Nhớ “vua tranh cổ động” Trường Sinh

GD&TĐ - Sớm thu, bên hồ Gươm ông Trường Thành – con trai cả của họa sĩ Trường Sinh kể cho tôi nghe những câu chuyện về cha ông – người được mệnh danh là “vua tranh cổ động”. Vậy mà thấm thoắt đã gần 2 năm người họa sĩ tài danh này rời nơi cõi tạm…

Một góc bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh.
Một góc bức tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh.

“Cha đẻ” của hàng nghìn tranh cổ động

Nhấp ngụm trà hoa cúc, ông Trường Thành bâng khuâng nhớ thuở thiếu thời hay theo cha đến xưởng vẽ ở Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội). Ở đó, cậu bé Thành thấy cha mình lúc nào cũng miệt mài bên giá vẽ.

Nhiều khi cha vắng nhà, ông cùng mấy người em có nhắc nhỏm nhưng trong lòng thừa biết khi bận việc cha ông sẽ làm việc cả ngày cả đêm tại cơ quan.

Những bức tranh cổ động giục giã thanh niên xung trận, động viên người người hăng say lao động kiến thiết lại nước nhà sau chiến tranh, cổ động toàn dân tham gia bỏ phiếu bầu cử Quốc hội… được ra đời từ sự làm việc quên cả thời gian như thế của cha ông.

Đặc biệt, khi Hà Nội bị ném bom B52 vào Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai – tháng 12/1972, họa sĩ Trường Sinh vẫn bám trụ mặt trận, trực chiến bên giá vẽ. Vậy nên, trong 12 ngày đêm khói lửa ác liệt ấy, có hơn 12 tác phẩm cổ động xuất hiện “tức thì” tại Bệnh viện Bạch Mai hay khu Khâm Thiên.

Những bức tranh nổi tiếng một thời như: “Ních-xơn phải trả nợ máu”, “Hà Nội anh hùng”, “3.000 máy bay Mỹ rơi trên miền Bắc”, “Việt Nam nhất định thắng”, “Sức mạnh không lực Hoa Kỳ”… được họa sĩ Trường Sinh thực hiện theo tốc độ “sáng vẽ chiều phát hành”… - một tốc độ có lẽ hiếm họa sĩ vẽ tranh cổ động nào thời ấy có thể đạt được.

Vậy mà, giá trị của những tác phẩm ấy đã vượt lên trên những lời hiệu triệu khi còn là một bản hùng ca bi tráng được thể hiện bằng những nét vẽ đầy nghệ thuật, thực tế mà vẫn lãng mạn, bay bổng.

“Sức làm việc của cha tôi lúc nào cũng sôi nổi, cuồn cuộn và hăm hở như thế nên trong gần mấy chục năm cầm cọ (1960 - 1990), ông đã vẽ hàng nghìn tác phẩm là tranh cổ động. Với cha tôi, ý tưởng sáng tạo không bao giờ cạn.

Mà đặc biệt, những ý tưởng sáng tạo này đều được khởi phát từ các mệnh lệnh, chỉ thị… khô cứng nhưng khi được ông thể hiện chúng luôn muôn hình, muôn vẻ, tràn đầy cảm xúc. Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi nghe cha nói, trái tim của người sáng tác phải bốc lửa!” – ông Trường Thành nói.

Dốc lòng và không phiền lụy

Họa sĩ Trường Sinh gắn bó với hội họa từ những năm tháng trong Đội 34 – Đội thanh niên xung phong (TNXP) mặt trận Điện Biên Phủ. Đấy là những năm tháng anh thanh niên xung phong Trường Sinh ký họa “Đội 34 TNXP đào núi, phá đá mở đường” hay “Đội 34 và 40 TNXP Điện Biên Phủ anh hùng”… bằng những nét vẽ hoàn toàn bản năng.

Miền Bắc được giải phóng, anh TNXP Trường Sinh mới bắt đầu học vẽ từ thầy Nguyễn Song nhưng không liên tục và bài bản. Dẫu vậy, Trường Sinh đã trở thành một họa sĩ tài năng, có phong cách riêng ở lĩnh vực tranh cổ động, được đồng nghiệp nể trọng.

