Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: Sáng tạo mới trên nền di sản, không dễ!

GD&TĐ - Trò chuyện cùng Báo Giáo dục & Thời đại về hành trình mới này, Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, việc sáng tạo mới trên nền di sản, không dễ!

Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp trao đổi với đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama. Ảnh: Nguyễn Hoàng Việt.
Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp trao đổi với đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama. Ảnh: Nguyễn Hoàng Việt.

Dù lần đầu đứng vai trò là nhà sản xuất kịch với vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” song nhà sản xuất, đạo diễn phim điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp đã gặt hái không ít thắng lợi: Quy tụ được dàn nghệ sĩ tài năng, “cháy” vé những đêm công diễn…

Trò chuyện cùng Báo Giáo dục & Thời đại về hành trình mới này, nữ nghệ sĩ cho rằng, việc sáng tạo mới trên nền di sản, không dễ!

Cũng đủ để hài lòng

- Thường người ta chỉ nói đến nhà sản xuất phim, nay có thêm nhà sản xuất kịch (sân khấu). Và hình như đây là lần đầu một vở kịch như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được công diễn từ một nhà sản xuất là đạo diễn phim điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp, thưa chị?

Đạo diễn phim Nguyễn Hoàng Điệp: Vâng, tôi vốn là người làm điện ảnh, bên điện ảnh thì vai trò của nhà sản xuất được xác lập cũng khá rõ ràng và có ý nghĩa quyết định. Tôi nghĩ, sân khấu Việt Nam luôn có các anh chị đã - đang đảm nhiệm vai trò này, chẳng qua là chưa gọi tên lên thôi.

Còn với cá nhân tôi, làm cái gì tôi cũng nghĩ mình đang làm một bộ phim thì áp dụng mô hình của điện ảnh độc lập sang sân khấu nên tự thấy mình nên đảm trách nhiệm vụ của một nhà sản xuất là hợp lý.

- Chị đã chọn và trao niềm tin vào ê-kíp sáng tạo như thế nào?

Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp giới thiệu vở kịch 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' phiên bản 2024 trước giờ mở màn. Ảnh: Đỗ Hoàng Hải Anh.

Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp giới thiệu vở kịch 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' phiên bản 2024 trước giờ mở màn. Ảnh: Đỗ Hoàng Hải Anh.

Tôi không chọn hay trao niềm tin đâu. Chính ê-kíp sáng tạo, từng người một, họ đã xuất hiện bằng cách này hay cách khác, ở rất nhiều thời điểm trong cuộc đời tôi, và tôi khi cần, thì xâu chuỗi lại, bằng một “sợi chỉ đỏ” vốn đã có nhiều tình cảm - hoặc nghĩa tình từ trước đó.

Có một vài người mới đến sau này, ban đầu xộc xệch một chút, tôi cũng sẽ từ từ tìm thử xem, có sợi chỉ nào mảnh mai kết nối giữa tôi và họ. Tôi coi trọng giá trị của tình thân, thích được đảm bảo bằng những đánh giá từ thân quen, từ trải nghiệm đã cùng có với nhau trực tiếp hoặc gián tiếp.

Kiểu người Việt Nam mình thế, làm việc với ai đó là vì ai đó đã từng quen ai đó đã từng làm gì đó cho ai đó liên quan đến mình. Nghe có vẻ thiếu sắc sảo và thiếu sự lạnh lùng cần thiết của “làm việc” đúng không? Nhưng sáng tạo mà chỉ biết “vào việc” thì chán lắm.

- Chị hài lòng với kết quả của dự án chứ?

Với giai đoạn 1 là RA MẮT - tôi vui lắm. Các nghệ sĩ muốn được diễn với đông đảo khán giả. Đạo diễn muốn được chào sân bằng dạm ngõ kịch Lưu Quang Vũ. Ê-kíp ước bán được vé. Tình nguyện viên muốn được cống hiến và ghi nhận.

Các nhà tài trợ muốn dự án nghệ thuật mà họ ưu ái được công chúng đón nhận và tạo dư luận tốt. Nhà hát muốn sáng đèn, muốn khán giả đến trong tinh thần nghệ thuật...

Khán giả muốn được tiếp sức cho nghệ sĩ, khán giả muốn đã mua vé thì vở diễn phải hay... Ai cũng muốn một điều gì đó. Và ai cũng đạt được điều mình muốn. Với một nhà sản xuất, tôi cho là cũng đủ để hài lòng.

- Cá nhân chị góp ý tưởng với dự án như thế nào?

Tôi là người khởi xướng dự án này, với mục đích rất cụ thể tự mình đề ra là đưa kịch Lưu Quang Vũ ra thế giới. Nên ngoài việc chịu trách nhiệm về tài chính, vận hành, nhân sự... tôi đương nhiên phải có trách nhiệm trong việc xây dựng ý tưởng.

