Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải không muốn 'dựa hơi' người cha nổi tiếng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Là con trai của NSND Bùi Đình Hạc, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải có nhiều lợi thế để đến với nghề nhưng anh không muốn 'dựa hơi' cha.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và chúc Tết gia đình NSND Bùi Đình Hạc năm 2014 (NSƯT Bùi Trung Hải ở ngoài cùng bên phải). Ảnh: NVCC.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và chúc Tết gia đình NSND Bùi Đình Hạc năm 2014 (NSƯT Bùi Trung Hải ở ngoài cùng bên phải). Ảnh: NVCC.

Nhiều tâm huyết và giàu sức sáng tạo, anh muốn tìm cho mình một lối đi riêng, hoàn toàn độc lập để có những bộ phim ghi dấu ấn trong lòng công chúng.

Hai cha con cùng làm phim

NSƯT Bùi Trung Hải kể, tốt nghiệp THPT Chu Văn An (Hà Nội), mặc dù trúng tuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm cao, thừa tiêu chuẩn để đi học nước ngoài nhưng với sự động viên của cha, anh đã chuyển sang học Khoa Quay phim ở Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia toàn liên bang tại Mát-xcơ-va.

Đây là trường điện ảnh có truyền thống hàng đầu thế giới với rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi tầm cỡ quốc tế giảng dạy. Ở đó, anh đã được tiếp xúc với những trào lưu hiện đại của điện ảnh thế giới, như: Làn sóng mới (Pháp), Tân hiện thực (Ý) và dòng phim “tác giả” cách tân, đặc trưng của thời kỳ đó…; những phim của các đạo diễn, tác giả lớn, như: Michelangelo Antonioni, Federico Fellini, Igmar Bergman...

Ở Nga khi đó đang diễn ra làn sóng “cải tổ” nên sự tiếp xúc với các trào lưu điện ảnh trên thế giới rất rộng, là cơ hội tốt để anh tìm hiểu, học hỏi chuyên môn. Tất cả kiến thức được học nơi đất khách đã được anh gói ghém trong “Cỏ lau” – bộ phim đầu tiên anh làm trên vai trò quay phim khi về nước và cũng là bộ phim giành giải Nhất “Ngọn Đuốc Vàng” tại Liên hoan phim Quốc tế Bình Nhưỡng (1994).

Dường như càng đi sâu vào điện ảnh càng khiến Bùi Trung Hải mê mẩn và muốn sáng tạo trên nhiều vai trò. Không muốn dừng lại là một quay phim, anh tiếp tục theo học đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Năm 2012, anh tốt nghiệp khóa học đạo diễn với phim ngắn “Mưa mùa hạ” được quay bằng phim nhựa 35mm.

Bộ phim đã được tuyển chọn vào chương trình tranh giải chính thức của Liên hoan phim ngắn lớn nhất nước Pháp và cũng là hàng đầu thế giới Clermont-Ferrand. Đi “bằng hai chân”, vừa là đạo diễn, vừa là quay phim, Bùi Trung Hải tiếp tục bộc lộ tài năng, nhất là trong bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm”.

Trong phim, NSƯT Bùi Trung Hải là quay phim chính và đạo diễn thứ 2 còn đạo diễn chính là NSND Bùi Đình Hạc. Bộ phim này giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2004 và được chọn mời tham dự nhiều Liên hoan phim lớn trên thế giới.

Khi làm phim “Hà Nội 12 ngày đêm”, được trực tiếp làm việc với cha trong thời gian dài đã giúp Bùi Trung Hải được học hỏi nhiều điều từ ông. Đó là niềm đam mê, sự tinh tường, nhạy cảm, bản lĩnh nghệ thuật sâu sắc, sự kiên trì, không lùi bước trước khó khăn thử thách...

Trong nghề nghiệp, anh đặc biệt thán phục người cha về khả năng dựng phim rất đa dạng, sáng tạo; dựng phim theo cảm xúc, tạo cao trào mạnh mẽ, gây được sự đồng cảm sâu sắc cho người xem.

“Ông có cách nhìn đa chiều, nhấn mạnh tính đời thường, đi vào tình cảm con người trong từng chi tiết, câu chuyện nhỏ... và đặt những câu chuyện cá nhân đó trong cả tầm nhìn chiến lược của câu chuyện, của dòng chảy lịch sử lớn mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế”, NSƯT Bùi Trung Hải bày tỏ.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải trao đổi với diễn viên khi làm phim 'David and Luisa'.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải trao đổi với diễn viên khi làm phim 'David and Luisa'.

