Thân gửi chú Phạm Quang Huy!
Chắc cháu chẳng cần giới thiệu, mọi người giờ đây cũng đều biết tới chú: Chú chính là chủ nhân của tấm Huy chương Vàng đầu tiên của đoàn thể thao Việt Nam tham gia tại Á vận hội lần thứ 19 (Asiad 19). Chắc sẽ không quá khi cháu nói rằng, chú chính là “người hùng” của Việt Nam.
Đã khá lâu rồi, kể từ ngày xạ thủ Hoàng Xuân Vinh có phát bắn 10,7 điểm “không tưởng” đầy lịch sử để đem về tấm Huy chương Vàng Olympic Rio 2016 nội dung 10m súng ngắn hơi nam, cháu mới lại có được cảm giác tự hào và xen lẫn xúc động với tấm Huy chương Vàng cũng chính tại nội dung này của chú ở Asiad 19. Cũng bởi, Việt Nam vẫn chỉ là “em bé” trong các nội dung bắn súng.
Nói về bắn súng, mọi người đều nói về Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên hay các nước Trung Á, chứ không hề nói tới Việt Nam. Tấm Huy chương Vàng Olympic Rio 2016 của huyền thoại bắn súng Việt Nam Hoàng Xuân Vinh là những thành tích nổi bật đầu tiên. Và giờ đây, chú đang trên hành trình nối dài sự thành công ấy.
Trong vòng thi chung kết, chú không hề có được khởi đầu đáng chú ý như các đối thủ khác: Chú chỉ ghi được tổng 49,1 điểm trong 5 loạt bắn đầu tiên – một số điểm hơi thấp nếu so với các đối thủ khác như: 49,5 điểm của đối thủ người Uzbekistan Vladimir Svechnikov, 49,7 điểm của đối thủ người Ấn Độ Sarabjot Singh, hay thậm chí là 50 điểm của đối thủ người Malaysia Johnathan Wong Guanjie.
Nhưng cũng kể từ đó, chú đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, khi ấy chú chưa “nóng máy” mà thôi. Chú đã thi đấu cực kì ổn định trong những loạt bắn sau đó. Chú liên tục có những phát bắn giành được hơn 10 điểm, đỉnh cao là cú bắn 10,8 điểm.
Trong khi đó, các đối thủ của chú lại tỏ ra thiếu chính xác và thiếu ổn định, để rồi từ đó chú đã giành được tấm Huy chương Vàng danh giá với số điểm 40,5, bỏ xa đối thủ người Hàn Quốc Lee Wonho phía sau tới 1,1 điểm.
Chú đã ghi tên mình vào lịch sử của bắn súng Việt Nam khi là vận động viên đầu tiên giành được tấm huy chương vàng bắn súng tại một kì Á vận hội.
Nhưng cháu có một thắc mắc: Tại sao chú không cố lên một chút nữa để giành kỉ lục Á vận hội nhỉ vì thành tích của chú chỉ cách kỉ lục có 0,2 điểm thôi mà! Lúc ấy, chắc hẳn tấm huy chương vàng của chú sẽ còn danh giá hơn nữa!
Xạ thủ Phạm Quang Huy là người giành HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam ở ASIAD 2023. Ảnh: TTXVN. |
Thắc mắc vậy thôi chứ cháu vẫn rất khâm phục chú, không chỉ bởi tấm huy chương vàng danh giá, mà còn bởi phong cách thi đấu. Trong vòng thi chung kết, mỗi phát bắn được chú đưa ra cực kì quyết đoán và chuẩn xác. Không chỉ vậy, cháu còn phải học tập chú cách chú duy trì tâm lí ổn định. Mặc dù Á vận hội lần thứ 19 là lần đầu tiên chú tham gia, nhưng chú không hề cảm thấy tự ti khi phải đối đầu với những tên tuổi rất mạnh như Zhang Bowen – nhà vô địch bắn súng thế giới năm 2023, Lee Wonho – Huy chương Đồng giải ISSF Grand Prix 2022, Sarabjot Singh – nhà vô địch Cúp bắn súng thế giới 2023... Đó là lợi thế của chú: Chú bước vào giải đấu như một vận động viên bình thường, không có gì nổi bật, không hề nặng gánh huy chương, trong khi các đối thủ khác lại bị chính những thành tích trước đây của mình tạo nên áp lực.
Những tính cách tuyệt vời ấy của chú chính là những bài học tuyệt vời đối với cháu. Cháu không hay có được sự chính xác và quyết đoán như chú. Kể ra, chỉ với một việc rất nhỏ như việc nên giữ lại hay cho đi bộ quần áo nào, cháu cũng không thể có sự quyết đoán cơ mà. Cháu cứ muốn giữ lại tất cả, kể cả những bộ quần áo đã chật và khi cho đi, cảm giác luyến tiếc vẫn cứ ở lại với cháu suốt cả ngày.
Hoặc trong các cuộc thi có luật chỉ được trả lời một lần, mỗi khi gặp câu hỏi đang phân vân đáp án là thế nào người cháu cũng run bần bật, và kể cả khi đã trả lời thành công câu hỏi đó rồi, cháu vẫn cứ nghĩ vẩn vơ về nó, không tập trung được cho các câu hỏi sau.
Hay trong các cuộc thi mà cháu được coi như là kẻ lót đường, cháu lại bị tư tưởng “kẻ lót đường” ấy quấy rầy tâm trí, để rồi cháu không thể có được một màn thể hiện hết sức mình. Đôi khi cháu có thể bị sai một câu “cho điểm” mười mươi, hay có một số câu hỏi cháu không làm được trong cuộc thi, nhưng khi vừa về tới nhà thì cháu lại nghĩ ra. Những khi ấy, cháu cảm thấy tiếc nuối vô cùng!
Cháu hi vọng rằng, tấm Huy chương Vàng của chú sẽ là động lực cho mọi người, kể cả cháu, vươn lên, tự khắc phục, chỉnh sửa và vượt qua giới hạn của bản thân. Chú chính là người Việt Nam đầu tiên giành được huy chương vàng môn bắn súng một kì Á vận hội, vậy tại sao cháu lại không thể tự phá vỡ giới hạn bản thân và để lại một dấu ấn để đời cho chính mình nhỉ?
Tạm biệt chú!