Đạo diễn Trịnh Quang Bách: Cuộc sống còn nhiều điều lý thú cần khám phá

GD&TĐ - Hai mươi năm gắn bó với khung hình và máy quay phim, nhà báo, đạo diễn Trịnh Quang Bách đã ghi dấu ấn với một số giải thưởng.

Đạo diễn Trịnh Quang Bách (ngoài cùng bên trái) cùng nhân vật trong phim 'Hố đen'. Ảnh: NVCC
Đạo diễn Trịnh Quang Bách (ngoài cùng bên trái) cùng nhân vật trong phim 'Hố đen'. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, năm 2023, anh nhận “cú đúp” niềm vui cho bộ phim “Hố đen” với Cánh diều Vàng 2022 và tác giả kịch bản xuất sắc tại Liên hoan Phim Việt Nam 2023.

Cùng Báo Giáo dục & Thời đại trò chuyện với đạo diễn Trịnh Quang Bách về những sáng tạo mới của anh trong nghệ thuật.

- Chúc mừng anh giành được 2 giải thưởng quan trọng trong năm. Cảm xúc của anh lúc này thế nào?

- Với tôi, giải thưởng tại Cánh diều 2022 và Liên hoan Phim Việt Nam 2023 là động lực mà cũng là áp lực. Giải thưởng ghi nhận những cố gắng của mình, động viên tôi làm nghề. Giải thưởng cũng tạo áp lực, làm sao để những tác phẩm tiếp theo phải tốt hơn. Nếu bằng lòng với những điều đã có thì tay nghề của mình sẽ đi xuống.

- Anh có thể chia sẻ đôi điều về quá trình thực hiện “Hố đen” - bộ phim tài liệu khoa học đã ghi một dấu ấn nghề nghiệp đậm nét của mình?

- Từ lâu tôi đã có ý tưởng thực hiện một bộ phim khoa học về đề tài trầm cảm. Sau khi đề xuất ý tưởng, được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan, tôi bắt tay vào triển khai luôn. Quá trình thực hiện cũng có những thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi là được sự hỗ trợ của cơ quan, anh em bạn bè đồng nghiệp. Khó khăn vì đây là phim về trầm cảm, nên nhiều người cũng khó có thể chia sẻ được câu chuyện của họ với khán giả truyền hình.

Ở Hà Nội, tôi tìm được khá nhiều nhân vật. Câu chuyện của họ rất hay nhưng khi đề cập việc xuất hiện trước ống kính truyền hình, đặc biệt tôi lại yêu cầu là quay không giấu mặt, thế nên họ đều từ chối. Sau đó, tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục tìm kiếm nhân vật cũng dựa trên sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp và người thân.

Cuối cùng, tôi tìm được ba nhân vật rất phù hợp và mọi người đều thoải mái khi xuất hiện trên phim, muốn chuyển tải câu chuyện của mình để khán giả truyền hình hiểu hơn về căn bệnh trầm cảm.

- Có một câu bình luận ở trong tác phẩm: “Hãy yêu thương và bao dung nhiều hơn nữa”. Đây có phải là thông điệp mà ê-kíp phim muốn chuyển tải?

Đạo diễn Trịnh Quang Bách nhận cú đúp giải Cánh diều Vàng 2022. Ảnh: NVCC

Đạo diễn Trịnh Quang Bách nhận cú đúp giải Cánh diều Vàng 2022. Ảnh: NVCC

- Vâng, đó chính là thông điệp được chia sẻ ở cuối bộ phim. Những người trầm cảm rất cần một mạng lưới hỗ trợ về sức khỏe tâm thần. Trầm cảm không phải là câu chuyện mới nhưng luôn là vấn đề của cuộc sống đương đại, nhất là khi chúng ta vừa trải qua đại dịch Covid-19.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi mà Covid-19 diễn ra rất nặng nề. Tất nhiên, chúng ta đã chiến thắng đại dịch nhưng những hậu quả, di chứng về sau ảnh hướng lớn tới tâm lý và sức khỏe tâm thần của người dân thành phố. Điều này đã được chứng thực qua những số liệu, quan sát thực tế tại bệnh viện tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại dịch gây mất mát đau thương cho bao nhiêu gia đình, cá nhân, gây ra suy thoái kinh tế, thất nghiệp, mất kết nối xã hội… Số lượng người đi khám sức khỏe tâm thần đã tăng vượt trội so với năm trước đại dịch. Bộ phim cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần để người dân quan tâm hơn tới chính bản thân mình, người thân và bạn bè xung quanh.

- Nhân vật Dương Anh Vũ trong phim “Hố đen” từng xuất hiện trong phim “Ranh giới nào cho tiểu vũ trụ” mà anh thực hiện năm 2018. Vì sao có sự lặp lại này, thưa anh?