Bộ phim vẫn bỏ ngỏ

Không chỉ thành công với vai trò quay phim, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải còn lấn sân trên vai trò là tác giả kịch bản. Đơn cử như bộ phim “Khi nắng thu về” (ra mắt năm 2007), anh vừa là đạo diễn vừa là tác giả kịch bản.

Bộ phim sau đó đã được tặng giải Remi Vàng cho phim truyện dài đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim Houston (Mỹ, 2008), được chọn vào danh sách đề cử cho Phim xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế tại California (Mỹ, 2009)…

Bộ phim đến với nước Mỹ cũng là cơ duyên để anh thấy sự cần thiết phải nắm bắt được phương pháp làm phim của điện ảnh Mỹ. Từ năm 2010 anh được nhận học bổng danh giá Fulbright của Chính phủ Mỹ để theo học chương trình Thạc sĩ Nghệ thuật về làm phim (MFA in Filmmaking) tại Học viện Điện ảnh New York (New York Film Academy) tại Los Angeles (Mỹ).

Thời gian này, anh đã làm rất nhiều phim ngắn với các đồng nghiệp Mỹ, trong đó nổi bật là phim ngắn “David and Luisa” được quay tại Los Angeles với các diễn viên Mỹ, trên vai trò là tác giả kịch bản, đạo diễn, nhà sản xuất... Phim “David and Luisa” sau đó được trao giải Remi Đồng cho Phim ngắn chính kịch tại Liên hoan phim Houston (Mỹ) năm 2015.

Là đạo diễn của nhiều bộ phim ngắn, với nhiều giải thưởng uy tín, NSƯT Bùi Trung Hải vẫn ấp ủ nhiều dự định trong thời gian tới. Anh còn nhiều trăn trở khi dự án phim “Người yêu ơi” đã được duyệt kịch bản, chọn xong diễn viên và chuẩn bị bối cảnh, thậm chí đã được Nhà nước cấp kinh phí tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng do lùm xùm cổ phần hóa nên mọi việc phải dừng lại.

Đây là bộ phim dự định được làm trên chất liệu kịch bản phim “Người yêu ơi” của nhà văn Đỗ Bích Thúy, kể về câu chuyện tình yêu với những nét tâm lý rất phức tạp, nhưng sâu sắc và hướng thiện của đôi trai gái người Mông trên mảnh đất khắc nghiệt và hùng vĩ của vùng cao nguyên đá Hà Giang.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải và ông Larry Levene, nhà sản xuất phim 'Thi Mai', tại lễ ra mắt phim 'Thi Mai' tại Đại sứ quán Tây Ban Nha. Ảnh: NVCC.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải và ông Larry Levene, nhà sản xuất phim 'Thi Mai', tại lễ ra mắt phim 'Thi Mai' tại Đại sứ quán Tây Ban Nha. Ảnh: NVCC.

Tiếc nuối di sản điện ảnh

Trong vụ việc cổ phần hóa ở Hãng Phim truyện Việt Nam, đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải là một trong những người lên tiếng mạnh mẽ trên báo chí. Theo anh, một trong những thiệt hại lớn nhất trong vụ việc này là hơn 300 bộ phim điện ảnh kinh điển của điện ảnh Việt Nam bị mốc, hỏng nghiêm trọng, nếu để kéo dài sẽ không còn khả năng sử dụng.

“Những bản phim này mang dấu ấn sáng tạo nguyên bản của các nghệ sĩ điện ảnh của Hãng Phim truyện Việt Nam, là cơ sở làm phim truyện nổi bật, quan trọng nhất qua các thời kỳ cho tới tận ngày hôm nay, với nhiều bộ phim kinh điển đã từng nhận những giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim Việt Nam và quốc tế lớn.

Việc phục chế các phim nhựa cũ luôn là một vấn đề rất phức tạp và rất đắt tiền, đòi hỏi công nghệ, tay nghề cao của các chuyên gia phục chế, phương tiện kỹ thuật và cần nguồn kinh phí rất lớn. Ngay cả trên thế giới cũng không nhiều cơ sở có khả năng phục chế các tác phẩm phim điện ảnh nhựa ở tiêu chuẩn quốc tế”, anh trăn trở.

