Chương trình kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa: Ấn tượng, đậm chất sử thi

GD&TĐ - Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa dự kiến diễn ra tại quảng trường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa vào 20 giờ ngày 8/5/2019. Với không gian rộng, chương trình có thể phục vụ cho khoảng 20 ngàn người, được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài PTTH Thanh Hóa.

Hình ảnh Lễ hội Lam Kinh
Hình ảnh Lễ hội Lam Kinh

Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029-2019), nghệ sĩ Lê Quý Dương đã được tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa chọn làm tác giả kịch bản và Tổng đạo diễn chương trình lễ kỷ niệm.

Đạo diễn Lê Quý Dương từ lâu đã quen thuộc với những chương trình lớn. Ông từng viết kịch bản và dàn dựng cho hơn 50 lễ hội và sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giải trí tại Việt Nam và quốc tế. Tiêu biểu như các chương trình Lễ kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa; Lễ Kỷ niệm 310 năm Biên Hòa – Đồng Nai; Kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân và gần đây nhất là Lễ Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt – Hoa Lư, Ninh Bình. Thế nhưng, qua trò chuyện, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa là một chương trình đặc biệt khó nhưng rất thú vị”.

Tác giả, Tổng đạo diễn chương trình Lê Quý Dương
 Tác giả, Tổng đạo diễn chương trình Lê Quý Dương

Theo đạo diễn Lê Quý Dương: Tuy chọn mốc thời gian 990 năm Thanh Hóa nhưng để người xem hiểu được sự hình thành tên gọi Thanh Hóa trong một thời hạn 50 phút là điều cực khó. Thanh Hóa là nơi ngành khảo cổ học xác định là một vùng đất có tiến trình lịch sử hàng triệu năm gắn với sự xuất hiện của người Việt cổ. Thứ hai, chỉ riêng quãng thời gian 990 năm (1029 – 2019) từ khi tên gọi Thanh Hóa hình thành, văn hóa và lịch sử của Thanh Hóa đã là cả một kho tàng khổng lồ, trải qua nhiều triều đại gắn liền với dòng chảy của lịch sử dân tộc.

Từ nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Hậu Lê, nhà Trịnh nhà Nguyễn tới thời đại Hồ Chí Minh với hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ, thời kỳ hàn gắn các vết thương chiến tranh, tới thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển, Thanh Hóa đã thực sự trở thành “vùng đất căn bản” của nước Đại Việt hôm qua, của tổ quốc Việt Nam hôm nay.

Trong tiến trình lịch sử đó, biết bao danh nhân trên quê hương Thanh Hóa đã xuất hiện. Ví như: Bà Triệu, Lý Bí, Lê Hoàn, Đào Cam Mộc, Lê Lợi, Lê Phụng Hiểu, Lê Lai, Ngô Chân Lưu, Lê Văn Hưu,  Hồ Nguyên Trừng, Lê Thánh Tông, Nguyễn Hoàng, Đào Duy Từ, Lê Đình Kiên…

Để viết được kịch bản như yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Lê Quý Dương đã phải viết, chỉnh sửa tới 9 lần. Và từ nay cho tới khi diễn ra có lẽ còn phải sửa tiếp.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Thanh Hóa là vùng đất chất chứa nhiều vỉa quặng văn hóa và dấu ấn chính trị với lịch sử dân tộc.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Thanh Hóa là vùng đất chất chứa nhiều vỉa quặng văn hóa và dấu ấn chính trị với lịch sử dân tộc. 

Khi xem kịch bản của chương trình, phóng viên có hỏi đạo diễn Lê Quý Dương: Tại sao, trong kịch bản lại không đề cập tới thời kỳ xuất hiện chúa Trịnh, chúa Nguyễn. Đó là thời kỳ lịch sử đặc biệt của Việt Nam. Thứ hai, là nguồn gốc vua nhà Nguyễn xuất phát từ phủ Tống Sơn. Đó là một triều đại đầy biến động. Nhà Nguyễn cũng là triều đại mà định hình đất nước ta ngày hôm nay?. Lê Quý Dương cho biết: Đó là một ý kiến hay và anh sẽ cân nhắc khi biên tập lại lời bình.

Ban cố vấn thực hiện chương trình, ngoài lãnh dạo tỉnh Thanh Hóa còn có NGND Nguyễn Quang Vinh – Q. Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, Chủ tịch Hội KHLS Thanh Hóa TS. Lê Ngọc Tạo, Tổng thư ký Hội KHLS Thanh Hóa TS. Phạm Tấn, PGS. TS NGND Nguyễn Quang Ngọc, PGS TS Nguyễn Đức Nhuệ, PGS. TS Tống Trung Tín, PGS. TS Nguyễn Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam…

“Tỏa sáng cùng non sông đất nước” là chủ đề của chương trình. Chương trình huy động một lực lượng nghệ sĩ diễn viên với hơn 500 người. Sân khấu sẽ được thiết kế công phu, hiện đại. Đặc biệt hơn 2970 ống pháo hoa kỹ xảo sân khấu được chia thành ba lần trong chương trình, mỗi lần 990 ống tượng trưng cho Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa sẽ tạo điểm nhấn tỏa sáng rực rỡ cho chủ đề của chương trình.

Điểm đặc sắc của chương trình là không gian của sử thi, tông ánh sáng được sử dụng chủ đạo là màu vàng. Những trường đoạn hay như Thần Đồng Cổ hiển linh; Lý Thái tổ đọc Bình Ngô đại cáo…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.