- Dương Anh Vũ là người Việt đầu tiên xác lập 4 kỷ lục thế giới về siêu trí nhớ học thuật. Anh quê ở Ninh Thuận và hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm thực hiện phim “Ranh giới nào cho tiểu vũ trụ”, tiếp xúc với Vũ, tôi biết anh từng bị trầm cảm.

Khi có ý tưởng thực hiện phim “Hố đen”, tôi liên hệ lại với anh và anh rất nhiệt tình tham gia, bởi anh cũng muốn chuyển tải câu chuyện của mình tới các bạn trẻ. Thời điểm cấp 1, cấp 2, Vũ học không được tốt, điểm số học bạ chỉ ở mức trung bình yếu.

Kỳ thi chuyển cấp bậc THPT, Vũ không đủ điểm để vào một trường phổ thông nào, phải theo học hệ giáo dục thường xuyên. Bố mẹ của Vũ khá buồn và thất vọng. Một thời gian sau khi vượt qua được cơn trầm cảm, quay trở về thì Vũ đã trở thành một người hoàn toàn khác, rất giỏi về kiến thức, có một trí nhớ và khả năng tổng hợp kiến thức vô cùng nhanh nhạy. Nội dung câu chuyện của Vũ rất tốt cho bộ phim “Hố đen”.

- Nhưng tại sao “Hố đen” cho thấy những giới hạn về sức chịu đựng còn “Ranh giới nào cho tiểu vũ trụ” lại gợi mở về những khả năng vô tận của con người?

- Trong quá trình làm phim này, chúng tôi đã cùng các nhà khoa học đưa ra luận điểm: Khi một con người có khả năng đặc biệt thường thuộc về một trong ba trường hợp cơ bản. Trường hợp thứ nhất là do bẩm sinh.

Trường hợp thứ hai là những người tu luyện lâu năm mà thành, ví như các vị pháp sư, các bậc cao tăng. Trường hợp thứ ba là do trải qua một sang chấn tâm lý. Ví dụ như nhân vật Dương Anh Vũ trải qua cú sốc bị trầm cảm, cộng với nỗ lực tự thân thì anh đã vượt qua và phát huy được khả năng đặc biệt, có một trí nhớ siêu phàm.

Hoặc trong phim có nhân vật người phụ nữ gọi được con mắt thứ ba, do một sang chấn tâm lý trong quá trình tuổi thanh xuân của chị. Tôi mua rất nhiều đồ vật, chính tay tôi mua vải bịt mắt chị lại rồi đưa ra những thử thách thì chị đều vượt qua.

Khi tiếp xúc với những nhân vật này tôi cảm thấy rất lý thú. Cuộc sống có những ranh giới và phi ranh giới. Tiểu vũ trụ - con người luôn tiềm ẩn những bí mật, bất ngờ mà khoa học chưa thể khám phá hết.

Đạo diễn Trịnh Quang Bách (ngoài cùng bên trái) tại LHP Việt Nam lần thứ 23. Ảnh: NVCC

Đạo diễn Trịnh Quang Bách (ngoài cùng bên trái) tại LHP Việt Nam lần thứ 23. Ảnh: NVCC

- Nói đến giới hạn và phi giới hạn, tôi lại nhớ đến phim “82 giờ ở Đạ Dâng” (2015) anh đồng đạo diễn với Nguyễn Thiện Thi. Thuở đó, Trịnh Quang Bách mới vào nghề?

- Cuối 2013, tôi tốt nghiệp chuyên ngành Đạo diễn Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Năm 2014, tôi bắt đầu công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam. Cuối năm đó xảy ra sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng).

Khi biết tin, hai anh em nảy ra ý tưởng đi thẳng vào trong Đạ Dâng, ghi lại toàn bộ quá trình giải cứu để xây dựng một bộ phim tài liệu. May mắn là cuộc giải cứu rất thành công. Tất cả các nạn nhân đều được cứu sống. Bộ phim cũng có một cái kết rất viên mãn.

Giai đoạn đó thì đúng là còn trẻ, mới vào nghề, cũng xông xáo lắm. Khu vực hầm Đạ Dâng nguy hiểm như vậy nhưng để quay được những cảnh bên trong thì cứ vào thôi, không đắn đo gì. Bây giờ nghĩ lại cũng thấy mạo hiểm. Nhiều khi anh em nói vui với nhau là nhỡ có chuyện gì xảy ra thì cũng không biết thế nào.

- Với “82 giờ ở Đạ Dâng”, tôi cũng để ý câu hỏi ở cuối bộ phim: “Làm thế nào để những sự cố như thế này không bao giờ lặp lại?”. Thực tế nào khiến anh đặt câu hỏi khó trả lời đó?

