Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Làm thế nào để xem một bộ phim?

GD&TĐ - Phan Gia Nhật Linh – đạo diễn trẻ của nhiều dự án phim thành công như “Em là bà nội anh”, “Cô gái đến từ hôm qua” đã có những chia sẻ thú vị về bộ môn nghệ thuật thứ bảy để khán giả "hiểu phim hơn”

Các nhân vật trong phim “Trạng Tí”. Nguồn: IT
Các nhân vật trong phim “Trạng Tí”. Nguồn: IT

Trải nghiệm cá nhân

Phan Gia Nhật Linh cho biết, trải nghiệm xem phim mang tính cá nhân. Bản thân người đạo diễn cũng không chắc chắn sau khi hiểu về các lý thuyết làm phim, thì người xem có thấy bộ phim hay hơn không.

“Trước đây, khi mình nghe ai tỏ ý chê bai một bộ phim mà mình thích, hoặc khen ngợi một phim mình không thích, mình sẽ lên tiếng tranh luận ngay. Nhưng sau này, mình thấy việc tranh cãi như vậy là không đúng, vì trải nghiệm xem phim của mỗi người là rất cá nhân.

Một điều quan trọng trước khi đến với một bộ phim, các bạn càng giữ cho mình sự vô tư bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, cứ chờ đợi bộ phim đem đến cho mình điều bất ngờ!”, đạo diễn cho biết.

Tuy nhiên, trailer, poster và những đánh giá của người xung quanh sau khi xem bộ phim đó có tác động rất lớn đến sự khách quan của người xem. Theo Phan Gia Nhật Linh, muốn có được trải nghiệm trọn vẹn, khi đã chọn được phim nào có hứng thú, các bạn nên đi xem suất đầu tiên.

Đa số người xem không có nhiều thời gian và trải nghiệm cảm xúc, nên họ chỉ muốn chọn những phim phù hợp với sở thích. Đạo diễn cho biết, cách đây nhiều năm, anh có đi xem một phim của Nhật Bản là Audition 1999 (Buổi thử giọng).

Ban đầu, anh tưởng nó là phim thể loại tình cảm lãng mạn (romance) nhưng nửa phim về sau đột ngột trở nên rất máu me, kinh dị (horror) và khá sốc. Tuy đánh giá sự sắp xếp này làm anh hứng thú, nhưng nhiều khán giả lại không thích sự bất ngờ kiểu như vậy. Họ chỉ thích xem một thể loại hoặc tình cảm hoặc kinh dị…

Theo anh, người xem cần tham khảo trước về thể loại phim, cũng như phong cách của đạo diễn và đặc biệt là dàn diễn viên sẽ tham gia trong phim để tránh thất vọng.

Không nên sa đà nếu chỉ muốn giải trí

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Ảnh: FB Nhân vật.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Ảnh: FB Nhân vật.

Công việc của người làm phim là thông qua nhiều kỹ thuật chuyên môn hướng người xem đạt đến cung bậc cảm xúc đúng với ý đồ của họ. Trong đó, ngoài những kỹ thuật bề mặt có thể dễ dàng nhận thấy được; có kỹ thuật chuyên sâu đòi hỏi khán giả phải có nhiều kiến thức về dựng phim mới có thể nhận ra, khi nhận thức được sẽ hiểu sâu hơn nhiều giá trị của cuốn phim.

Theo đạo diễn, gần đây có phim Parasite (Ký sinh trùng) đoạt giải Oscar vì ngoài những cảm xúc mang đến cho khán giả, nó còn xây dựng các hình ảnh ẩn dụ, khiến thông điệp phim muốn truyền tải nhiều hơn những gì hiện lên trên màn ảnh.

Muốn làm nên một bộ phim hay, trong khuôn khổ thời lượng giới hạn, người làm phim phải diễn đạt nhiều ý tứ hơn và để lại những thông điệp sâu sắc hơn với khán giả sau khi hạ màn. Người đạo diễn, biên kịch giỏi là không cần để nhân vật dùng thoại hoặc biểu đạt quá nhiều mà khán giả vẫn có thể cảm nhận nội dung.

