Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký Quyết định số 335/QĐ-BXD giao Ban Quản lý dự án 85 tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum, thực hiện trong năm 2025 - 2026.
Trong chuyến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã thống nhất chủ trương triển khai cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum theo hướng hai tỉnh lo giải phóng mặt bằng, ngân sách Trung ương bố trí phần xây lắp. Tổng vốn đầu tư cho tuyến cao tốc này là trên 35.300 tỷ.
Toàn tuyến dài 136km, đoạn qua Quảng Ngãi dài 58km, qua Kon Tum dài 78km. Quy mô dự án có 4 làn xe hoàn chỉnh, mỗi làn rộng 3,75m và hai làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế từ 80km – 100 km/h.
Điểm đầu tuyến giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại thị xã Đức Phổ rồi đi qua huyện Ba Tơ của Quảng Ngãi và hai huyện Kon Plông, Kon Rẫy (Kon Tum), điểm kết thúc giao với cao tốc Bắc - Nam phía Tây thuộc địa phận thành phố Kon Tum. Dự kiến, chậm nhất là trong năm 2028 phải hoàn thành tuyến đường này.
Sắp tới, Kon Tum dự kiến sáp nhập vào Quảng Ngãi, tỉnh lỵ tại TP Quảng Ngãi. Vì vậy, tuyến cao tốc này sẽ phải thi công nhanh nhất có thể để đáp ứng với nhu cầu trong tình hình mới.
Sau năm 2028, từ Quảng Ngãi đi Kon Tum và ngược lại, xe cộ sẽ đi trên tuyến cao tốc này. Nếu tốc độ cho phép như dự kiến thì quãng đường 136km này chỉ mất hơn một giờ ô tô, không phải qua đèo dốc điệp trùng uốn lượn như Quốc lộ 24 hiện nay.
Nhưng có lẽ, tuyến cao tốc này không chỉ phục vụ cho việc đi lại thuận lợi giữa hai miền xuôi ngược mà cái chính là để đánh thức tiềm năng mà cả Quảng Ngãi lẫn Kom Tum đã nhìn thấy bao năm nay nhưng không thực hiện được do đò giang cách trở. Giờ về chung một nhà, những tiềm năng về biển, về rừng cũng sẽ được hiện thực hóa nhanh chóng.
Trước hết là tiềm năng du lịch. Khu Măng Đen được cả nước biết đến như một Đà Lạt thứ hai trên cao nguyên nhưng việc đi lại vô cùng gian nan. Khách ở xa đi máy bay xuống sân bay Pleiku rồi chạy ngược ra Kon Tum 50km, theo Quốc lộ 24 trên 70 km nữa mới tới được Măng Đen.
Khách đi đường bộ thì phải qua đèo Vi-ô-lắc vô cùng hiểm trở với những khúc cua tay áo, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Còn khi đã có tuyến cao tốc rồi, việc đến Măng Đen bằng đường không hay đường bộ cũng không có vấn đề gì đáng ngại cả.
Nếu quy hoạch tốt, Măng Đen sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn vì khí hậu quanh năm mát mẻ, những rừng thông bạt ngàn vẫn còn nguyên sơ cùng nhiều điểm check-in khác sẽ làm hài lòng bao du khách gần xa.
Đây cũng sẽ là tuyến cao tốc đẹp nhất khu vực miền Trung vì nó sẽ xuyên qua bao núi non trùng điệp cùng những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại vùng bắc Tây Nguyên này.
Một tiềm năng nữa đó là, việc vận chuyển hàng hóa từ miền xuôi lên miền ngược và ngược lại vô cùng thuận tiện. Cửa khẩu Bờ Y vùng ngã ba biên giới Việt – Campuchia - Lào cũng theo đó được đánh thức để Quảng Ngãi “nối mạng” với Lào và Campuchia bằng cửa khẩu này.
Tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum sẽ thành “người dẫn đường” khai mở toàn bộ tiềm năng của vùng đất này sau khi Kon Tum và Quảng Ngãi về chung một nhà.