- Vâng đó là câu hỏi mở. Thực tế là sau sự cố sập hầm Đạ Dâng cũng vẫn diễn ra một số sự cố, tai nạn khác. Ví như vụ việc em bé rơi xuống cọc ống bê tông ở Đồng Tháp (2022) chẳng hạn, hoặc là cuộc giải cứu ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế - 2020), 13 chiến sĩ bị hy sinh.

Đây là vấn đề rất khó. Trong quá trình thi công công trường có nhiều rủi ro, sự cố tiềm ẩn, máy móc công nghệ của mình còn hạn chế, vấn đề bảo hộ lao động, những quy định về an toàn lao động rồi rất nhiều vấn đề khác chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Các sự cố thì luôn diễn ra đầy bất ngờ. Không phải chỉ ở nước mình mà trên thế giới cũng thế. Cá nhân tôi cũng rất mong muốn công tác cứu hộ cứu nạn càng ngày càng tốt hơn, để tránh những sự việc đau lòng xảy ra.

- Thực hiện một bộ phim tài liệu khoa học, người làm phim luôn đứng trước nỗi lo phim sẽ khô khan. Đầu ra của tác phẩm lại là trên sóng truyền hình. Anh có thường xuyên quan tâm đến yếu tố này không?

- Phim mà khô cứng nhàm chán thì nói thật là mình cũng không muốn xem, nói gì đến khán giả. Để tránh khô cứng, chúng tôi thường lồng ghép thêm những yếu tố xã hội, đặc biệt thông qua câu chuyện của nhân vật, tìm kiếm các chi tiết hay, đặc sắc.

Đương nhiên phải luôn bám sát xương sống tác phẩm là vấn đề, thông điệp cần chuyển tải. Cách kể chuyện được đặc biệt chú trọng. Hình ảnh và âm thanh cũng rất được lưu ý. Có thể sử dụng đồ họa, dùng âm thanh, âm nhạc, tiết tấu và nhiều thủ pháp khác.

Người Việt mình có thói quen không thích xem phim dài. Phương Tây họ làm phim tới 90 phút, của mình thường 25 phút, nhưng để làm cho tươi mới, không nhàm chán, cuốn hút người xem thì cũng không phải dễ.

Bởi vì năng lực của người làm phim ở nước ta như tôi chẳng hạn bị hạn chế rất nhiều, cả về điều kiện tác nghiệp, trình độ chuyên môn, rồi thiết bị, kinh phí, thời gian. Các phim khoa học chỉ đáp ứng khoảng 25 - 50 phút khán giả truyền hình sẽ dễ xem còn dài hơn nữa thì rất khó.

Hiện trường thực hiện phim khoa học 'Hố đen'. Ảnh: NVCC

Hiện trường thực hiện phim khoa học 'Hố đen'. Ảnh: NVCC

- Anh có thể chia sẻ thêm về một kỷ niệm đáng nhớ trong nghề?

- Nghề của tôi theo như tôi cảm nhận là một nghề rất thú vị. Tôi được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người, chứng kiến nhiều câu chuyện và thông qua những bộ phim thì tôi có thêm bạn bè, các mối quan hệ. Tôi còn có thêm những người mẹ nuôi, bố nuôi vốn là nhân vật trong phim của mình và đến bây giờ mối quan hệ vẫn rất tốt đẹp.

Có một câu chuyện vô cùng đáng nhớ. Đó là thời điểm tôi đi làm phim VTV đặc biệt, phim “Mẹ Hương”, đã phát sóng khá lâu rồi. Nhân vật chính của tôi sống ở Đồ Sơn, Hải Phòng, bà nhận nuôi những người con của đồng đội bị chất độc màu da cam, kiên trì dạy họ làm những việc cơ bản như mọi người bình thường khác.

Trong quá trình làm phim, tôi gặp một cô tình nguyện viên cũng thường xuyên xuống để giúp đỡ mẹ Hương. Chúng tôi quen nhau, rồi trở thành vợ chồng. Hồi đó bên nhà tôi là nhà trai, bên vợ tôi là nhà gái và mẹ Hương là nhà giữa đã đứng ra tác hợp cho chúng tôi.

Khi đám cưới diễn ra, mẹ Hương đại diện nhà giữa lên phát biểu, chúc phúc cho chúng tôi. Đó là một điều may mắn đối với tôi, và có lẽ may mắn vẫn là chưa đủ. Đó gọi là lương duyên.

- Cảm ơn đạo diễn Trịnh Quang Bách!

“Trong công việc, tôi được những người thầy, những người đồng nghiệp quan tâm giúp đỡ tận tình. Khi tôi về tác nghiệp tại địa phương cũng đều được người dân và các cấp chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ. Trong cuộc sống bình thường cũng vậy, thấy mình khá may mắn. Tôi rất cảm ơn những người thầy, những người anh em bạn bè đồng nghiệp, những người mà tôi từng gặp từng tiếp xúc. Lúc nào tôi cũng biết ơn!”. Đạo diễn Trịnh Quang Bách

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.