Sáng tác tranh cổ động: Cần độ rung cảm

GD&TĐ - Tranh cổ động là loại hình hội họa đặc biệt, bởi nó không chỉ chứa đựng yếu tố tạo hình, mang tính nghệ thuật mà còn mang một thông điệp khác vô cùng lớn lao. 

Sáng tác tranh cổ động: Cần độ rung cảm

Đó là câu chuyện về lịch sử, thể hiện được nội dung tuyên truyền về sự kiện đang diễn ra, chủ đề cần nói tới, gửi một thông điệp mang tính trực tiếp, sinh động đến người xem. Từ khi công nghệ thông tin phát triển, tranh cổ động đã sáng tác bằng phần mềm đồ họa vi tính, kéo theo đó là việc sao chép, cắt ghép một cách vụng về.

Nỗi buồn một dòng tranh

Với dòng chữ ngắn gọn cùng những hình ảnh biểu trưng, tranh cổ động đã trở thành một trong những vũ khí sắc bén qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong giai đoạn chiến tranh, thành quả lớn nhất của hội họa Việt Nam là tranh cổ động. Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển, nhiều họa sĩ tranh cổ động đã sáng tác bằng phần mềm đồ họa vi tính, thực trạng tranh chép, tranh copy làm cho công chúng thất vọng.

Gần đây, giới mỹ thuật TPHCM vừa chứng kiến một vụ ồn ào về tranh cổ động đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng 40 năm Thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (trao giải ngày 13/7 tại TPHCM) bị phát hiện là tranh đã dùng từ năm 2011.

Trong đợt tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa 14 vừa qua, một cuộc thi vẽ tranh cổ động tuyên truyền được phát động trong cả nước, chỉ có 780 tác phẩm của 288 họa sĩ chuyên và không chuyên gửi đến Ban tổ chức cuộc thi, cuối cùng chọn 71 tranh để triển lãm, và bộ tranh này nhìn cứ na ná nhau từ màu sắc đến hình ảnh.

Còn nhớ năm 2014, xảy ra vụ cắt ghép tranh cổ động nhân kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô. Một bức tranh cổ động ghép hình thô thiển, tay cô gái cứng như khúc gỗ… Chưa kể rất nhiều bức tranh cổ động khác, đặc biệt là ở các tỉnh, thành xa, đều chỉ như các bức vẽ sơ sài thô kệch, cứng quèo phản cảm nhiều hơn thẩm mỹ.

Hiện nay, việc vẽ tranh cổ động có chiều hướng đưa nhiều nội dung khiến sự sáng tạo của người họa sĩ bị hạn chế, trong khi đó, nội dung của tranh cổ động lại hầu như lặp đi lặp lại gây nhàm chán cho người xem.

Cần tâm của người nghệ sĩ

Tranh cổ động cho dù ở thời công nghệ vẫn luôn có một vị trí hữu ích trong cộng đồng, vẫn tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Thế nhưng để có những tranh cổ động tốt phục vụ cho việc tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, lịch sử... trách nhiệm lớn thuộc về các họa sĩ chuyên nghiệp.

Theo họa sĩ Nguyễn Đăng Phú, nhiều người Việt Nam hiện nay đang hiểu lầm về tranh cổ động. Thực ra, đây cũng là một loại hình nghệ thuật cần được trân trọng chứ không đơn thuần chỉ là công cụ để tuyên truyền. Thực hiện một bức tranh cổ động có giá trị còn khó hơn rất nhiều vì người nghệ sĩ bắt buộc phải chuyển tải được nội dung tuyên truyền, vừa phải thỏa mãn yếu tố về nghệ thuật. Điều này không phải ai cũng làm được.

Muốn tranh đẹp, họa sĩ phải dựng hình thật chuẩn xác, đường nét hợp lí rõ ràng, dứt khoát, chỗ nào đậm nhạt đòi hỏi nghiên cứu một cách khoa học. Vẽ người trong tranh cổ động, nhất là khi biểu hiện tình cảm vui, buồn, tức giận… hết sức quan trọng vì đó là linh hồn của tác phẩm.

Họa sỹ Đỗ Mạnh Cương cũng cho rằng, tranh cổ động là minh họa cho khẩu hiệu nên ngôn ngữ phải cô đọng, dễ hiểu và có tính khái quát. Có một nguyên tắc là màu sắc được sử dụng trong tranh cổ động có tính tương phản cao, tác động mạnh mẽ đến thị giác. Bởi vậy, sáng tác tranh cổ động tưởng như đơn giản nhưng thực chất nó đòi hỏi người nghệ sỹ khả năng tư duy cao và sáng tạo trong cách thức thể hiện.

“Mong rằng các cơ quan, ban, ngành chức năng tiếp tục quan tâm, tạo sân chơi về dòng tranh này nhiều hơn để nuôi dưỡng đam mê của các thế hệ họa sĩ, giúp họ có thêm năng lượng để sáng tạo nghệ thuật, đóng góp phần nào vào công cuộc xây dựng, phát triển bền vững đất nước” - Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