt Linh tốt nghiệp, về nước. Nóng bỏng đam mê nghề đạo diễn, không đợi lâu, ngay trong năm này, chị bắt tay thực hiện bộ phim đầu tiên trong đời: “Nơi bình yên chim hót” (kịch bản Lý Lan).
Con - người - đạo - diễn
Việt Linh thường nói vui về nghề (công việc) đạo diễn của mình: “Phải biết xả thân vì cuốn phim và cũng phải biết chọn một ông chồng biết xả thân vì… vợ”, hàm ý cho biết chị không mấy khi ở nhà, gần gũi chồng con. Và chính chồng chị cũng đã… hoảng thật sự khi lần đầu chứng kiến hình ảnh vợ mình ở trường quay, “đó là một… gã đàn ông chính cống!”.
Ra phim trường, Việt Linh thường hớt tóc ngắn, mặc quần soọc, lắm khi đứng hò hét trên mui xe tải hoặc ngồi trên chạc cây khuơ tay “điên cuồng”… Đến độ, nhiều người dân lúc đó đứng xem đã quay sang hỏi nhau “cái… thứ đạo diễn đó là đờn ông hay đờn bà vậy?”.
Lại có lần, trong một cuộc giao lưu với khán giả, có người hỏi: “Chị đi hoài như vậy, chồng con không nói gì sao?”, Việt Linh bức xúc trả lời: “Tôi hỏi anh, giữa một người vợ đi miên man nhưng khi về nhà thì rất đảm đang, và một người vợ ở nhà miên man nhưng không làm gì hết, thì anh chọn ai?” khiến cả khán phòng cùng bật cười thông cảm.
Việt Linh tâm sự: “Đạo diễn điện ảnh là một nghề (có thể) đem đến vinh quang, nhưng (chắc chắn) là có sự đào thải kinh khủng, thậm chí phũ phàng. Với đạo diễn nữ càng khó khăn gấp bội.
Nhiều lần tôi đến Tokyo, thường nghe các đồng nghiệp nữ xứ này than thở là rất khó hành nghề vì vẫn bị phân biệt giới tính, ít được tin cậy. Với một nước văn minh như Nhật Bản mà còn như thế, đủ thấy chúng tôi vất vả ra sao”.
Con người đời thường
Năm 1991, nhân đi dự Liên hoan phim ở Pháp, Việt Linh đã gặp gỡ một người rất đồng cảm với mình và chị quyết định tiến đến hôn nhân. Chồng chị cũng là người Việt, dù sinh ra và lớn lên, làm việc ở Pháp. Từ đó, chị luôn đi đi về về giữa hai nước Việt - Pháp để theo đuổi công việc làm phim.
Những chuyến đi như vậy đòi hỏi nhiều sức khỏe lẫn nghị lực, nhưng Việt Linh coi như là bình thường cũng chỉ vì niềm đam mê quá lớn đã chọn của mình. Chị nói đơn giản: “Tôi là con cá. Việt Nam là nước, Paris là không khí. Cá không thể sống thiếu hai thứ đó”.
Trong một bài báo, chị mô tả chỗ ở của mình trên đất Pháp: “Tôi ở tận tầng 19. Đây là điểm hay vì không bị tiếng ồn, ô nhiễm. Cửa sổ nhà tôi không bị án ngữ bởi khối bê tông nào nên tôi có thú vui hay phóng mắt để thấy mặt trời lên, thấy mặt trăng cheo leo giữa điệp trùng phố xá. Lại thấy sông Sein với 4 tòa nhà thư viện uy nghi, thấy cây cầu mới nhất mang tên nữ triết gia Simon de Beauvoir, thấy ngôi trường con gái đang học.
Nhưng có lần tôi không lấy làm thanh thản nữa. Tôi đã nhoài đầu từ lầu mình ra thật xa để nhìn xuống cho thấu tận phía dưới cùng…”.
Câu cuối cùng chị viết, ấy là khi chị nghe tin một cô dâu Việt Nam đã nhảy lầu tự vẫn bên xứ Hàn. Lần đó, chị đã nhìn xuống tận cùng phía dưới tòa nhà mình ở để thử đo độ cao chóng mặt từ cú nhảy “khủng khiếp” mà cô gái Việt Nam đã nhảy.
“Mê thảo”, bộ phim đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế của Việt Linh. |
Việt Linh là vậy. Chị nhạy cảm, biết đau nỗi đau của đồng loại. Có lần chị đã viết thư gửi trực tiếp cho Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang để kêu oan cho một người ở đây.
Thư được phản hồi, và qua đó, xử lý công bằng kịp thời. Chị tình thật: “Mỗi khi nghe người thân, bạn bè, ai đó gặp nạn, tôi thường tự nguyện… ăn chay một thời gian, như một sự cầu nguyện cho họ “tai qua nạn khỏi”. Viết thư, viết báo để đòi hỏi công bằng, sự thật cho người khác cũng là một cách… ăn chay của tôi.
Và tôi nói thật, ai có chút ít tên tuổi, uy tín xã hội, rốt cục, chính là để ‘xài’ cho việc đó đấy. Sự thật luôn có sức quyến rũ tôi trong khi làm phim cũng như trong đời sống thực tế”. (Trong chuỗi kịch bản phim truyền hình dài tập do chị biên kịch, có tập mang tựa đề Sự thật luôn quyến rũ).
Quê nội Việt Linh ở Bến Tre. Có lần chị nói: “Tôi muốn mình giống cây dừa quê nội tôi. Đó là một thứ cây bình dân, không quý giá gì nhưng hữu dụng, cái gì của nó cũng xài được, xài tận mạng. Tôi từng thấy có cây chết rồi mà còn được hạ xuống làm nhịp cầu nho nhỏ cho bọn trẻ đi qua”.
Qua đó, người ta dễ hiểu, tại sao khi làm phim chị đã rất “quyết liệt”, từ nội dung cho đến hình thức, và nhờ đó, đóng đinh được tên tuổi của mình.