Anh Lưu Quang Vũ là một trong những thủ lĩnh tinh thần của tôi, dựng vở của anh với tôi là điều cực kỳ mệt - chứ không dễ như người khác nghĩ, rằng Điệp làm kịch Lưu Quang Vũ là quá thuận rồi.

Khi bạn nghiên cứu và yêu mến một cái gì, một ai đó quá nhiều... bạn sẽ hiểu cái sự mệt của sáng tạo mới trên nền di sản kia. Cái may mắn của tôi là những người cộng sự đồng hành, thật sự họ đều là những người (trước tiên là) bạn - nhưng cũng là thầy của tôi.

Tôi đưa ý tưởng - họ nhân lên - tôi đi theo họ và tôi thấy ý tưởng đã được nâng đỡ bằng không chỉ nhiệt huyết (thứ cần nhưng không bao giờ là đủ cho nghệ thuật) mà còn bằng tài năng thứ thiệt!

Đủ cả hoa hồng và chông gai

- Với một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, từ lúc khởi công đến khi công diễn vở mới dài lắm chừng 3 tháng, có khi còn chưa đầy một tháng. Còn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Se sẽ chứ - Ơ kìa Hà Nội kéo dài đến hơn một năm (từ tháng 10/2022 và vắt sang tháng 1/2024). Vì sao lại đằng đẵng thế, thưa chị?

Nếu nói chính xác nó còn dài hơn thế, từ khi tôi ngồi vỉa hè với Tsuyoshi Sugiyama, lúc ấy vừa đạo diễn xong vở “Cậu Vanya” đi thi liên hoan sân khấu thể nghiệm – chịu không nhớ được năm nào.

Nhưng mà thôi, kể nhiều, và kể dài nó cũng không để làm gì, chúng tôi dựng “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” quả... không giống ai. Đấy là nếu so sánh với bên sân khấu. Còn tôi là người của điện ảnh.

Tôi đã quen với việc một dự án phim có số phận kéo dài – dài mãi – thậm chí đến khi mất hút rồi vẫn chưa xong. Nên anh chị em làm sân khấu có thể ngạc nhiên, chứ tôi thì... cũng thấy bình thường.

Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp xúc động khi được con trai cả lên tặng hoa và nhận xét vở kịch 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' hay và nhiều bài học ý nghĩa, sâu sắc. Ảnh: Nguyễn Hoàng Việt

Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp xúc động khi được con trai cả lên tặng hoa và nhận xét vở kịch 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' hay và nhiều bài học ý nghĩa, sâu sắc. Ảnh: Nguyễn Hoàng Việt

Nó đằng đẵng vì nó không thể nào khác được. Tôi nghèo tiền. Các bạn tôi, đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama, dịch giả Dạ Hương, NSƯT Chiều Xuân, Kim Oanh, Hoàng Tùng, Xuân Tùng, Đinh Hương Thủy, Nguyễn Trường Khang, Tạ Mạnh Hoàng, Bùi Thanh Lê, Giàng A Hirota, nhạc sĩ Tuấn Nghĩa... mọi người cũng không khá hơn là mấy. Nên dự án này phải vận hành kiểu khác. Khi đã không có tiền thì bạn lại phải có rất nhiều tài – tình.

- Nhìn lại, thành công của dự án “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được “xây” từ thảm đỏ hoa hồng hay những gập ghềnh chông gai, thưa chị?

Chúng tôi có cả 2. Hoa hồng và thảm đỏ thì ê-kíp này nhiều người nếm trải không đến nỗi hàng ngày nhưng hàng năm thì đúng là có. Còn gập ghềnh thì số phận bày ra chưa đủ, chúng tôi còn tự đào hố cho đường mình đi thêm chông gai nữa.

Làm nghệ thuật nó thế, nhiều cách để đến đích, nhưng đích đến không phải cái mình cần nhất. Đường đi với nhiều lột xác xứng tầm mới là điều mình vì thế mà lăn lộn.

- Chị có đơn độc (cả về tài chính và nhân lực) khi lao vào hành trình này không?

Có lúc tôi khá là tuyệt vọng. Nhưng khi làm việc mà có “gia đình” bên cạnh thì nó cũng khác. Vào một vài lúc quan trọng, dần dần các nhà tài trợ xuất hiện, tiếp sức cho chúng tôi: Quỹ giao lưu văn hoá Nhật Bản, Tập đoàn Geleximco, bên Vietshow, rồi các nhà tài trợ cá nhân (nhất định không chịu nêu tên)... Nên cuối cùng thì dự án độc lập nhưng không cô độc.

- Cảm xúc của chị khi 3 đêm công diễn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” cháy vé, dù thời tiết ở Hà Nội khá lạnh và mưa?

Ngày trước, Ơ kìa Hà Nội - Se sẽ chứ làm gì thường rất dễ bị mưa nên tôi sợ mưa lắm. Lần này, cháy vé nhanh quá... tôi chả sợ gì mưa bão nữa. Đúng là hào quang chỉ người bán vé nhân dân mới thấu hiểu.