Mấy chục năm cầm cọ, người họa sĩ này luôn khiến đồng nghiệp nể phục trước một tinh thần làm việc dốc lòng, dốc sức khi là họa sĩ duy nhất trong những năm 1970 tổ chức được 4 cuộc triển lãm tranh cổ động tại nhà triển lãm phố Tràng Tiền.

Và, đã có lúc người họa sĩ này “mạo hiểm” thực hiện những tác phẩm không phải ai cũng có thể làm. Đấy là bức tranh chân dung lãnh tụ Lênin rộng 320m2 được ông vẽ ngay khi tấm bạt cuộn treo trước mặt Nhà hát Lớn Hà Nội. Ở tư thế vẽ khó: Tấm bạt mở ra đến đâu họa sĩ vẽ đến đấy, không có cơ hội để sửa nếu vẽ sai, song ông đã hoàn thành một cách xuất sắc ngay trước lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh lãnh tụ Lênin (1870 -1970).

Nối tiếp đó, họa sĩ Trường Sinh còn thực hiện một loạt công trình lớn khác như tác phẩm phù điêu nặng 3,5 tấn, treo trên bệ đỡ cao 20m ở ngã ba Cầu Chui – Gia Lâm.

Hay ông cũng là họa sĩ đầu tiên làm tranh tường gắn gốm với 8 bức ở hai đầu hồi Nhà khách Chính phủ (1975) và hai bức ở Ô Chợ Dừa, ngã tư Trung Hiền (phố Minh Khai – Bạch Mai)…

Trong số những công trình lớn này, hiện nay chỉ còn bức tranh ghép gốm và tranh khắc vữa đắp nổi ở ngã tư phố Trung Hiền. Tiếc là, chẳng mấy nữa hai bức tranh tường này cũng sẽ không còn vì dự án đường vành đai 2 đi qua…

Sau những thành công từ tranh cổ động, lúc nghỉ hưu, họa sĩ Trường Sinh rẽ sang làm Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Liên hiệp Khoa học văn hóa du lịch và kinh doanh… ý tưởng.

Nhiều ý tưởng lớn như: Làng văn hóa du lịch Việt Nam; Khu kinh tế du lịch văn hóa biển Việt Nam; Khôi phục làng hoa Ngọc Hà; Phát triển văn hóa du lịch Việt Nam trong thế kỷ 21… của ông đã được giao dịch và hiện thực hóa phần nào.

Kể thêm về lối rẽ này, ông Trường Thành bảo, cha ông rất khái tính, không bao giờ phiền lụy nên đã rẽ lối như thế. Mừng là ông đã làm được, làm bằng tấm lòng chân thành, tử tế; bằng tâm hồn bay bổng, cả tin của nghệ sĩ.

Vậy nên, lúc trẻ khỏe ông lo chu tất kinh tế cho gia đình bằng những đồng nhuận bút vẽ tranh thì lúc cuối đời ông đã phải đánh đổi cả gia tài mấy mươi năm tích cóp để phục vụ cho lý tưởng… khẳng định mình giữa chốn thương trường – chiến trường.

“Cha tôi là vậy, đã lao động là tận lực, tận lực đến lúc ra đi vẫn không chịu dừng lại… Trong gia tài hàng nghìn tác phẩm của ông, hiện giờ gia đình tôi chỉ còn giữ được hơn 100 tác phẩm.

Mới đây, tôi mới phát hiện ông có file ảnh chụp Hà Nội những năm 1960 trong lưu trữ thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Tôi đang cố dành thời gian để nghiên cứu file ảnh đó vì thiết nghĩ đó là một tư liệu quý, là kỷ niệm một giai đoạn công tác của ông và là chút ghi chép bằng hình ảnh về công cuộc xây dựng Thủ đô những năm 1960 mà họa sĩ Trường Sinh gửi tặng cho Hà Nội hôm nay, hôm mai…” – ông Trường Thành trầm ngâm nói.

Chúng tôi đã trao đổi với cơ quan liên quan về hai bức tranh tường ở ngã tư Trung Hiền. Để thực hiện dự án đường vành đai 2, hai bức tranh đó cần phải di dời. Nhưng trước tiên, gia đình chúng tôi chờ đợi quyết định của thành phố, hoặc có thể đưa hai bức tranh vào bảo tàng hay công viên… Còn nếu thành phố không có kế hoạch lưu giữ, gia đình xin đưa hai bức tranh về bảo quản - Ông Trường Thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