Cuộc sống áp lực, khán giả càng thích xem phim ngôn tình Hàn Quốc?

Cuộc sống áp lực, khán giả càng thích xem phim ngôn tình Hàn Quốc?

"Làn sóng Hàn" từng bị biểu tình tại Nhật Bản

Khi làn sóng Hallyu của Hàn Quốc lan truyền khắp châu Á mà sự khởi đầu từ dòng phim tâm lý tình cảm, tại Nhật Bản đã có những cuộc biểu tình phản đối, yêu cầu hạn chế phát sóng các bộ phim này.

Đỉnh điểm nhất là cuộc biểu tình của hơn 2.000 người dân Nhật hồi năm 2011 đã tập trung trước đài FuJi TV ở Odaiba để biểu tình, đề nghị ngưng phát sóng các bộ phim của Hàn Quốc và thúc đẩy sự phát triển của các bộ phim Nhật Bản.

Người châm ngòi phản đối Hallyu là ngôi sao nổi tiếng Nhật Bản Sousuke Takaoka. Chứng kiến việc hâm mộ thái quá của khán giả với phim và diễn viên Hàn, ngôi sao này đã lên tiếng cảnh báo, đồng thời đề nghị các đài truyền hình hạn chế bớt các chương trình của Hàn Quốc.

"Tôi không biết đất nước mình đang sống là Nhật hay Hàn nữa đây", anh nói. Anh cũng cho rằng, người dân Nhật đang bị "tẩy não" bởi làn sóng Hallyu.

Tại Việt Nam, các bậc phụ huynh cũng từng lo ngại không ít về làn sóng Hallyu khi thấy con em mình hâm mộ đến mê muội các thần tượng K-pop. Tuy nhiên, sự phản đối này đã không ngăn cản được sức công phá của làn sóng Hallyu, bao gồm cả phim ảnh và âm nhạc Hàn Quốc.

Mặc dù các bộ phim truyền hình của Hàn Quốc đều ngợi ca tình yêu đẹp đẽ, đề cao giá trị gia đình nhưng có một thực tế, đất nước này không phải là một quốc gia hạnh phúc điển hình.

Sở dĩ bộ phim "Ký sinh trùng" của Hàn Quốc làm khuynh đảo các giải thưởng danh giá của Cành cọ vàng hay Oscar 2019 là bởi đạo diễn Bong Joon-ho đã phơi bày một hiện thực phân hóa giai cấp đang tồn tại rõ nét trong xã hội Hàn Quốc, chứ không đi theo lối cũ là ca ngợi tình yêu hay vẻ đẹp của truyền thống văn hóa.

Thế nhưng từ lâu, người Hàn Quốc đã cố gắng che đậy khuynh hướng đó và "Ký sinh trùng" cho thấy rõ sự thật tệ hại đằng sau lớp vỏ bọc hào nhoáng.

Không phân định rõ ràng thiện ác, tốt xấu, đạo diễn Bong Joon-ho đã kể câu chuyện châm biếm về cả người giàu lẫn người nghèo.

Theo ông, không chỉ người nghèo mà tầng lớp giàu có cũng là một dạng ký sinh trùng. Bong Joon-ho giải thích: "Trong phim, gia đình giàu có chính là những người kéo gia đình nghèo khổ ra khỏi tổ ấm. Họ chẳng thể tự mình làm gì, mà phải phụ thuộc vào người khác để rửa bát, lái xe, làm các công việc lặt vặt… Xét trên góc độ sức lao động, người giàu cũng là một dạng ký sinh trùng".

Ngoài vấn đề này, Hàn Quốc cũng nằm trong top đầu các nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Thậm chí tự tử đã trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trong nhóm người dưới 40 tuổi tại quốc gia này.

Truyền thông nước này đã liệt kê hàng loạt nguyên và một trong số đó là đời sống đô thị ngày càng trở nên bức bối và nhiều áp lực, nhất là với những người trẻ tuổi. Tuy nhiên cho đến nay, những bộ phim nổi tiếng được khán giả châu Á biết đến lại không có những phim về các bi kịch nhức nhối này.

Cuộc sống càng áp lực, khán giả càng thích ảo?

Cuộc sống áp lực, khán giả càng thích xem phim ngôn tình Hàn Quốc? - Ảnh 2.

Ký sinh trùng là số ít phim vượt ra khỏi mô-típ, lột tả bộ mặt hiện thực xã hội Hàn Quốc.

Có một kiến giải rằng sở dĩ những vấn đề bức bối ít được đề cập, hoặc có nhưng không thu hút là bởi, cuộc sống càng áp lực càng khiến cho các bộ phim truyền hình Hàn Quốc trở nên ảo.

Thế giới trong phim Hàn Quốc phần nào được tô hồng khi có quá nhiều câu chuyện về tình yêu lý tưởng vượt qua mọi định kiến và khoảng cách giàu nghèo, hay câu chuyện thành công của những người xuất thân từ dưới đáy xã hội.

Bởi vì phần đông khán giả truyền hình là phụ nữ, nên phim truyền hình rất chú trọng kể chuyện theo cách nhìn và ước vọng của phái nữ. Ở dòng phim tâm lý tình cảm hay phim thần tượng, các đạo diễn luôn theo đuổi mô-típ nhân vật nữ chính thường có nhiều khuyết điểm, xuất thân nghèo khó nhưng lại luôn được các anh chàng đẹp trai, tài giỏi, nhà giàu theo đuổi.

Không những thế, nhiều khi nữ chính còn có tới hai anh chàng trai như vậy theo đuổi và giành giật nhau, tạo nên mối tình tay ba đầy gay cấn. Nếu gặp phải một anh chàng nhà giàu ham chơi, xấu tính, nữ chính sẽ cảm hóa thành người đàn ông mẫu mực.