- Bài toán doanh thu của dự án đạt kết quả như thế nào, thưa chị?

Tôi làm kiểu rất sơ sơ. Nghĩa là áng rằng mình cần bán vé thu về bao nhiêu để đủ trả các chi phí. Dư ra ta gọi là lãi. Tôi thậm chí vứt luôn bảng dự trù kinh phí sang một bên, vì nhìn nó ám ảnh lắm. Tóm lại khi cháy vé 3 đêm, nghệ sĩ và nhân sự của chúng tôi có lương - có catse. Và nếu đây là một dự án đầu tư thì CHÚNG TÔI CÓ LÃI.

- Nhiều khán giả tỏ ý tiếc vì chưa kịp đặt chỗ hoặc lỡ hẹn với “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” dịp này hoặc có người còn mong vở diễn đến với phương Nam. Chị thấy sao và có dự định hò hẹn mới chứ?

Chúng tôi sẽ tiếp tục diễn ở Hà Nội là chắc chắn. Sẽ rất sớm thôi. Lưu diễn cũng chắc chắn luôn. Cũng không quá muộn ạ. Đó là kế hoạch ngay từ đầu của dự án Se sẽ chứ.

Ba đêm diễn vừa qua, khán giả Hải Phòng lên Hà Nội xem nhiều, khán giả từ Sài Gòn bay ra xem nhiều (bất chấp giá vé máy bay cao ngất ngưởng) nên tôi hi vọng mọi việc sẽ được xúc tiến sớm.

- Vốn là đạo diễn, nhà sản xuất phim nhưng mấy năm qua, từ Se sẽ chứ dường như chị đang bước vào để làm “bà đỡ” cho sân khấu với vai trò là nhà sản xuất?

Tôi vẫn là người của điện ảnh thôi. Nhưng điện ảnh tự thân nó đã là ngành nghệ thuật có sự giao thoa liên ngành bậc nhất nên việc tôi hay các nhà làm phim khác chu du sang các địa hạt như văn chương, sân khấu, hội hoạ, nhiếp ảnh... là chuyện thường tình.

Tôi mong tiếp thêm “bằng chứng sống” cho các anh chị em diễn viên tự tin để chân cứng đá mềm theo nghề. Mong có thêm những thuận lợi cho đạo diễn tôi rất yêu quý - Sugiyama. Cậu ấy và các nghệ sĩ tài năng, họ xứng đáng được thoải mái cuốc cày trên cánh đồng sáng tạo trù phú và nhiều trái ngọt, nhiều lợi tức từ những mùa màng bội thu.

Vở kịch 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' sẽ tiếp tục diễn ở Hà Nội và lưu diễn trong thời gian tới. Ảnh: Mai Thương

Vở kịch 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' sẽ tiếp tục diễn ở Hà Nội và lưu diễn trong thời gian tới. Ảnh: Mai Thương

- Chị có định mở rộng vòng tay với nhiều loại hình, nhiều vở diễn khác của sân khấu?

Sau này, kịch mục của ê-kíp sẽ khá đa dạng. Tôi có một ý tưởng rất hay nhưng mà làm xong phim 1982 trước đã, chúng tôi sẽ triển khai.

- Nếu có, chị có thể tiết lộ đôi điều về dự án mới?

Phim 1982 tôi sắp làm là bộ phim về Hà Nội tôi yêu, câu chuyện xoay quanh một gia đình nhiều thế hệ. Một người mẹ mất dần kí ức đột nhiên đi lạc. Những người con sợ bị lãng quên cố gắng liên kết lại trong một hành trình tìm MẸ mà thực ra là tìm lại bản thể của mình và hàn gắn những nứt vỡ toang hoác vô hình.

Đỗ Thị Hải Yến của “Người Mỹ trầm lặng”, “Chuyện của Pao”, “Chơi vơi”, “Cha và con và...” sẽ là diễn viên trung tâm. Thùy Anh của “Đập cánh giữa không trung” cũng sẽ xuất hiện và một số diễn viên của vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” sẽ tham gia các vai chính trong phim như NSƯT Chiều Xuân, diễn viên trẻ Nguyễn Trường Khang... Nói chung, tôi sắp được làm phim với những người tôi yêu quý.

- Trân trọng cảm ơn đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp!

“Anh Lưu Quang Vũ luôn nói rằng “cuộc đời ghê gớm và đầy lý thú này”... Tôi cũng nghĩ thế đấy. Những việc ta làm trong cuộc đời này nó cũng bé như hạt cát, thoáng nhẹ như áng mây bay... Tôi làm vì đến lúc cần làm. Còn sự tiên phong tôi không dám nhận, bởi đã có nhiều anh chị em thực hiện trước đó rất nhiều” - Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