Ngôn ngữ của dựng phim là ghép các cảnh quay sao cho mạch phim được triển khai thông suốt. Các cảnh quay có thể được quay ở nhiều địa điểm, thời gian không khớp nhau nhưng trải qua khâu cắt ghép hợp lí sẽ dẫn dắt khán giả theo đúng câu chuyện đang diễn ra trên màn ảnh. Ngôn ngữ điện ảnh thể hiện qua góc máy, âm thanh, ánh sáng, màu sắc. Muốn hiểu được hết thì bắt buộc phải học.

Phan Gia Nhật Linh ví dụ: “Phim Schindler’s List với màu đen trắng từ đầu đến cuối, duy chỉ có một màu sắc khác hiện lên, đó là bộ quần áo màu đỏ của một em bé gái. Đây là ngôn ngữ điện ảnh sử dụng màu sắc và bố cục tương phản.

Chiếc áo màu đỏ gây chú ý ngay lập tức. Hình ảnh một em bé nhỏ nhắn hiện lên trên phông nền đen u ám giữa những tay lính phát xít Đức tạo biểu tượng tương phản giữa sự ngây thơ, hồn nhiên đang đối mặt với sự đe dọa chết chóc!”.

Hiện nay, kỹ xảo điện ảnh ngày càng được dùng phổ biến. Lý giải về việc này, Phan Gia Nhật Linh cho biết, việc ứng dụng kỹ xảo làm cho khán giả cảm thấy “thật” hơn trong các cảnh quay khó. Vì vậy, nó hỗ trợ đắc lực cho các ngôn ngữ điện ảnh được sử dụng trong phim.

Vị đạo diễn cũng lưu ý những hiểu biết về chuyên môn kỹ thuật chỉ nên dừng ở mức độ cần thiết để có đủ phương tiện khám phá giá trị của cuốn phim cũng như nhìn nhận công sức của những người trong ê-kíp sản xuất.

Trừ khi muốn theo nghề làm phim, còn không thì không nên tìm hiểu quá cặn kẽ. Với tư cách một đạo diễn, khi thấu hiểu mọi ngóc ngách trong ngành, bản thân anh cũng dần mất đi cơ hội để thưởng thức phim. Lời khuyên đối với khán giả là không nên tự “giết chết cảm xúc” – thứ quan trọng nhất để thưởng thức trọn vẹn một cuốn phim.

Chủ đề - linh hồn của phim

Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, chủ đề là thứ định hướng cho người làm phim về khả năng sáng tạo. Còn với khán giả, chủ đề giúp cho họ, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới khi xem cũng có thể hiểu được ý nghĩa, thông điệp của bộ phim.

Điều khá thú vị, theo đạo diễn, là các cuốn phim của Hollywood đều có chủ đề theo công thức như một bài tập làm văn nghị luận gồm: Mở bài – thân bài – kết luận.

Phần “mở bài” là phần họ giới thiệu câu chuyện, thường giới hạn trong 10 - 15 phút đầu. Phần “thân bài”, họ dùng tất cả các kỹ thuật để tạo ra cảm xúc vui, buồn, sợ hãi… cho khán giả. Tất cả đều xoay quanh câu chuyện mà họ đã đưa ra ở phần mở bài. Đến “kết bài”, họ đưa ra cái kết cho câu chuyện đó.

Anh lấy ví dụ trong phim hoạt hình Coco ra mắt năm 2017, phần đầu phim diễn ra trong 15 phút, chúng ta nhận ra một cậu bé có niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc nhưng bị gia đình ngăn cấm, cậu quyết tâm theo đuổi đam mê vì cho rằng nó quan trọng hơn gia đình.

Phần giữa phim mô tả hành trình cậu can đảm theo đuổi đam mê, nhiều lúc gây cho khán giả cảm giác thán phục. Chẳng may bị lạc vào thế giới của linh hồn và khi cậu phải tìm mọi cách để trở lại dương gian, chính những người quá cố trong gia đình cậu đã hết lòng giúp đỡ. Phần kết là bài học vô cùng thấm thía: Tình cảm gia đình lúc nào cũng vô giá!

“Từ việc khám phá và giải mã được chủ đề, chúng ta sẽ khai thác được các hình ảnh, nội dung, tình tiết bị ẩn dụ hóa, qua đó tìm ra các thông điệp của tác giả và có buổi xem phim thú vị hơn!” – đạo diễn Nhật Linh kết luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.