Nhiều bộ phim thành công như: "Ước mơ vươn tới một ngôi sao", "Giày thủy tinh", "Trái tim mùa thu", "Chuyện tình Paris", "Vườn sao băng", "Những người thừa kế"… đều đi theo mô-típ này và đều thành công.

Là người từng sống tại Hàn Quốc và viết nhiều kịch bản phim truyền hình, TS Đặng Thiếu Ngân - Giám đốc Đối ngoại của Naver Việt Nam nhìn nhận về lý do khiến người Hàn yêu thích dòng phim tình cảm lãng mạn: "10 năm trước. Hàn Quốc có tỷ lệ ly hôn thuộc nhóm đầu khu vực.

Cuộc sống, công việc ở đất nước này khá khắc nghiệt nên việc phim ảnh khắc họa nhiều về tình yêu lãng mạn, không hẳn là khác biệt với thực tế. Đó là đi tìm cái khác với ngoài đời mà trong sự khó khăn, phải vật lộn với cuộc sống, người Hàn vẫn luôn đề cao trách nhiệm với bản thân, với xã hội nên kiểu xem nhiều "gương người tốt việc tốt" - đồng cảm với các nhân vật trên phim thì trong hay sau lúc căng thẳng nhất, họ vẫn giữ được sự lãng mạn vốn có của mình".

Ngoài ra, theo TS Đặng Thiếu Ngân: "Người tình cảm mới thích xem hay nghe những gì tình cảm chứ khô khan mà cứ đối diện với sến sẩm sẽ không chịu nổi đâu. Với những gì tôi biết, phim Hàn Quốc phản ánh khá trung thực về tâm lý, tâm tư tình cảm của người Hàn. Thực tế người Hàn khá lãng mạn.

Nếu yêu nhau, họ yêu và biểu đạt như trên phim thật chứ không cường điệu hoá. Tình yêu, với người Việt Nam mình nếu thật sự yêu nhau, được ủng hộ hay không thì cũng có những mối tình màu hồng, ngọt ngào hay cay đắng, chua xót y như trong phim Hàn thôi. Vì chúng ta ít các phim đưa tình yêu điển hình lên phim ảnh mà thật thành công, để ai cũng như thấy mình trong đó.

Có vẻ người Việt Nam ngại bộc lộ công khai, yêu đấy, đau đấy nhưng không phải lúc nào cũng kể thật, khóc ầm ĩ hay điên cuồng như Hàn Quốc. Vì thế có thể nói, phim Hàn không tô hồng, lãng mạn hoá tình yêu. Họ chỉ làm rất tốt việc truyền tải yêu là thế nào, với rất nhiều tình huống để khán giả như tìm thấy bản thân họ hay tìm thấy khát khao của họ".

Những khó khăn phim Việt

Nhìn sang phim Việt, TS Đặng Thiếu Ngân cho rằng: "Phim Việt mấy năm gần đây quá xuất sắc. Tôi có nhiều dịp làm việc cùng các Biên kịch và ê-kíp sản xuất phim của Hàn Quốc thì thấy họ cũng không có khoảng cách quá xa với chúng ta.

Hạn chế của phim Việt, chỉ bởi chúng ta chưa có được sự đầu tư khủng, mọi khâu bổ trợ cho biên kịch, đạo diễn, diễn viên chỉ ở mức vừa vừa. So với Hàn Quốc thì là mức khiêm tốn lắm. Thêm nữa, còn là vấn đề chính sách quản lý liên quan đến lĩnh vực này. Hàn Quốc họ hạn chế tối đa phim nước ngoài, tập trung phát triển phim trong nước nên dân xem liên tục, xem mãi cũng thành hâm mộ.

Nói chung, cái thiếu của chúng ta là sự chuyên nghiệp về đầu tư đồng bộ, chứ không phải thiếu kịch bản hay thiếu diễn viên giỏi nghề".

TS Đặng Thiếu Ngân nói: "Ví dụ thay bằng mức chi phí 10-15 triệu đồng/1 tập phim, biên kịch nhận được 200-250 triệu đồng/tập (như mức biên kịch hạng B ở Hàn) hay diễn viên, nhận 4-5 tỷ đồng tiền thù lao cho 1 tập phim như sao hạng A- (chưa phải sao hạng A+) thì chắc chắn ngành công nghiệp giải trí của chúng ta đã thay đổi, nhiều tiềm năng để sánh vai với các cường quốc phim ảnh khác.

Nhưng hiện tại, người viết muốn sáng tác hay mà còn phải trăn trở viết sao để ê -kíp còn kiếm được bối cảnh, đạo cụ, mượn hay thuê cho thật tiết kiệm, rồi muôn vàn khó khăn khác dành cho đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất... thì tạm thời mình chưa mơ được "hạ cánh" vào thành công như phim Hàn đã và đang có.

Nói đơn giản nhất, là muốn đạt được thành công như phim truyền hình Hàn Quốc, phim Việt cần được đặt trong bối cảnh chuyên nghiệp thật sự. Ở đó, không chỉ những người làm nghề cần đầu tư về sự chuyên nghiệp mà chính khán giả cũng cần thay đổi thói quen, dành nhiều ủng hộ hơn cho phim ảnh nước nhà.

Tất nhiên, bài toán con gà và quả trứng, phim có hay thì khán giả mới xem. Nhưng có nhiều đầu tư, nhiều cơ hội thì phim mới hay, diễn viên mới trở nên diễn giỏi...".

Theo Giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