Theo NSƯT Bùi Trung Hải, vì một số hạn chế nên tại Việt Nam đã xóa bỏ hầu như hoàn toàn việc sản xuất cũng như phát hành phim nhựa. Vì vậy, anh hy vọng thời gian tới Nhà nước hãy phục hồi những giá trị điện ảnh chuẩn mực này, đồng thời xem xét đầu tư vào việc sản xuất phim nhựa trong tương lai.

“Sự tiếp tục phát triển mạnh của dòng phim nhựa trên thế giới đang là một trào lưu, đặc biệt ở Mỹ. Trong danh sách đề cử giải thưởng Quả Cầu Vàng năm nay đã có rất nhiều phim nổi bật được đề cử ở các hạng mục quan trọng nhất, như giải Phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản xuất sắc, Diễn viên xuất sắc… được quay bằng phim nhựa.

Vì vậy, có lẽ Hà Nội cũng nên có phòng chiếu phim nhựa tiêu chuẩn cao. Đó sẽ là một công việc rất có ý nghĩa để phát triển, nâng cao chất lượng của điện ảnh dân tộc”, anh bộc bạch.

Nhấn mạnh vai trò của việc tiếp nối di sản của các thế hệ đi trước, NSƯT Bùi Trung Hải cho biết, người ta nói đến trường phái phim Pháp, Đức, Mỹ, Scandinavia... không gì khác đó chính là sự tiếp nối truyền thống của điện ảnh dân tộc.

Tuy các nhà làm phim có thể thu nhận ảnh hưởng của thế giới nhưng những nét truyền thống thường lặp lại và được phát triển một cách tự nhiên trong các nền điện ảnh.

Ví dụ sự phát triển, cấu trúc điện ảnh của bộ phim “The Great Beauty” của đạo diễn người Ý Paolo Sorrentino bị ảnh hưởng, tiếp thu rất mạnh phong cách làm phim của đạo diễn bậc thầy Federico Fellini từ các bộ phim của ông những năm 1950 - 1970 như “La Dolce Vita”, “8 1⁄2”... “Các nhà làm phim trên thế giới cũng có chung mối liên kết: Tình yêu điện ảnh.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải trao đổi với diễn viên khi làm phim 'David and Luisa'.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải trao đổi với diễn viên khi làm phim 'David and Luisa'.

Đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Martin Scorsese đã thành lập Quỹ chuyên tài trợ cho việc phục chế những tác phẩm điện ảnh trên thế giới. Vì thế, chúng ta phải thấy rõ sự liên kết chặt chẽ giữa quá khứ, truyền thống và hiện tại trong điện ảnh. Phải hiểu và tôn trọng những tác phẩm nền móng của thế hệ trước thì mới phát triển được điện ảnh trong tương lai”, anh nhấn mạnh.

Là người đã từng làm phim tại Los Angeles và cộng tác với nhiều đoàn làm phim quốc tế, đạo diễn Bùi Trung Hải hiểu khá rõ sức mạnh cạnh tranh và đẳng cấp chuyên nghiệp trong tất cả các khâu của nền công nghiệp điện ảnh Mỹ: Đạo diễn, diễn xuất,… và đặc biệt là kịch bản.

Anh nhận thức được đòi hỏi cấp thiết phải đổi mới trong công việc làm phim ở Việt Nam, để các bộ phim được tăng cường sức hấp dẫn, cuốn hút hướng tới khán giả... Anh vẫn đang tiếp tục xây dựng những dự án mới, tìm cách cố gắng áp dụng những kỹ thuật làm phim mới trong điều kiện làm phim không hề dễ dàng tại Việt Nam.

Đặc biệt, anh muốn tiếp tục phát triển nét đặc trưng trong nhận thức văn hóa Việt, cố gắng tiếp nối những nét truyền thống tốt đẹp của điện ảnh Việt Nam trong tương lai.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật: Mẹ là NSND, biên đạo múa Nguyễn Thị Hiển được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt 6 - năm 2023. Cha là NSND Bùi Đình Hạc, người được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt 3.

Với anh, cha luôn là người bạn, người đồng hành thân thiết, gần gũi cả trong cuộc sống lẫn công việc. Anh học được nhiều điều từ cha về cách làm nghề, cách đối nhân xử thế và cha cũng là người truyền cho anh “ngọn lửa” đam mê nhiệt huyết để anh gắn bó với nghề suốt hơn 30 năm qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.