Các quốc gia nên áp dụng “phí dọn rác quỹ đạo” đối với các nhà điều hành vệ tinh để giải quyết các mảng rác vũ trụ đang ngày càng co cụm che kín bầu trời, theo các nhà nghiên cứu vừa tuyên bố, nhưng cũng có một số nghi ngờ về tính thực tế của khoản phí này.
Với việc thế giới đang ngày càng phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng quỹ đạo để duy trì liên kết liên lạc và điều khiển các thế hệ phương tiện tự lái mới, các nhà khoa học cảnh báo rằng mối nguy hiểm từ các mảnh vụn vũ trụ đang gia tăng theo cấp số nhân.
Cách tốt nhất để đối phó với vấn đề này là đánh thuế các nhà điều hành vệ tinh với một khoản phí sử dụng quỹ đạo hằng năm cho mỗi vệ tinh được phóng, theo một phân tích kinh tế thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado tại Boulder (Mỹ).
“Không gian là tài nguyên chung, nhưng các công ty không hạch toán chi phí mà vệ tinh của họ đặt trên vai các nhà điều hành khác khi họ quyết định có phóng vệ tinh hay không”, Matthew Burgess, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. “Chúng tôi cần một chính sách cho phép các nhà điều hành vệ tinh trực tiếp tính toán chi phí mà sự kiểm soát của họ áp đặt cho các nhà điều hành khác”.
Theo các quy định hiện hành, các nhà điều hành vệ tinh không thể bảo đảm quyền sở hữu tài sản độc quyền nằm trên các quỹ đạo hoặc thu hồi chi phí liên quan đến va chạm do rác vũ trụ của người khác, các nhà nghiên cứu cho biết.
Điều này khuyến khích các công ty chạy đua vào vũ trụ để kiếm tiền trước khi nơi đây trở thành “bãi rác”, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Science.
Akhil Rao, tác giả chính của báo cáo cho biết, các giải pháp được đề xuất cho đến nay chủ yếu tập trung vào việc sửa về mặt kỹ thuật - chẳng hạn như loại bỏ các mảnh vụn bằng lưới hoặc lao phóng - không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. “Từ quan điểm động cơ, nếu chúng ta bắt đầu hút các mảnh vụn ra, thì mọi người sẽ phóng càng nhiều vệ tinh hơn cho đến khi số rác vũ trụ nhiều đến mức chúng không còn đáng để họ phóng nữa”, Burgess nói thêm.
Ông nói rằng một khoản phí thường niên được thỏa thuận thông qua một hiệp ước quốc tế sẽ thúc đẩy các công ty phải quan tâm hơn về nguy cơ tạo ra rác vũ trụ và đưa vệ tinh rời khỏi quỹ đạo khi cần thiết.
Holger Krag, người đứng đầu văn phòng rác vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), cho biết ý tưởng này rất “thú vị”, cơ quan này đang nghiên cứu các phương pháp tương tự và tìm cách tính toán tác động môi trường của các sứ mệnh không gian.
Nhưng kế hoạch có thể khó đưa vào thực tiễn, Christopher Newman, giáo sư về luật vũ trụ tại Đại học Northumbria ở Anh nói với truyền thông.
Một khoản thuế mới được coi là một hạn chế đối với quyền tự do sử dụng không gian được ghi trong Hiệp ước ngoài vũ trụ năm 1967, điều luật quy định về sự sống ở xa trái đất và việc thuyết phục các quốc gia đồng ý với điều luật mới không phải là nhiệm vụ dễ dàng.