Danh xưng Nam kỳ ra đời từ khi nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều người nghĩ, danh xưng Nam kỳ chỉ xuất hiện từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Thực tế, danh xưng này có từ thời vua Minh Mạng.

Danh xưng Nam kỳ ra đời từ khi nào?

Theo cuốn sách khảo cứu “Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ” của tác giả Nguyễn Quang Diệu (NXB Tổng hợp TPHCM, 2023), thì danh xưng này xuất hiện trong thời kỳ vua Minh Mạng bắt đầu chia tách tỉnh hạt (1831 - 1832), đổi trấn thành tỉnh, chỉ giữ lại phủ Thừa Thiên và cả nước có 30 tỉnh.

Tác giả trích bộ chính sử triều Nguyễn: “Tháng 10 (âm lịch) năm Minh Mạng thứ 13 (1832), việc chia đặt tỉnh hạt thiết lập quan chức ở vùng đất phía Nam diễn ra tương tự như phía Bắc.

Năm trước, chia đặt các tỉnh Bắc kỳ (đất kỳ phụ (gần Kinh kỳ) ở phía Bắc), những việc mưu lợi, trừ tệ hại, thực có công hiệu sờ sờ ra rồi. Các trấn Nam kỳ, địa thế dẫu có lớn, nhỏ, xa, gần khác nhau, nhưng mọi việc như quân, dân, tài chính, thuế khóa, hình án, đều không khác gì Bắc kỳ”.

Điều này cũng được ghi chép chi tiết trong “Đại Nam thực lục”, tập 3, Chính biên, về thời vua Minh Mạng: “Bắt đầu sai chia hạt, đặt quan từ Quảng Nam trở vào Nam. Trước đây (vua) dụ bộ Lại rằng: “Việc chia hạt đặt quan ở Bắc Kỳ, hiện đã quy định xếp đặt thi hành rồi, vậy Nam kỳ từ Quảng Nam đến Gia Định cũng nên theo các tỉnh từ Quảng Trị trở ra Bắc, đặt các chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát và Lãnh binh để tỏ ra có sự thống nhất”.

Theo đó, các tỉnh miền Nam đều được chia đặt tỉnh hạt, thiết lập quan chức, có hai ty Bố chính, Án sát, chia nhau giữ các việc tài chính thuế khóa và hình luật, có quan Lãnh binh quan cai các quan võ và binh lính; tất cả đều thuộc quyền quan đầu tỉnh như Tổng đốc, Tuần phủ.

Các quan trong triều cũng bàn: “Còn Gia Định thành, chức Tổng trấn và các chức Trấn thủ, Hiệp trấn, Tham hiệp ở các trấn đều nên bỏ đi, vả lại, một hạt Gia Định gần thì liền đất với Chân Lạp là thuộc quốc, xa thì lân cận với Xiêm La là láng giềng, mà đất Châu Đốc lại là nơi rất xung yếu. Nhưng dân cư chưa được đông đúc, địa lợi chưa được mở mang, gần đấy, có Vĩnh Long, đất rộng, dân giàu, hơn cả mọi hạt.

Vậy xin tách lấy 2 huyện Vĩnh An và Vĩnh Định thuộc Vĩnh Long, gộp với đất Châu Đốc, lập làm tỉnh An Giang; đặt một viên Tổng đốc đại thần kiêm lĩnh quả ấn bảo hộ nước Chân Lạp.

Phàm các công việc vỗ về người xa, phòng ngừa giặc ngoài đều giao cho cả. Đã có trọng binh để mạnh về mặt quân sự, có nhiều kho tàng đề phòng lúc cần dùng, lại tuyên dương đức ý triều đình để vỗ về dân chúng, sửa việc quân chính để trấn áp kẻ địch, thì bờ cõi ta được bền vững, thuộc quốc càng tin theo, nước láng giềng lại càng sợ phục. Rồi đem những điều nghĩ định kê rõ tâu lên nhà vua chuẩn quyết”.

Trước thời điểm tháng 2 năm 1832, trong “Đại Nam thực lục” vẫn gọi các tỉnh miền Bắc là Bắc Thành và các tỉnh miền Nam là Thành Gia Định. Đến tháng 8 (âm lịch) năm 1833, vua Minh Mạng cho đổi tên tỉnh Phiên An thành Gia Định, liên tỉnh An – Biên sau đó được đổi thành Định – Biên.

Vua dụ rằng: “Nguyên sáu tỉnh Nam kỳ, đều gọi chung là Gia Định. Đó là do Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta (tức vua Gia Long) đặc ơn ban cho tên tốt ấy. Từ khi nổi lên ở miền đông thổ đến giờ, nhân dân sở tại từ lâu được yên trong cảnh vô sự.

Năm ngoái (1832), chia đặt tỉnh hạt, nhân đó đổi trấn Phiên An thành tỉnh Phiên An. Gần đây, nghịch Khôi (tức Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt nổi loạn chiếm thành Phiên An) giữ thành làm loạn, dần đã dẹp yên, nên đổi là Gia Định để lấy lại cái tên tốt ấy, khiến cho nhân dân thuộc tỉnh về sau, đều được hưởng phúc thái bình lâu dài”.

Theo tác giả Nguyễn Quang Diệu khảo cứu thì vào tháng 5 năm 1834, vua Minh Mạng chính thức đặt tên gọi cho Nam Bắc trực, Tả hữu kỳ và Nam Bắc kỳ. Trong đó, các tỉnh phía Nam kinh đô là Quảng Nam, Quảng Ngãi là Nam trực; các tỉnh phía Bắc kinh đô là Quảng Trị, Quảng Bình là Bắc trực; từ Bình Định đến Bình Thuận là Tả kỳ; từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa là Hữu kỳ; Biên Hòa đến Hà Tiên là Nam kỳ, Ninh Bình đến Lạng Sơn là Bắc kỳ.

Mặc dù vậy, tác giả cũng cho rằng danh xưng Nam kỳ đã xuất hiện từ trước đó trong các thư tịch. Trong “Đại Nam thực lục”, chép mệnh lệnh quy định về việc đi lại bằng thuyền vào tháng 2 năm Minh Mạng thứ 11 (1830), bộ sử này cũng đã chép về từ “Nam kỳ” lần đầu tiên: “Các hạng thuyền ghe công sai vận tải tầm thường như Nam kỳ từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Bắc kỳ từ Quảng Trị đến Ninh Bình, bang thuyền đi lại đều không phải treo cờ bắn súng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