Mâu thuẫn có thúc đẩy phát triển?
Trong cái nắng oi ả của tháng 6, bầu không khí dường như đặc quánh, ngột ngạt với thông tin, nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh và huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung sẽ không tham gia nhiệm kỳ 7 (2022 - 2026) của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. Bà Nhung hiện còn nắm giữ vị trí Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam nhiệm kỳ 6. Theo đánh giá của truyền thông Việt Nam, sự ra đi của 2 người này là “tổn thất rất lớn với bắn súng Việt Nam”.
Đại hội khóa 6 (2016 - 2020) của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam diễn ra ngay sau khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tạo nên kỳ tích khi giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc Olympic. Đại hội đã bầu ra 36 thành viên ban chấp hành, 13 thành viên ban thường vụ trong đó có 1 chủ tịch và 6 phó chủ tịch.
Ông Đỗ Văn Bình (Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển đô thị và KCN Sông Đà thời điểm đó) được bầu là Chủ tịch Liên đoàn Bắn súng Việt Nam khóa 6. Bà Nguyễn Thị Nhung (Huấn luyện viên trưởng Đội bắn súng Việt Nam, Trưởng bộ môn Bắn súng Tổng cục TDTT khi đó), được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh được bầu vào một trong 13 thành viên ủy viên ban thường vụ nhiệm kỳ 6.
Lý do khiến những người được coi là tượng đài của bắn súng Việt Nam như ông Vinh, bà Nhung ra đi được hiểu xuất phát từ những mâu thuẫn kéo dài, không được giải quyết tại Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. Nhiều ý kiến, thậm chí đã có những lá đơn của những người có ý kiến trái với quan điểm của lãnh đạo Liên đoàn Bắn súng Việt Nam được gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT nhưng chưa được cơ quan chủ quản xem xét, xử lý dứt điểm.
Bên cạnh đó, việc đại hội Liên đoàn Bắn súng khoá 7 không thể diễn ra từ năm 2020 theo kế hoạch cũng có nguyên nhân từ những mâu thuẫn nội bộ. Mà ở đây, theo tìm hiểu là sự bất đồng và “bất ổn” trong quá trình chuẩn bị nhân sự. Những quan điểm trái chiều, của những người có tiếng nói và tầm ảnh hưởng tại Liên đoàn Bắn súng dẫn đến thông tin, nhiều thành viên ban chấp hành, ban thường vụ khóa 6 sẽ rút lui không tham dự khóa 7. Và cho đến lúc này, ông Đỗ Văn Bình - Chủ tịch khoá 6 vẫn là ứng viên duy nhất cho chiếc ghế Chủ tịch Liên đoàn Bắn súng Việt Nam khóa 7.
Phát biểu trên báo Tuổi trẻ online, một thành viên thường vụ Liên đoàn Bắn súng Việt Nam nói: “Sự điều hành thiếu dân chủ, mất đoàn kết ở Liên đoàn Bắn súng đã khiến nhiều người có tâm, có tài muốn dứt áo ra đi. Nếu cả Hoàng Xuân Vinh và Nguyễn Thị Nhung không tham gia Liên đoàn Bắn súng Việt Nam khóa 7, đây sẽ là tổn thất lớn cho bắn súng Việt Nam”.
Cũng trên báo Tuổi trẻ online, ông Nguyễn Đức Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cho biết, dù là Phó Chủ tịch thường trực nhưng bản thân ông cũng không biết về phương án nhân sự, thời gian tổ chức đại hội khóa 7 sắp tới.
“Cái buồn nhất của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam những năm qua là sự mất đoàn kết, thiếu dân chủ của người điều hành khiến cho những người đóng góp nhiều như anh Vinh, chị Nhung chán nản. Tôi cũng không tham gia ứng cử nhiệm kỳ 7 nữa. Tổ chức xã hội nghề nghiệp mà không tập hợp được những người có tài, có tâm đóng góp cho bắn súng Việt Nam thì đó là thiệt thòi quá lớn. Cách điều hành Liên đoàn Bắn súng Việt Nam hiện nay chẳng khác gì một câu lạc bộ của một tập đoàn, chứ không phải một tổ chức xã hội. Nhiệm kỳ vừa rồi thành tích chuyên môn kém, mất đoàn kết nghiêm trọng”, ông Thanh chia sẻ.
Theo tìm hiểu, những gì đã xảy ra ở Liên đoàn Bắn súng Việt Nam không phải Tổng cục TDTT không biết. Tuy nhiên Tổng cục, Bộ VH,TT&DL chưa có động thái nào thực sự quyết liệt để giải quyết mâu thuẫn.
Ngày 23/6, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Đặng Hà Việt đã có cuộc làm việc với Liên đoàn Bắn súng Việt Nam xung quanh việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và HLV Nguyễn Thị Nhung rút khỏi liên đoàn. Tại đây, bà Nhung, ông Vinh đã công khai nói về những thiếu sót, mất dân chủ, đoàn kết ở Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. Kết thúc cuộc họp, bà Nhung và ông Vinh đều kiên quyết rút lui không tham gia Liên đoàn Bắn súng Việt Nam khóa 7.
Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. |
“Phần nổi” chưa thuyết phục
Được mệnh danh là “bông hồng thép” của thể thao Việt Nam, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung đã tạo được nhiều dấu ấn trong những thành tích sáng chói của bắn súng Việt Nam trên đấu trường thế giới và châu lục cũng như khu vực. Trong đó có kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016. Mới đây, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung và đội tuyển bắn súng Việt Nam đã xuất sắc giành 7 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng tại SEA Games 31.
Khi sự việc bà Nhung và ông Vinh xin rút khỏi nhiệm kỳ 7 “nổ ra”, báo chí Việt Nam đã đề cập đến những câu chuyện hậu trường của bắn súng Việt Nam.
Theo thông tin được đưa ra, trong quá trình hoạt động của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, đã xảy ra mâu thuẫn giữa cấp lãnh đạo và những người làm chuyên môn, như huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung. Như trước Olympic 2020, Ban huấn đội tuyển bắn súng đề cử xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Còn Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đề cử xạ thủ Trần Quốc Cường, hoặc xạ thủ trẻ khác. Lãnh đạo Tổng cục TDTT đã phải lên tiếng và cuối cùng Hoàng Xuân Vinh có tên trong danh sách đoàn thể thao Việt Nam sang Nhật Bản.
Tuy nhiên, nên nhớ rằng, đội tuyển bắn súng Việt Nam không có vận động viên nào, kể cả Hoàng Xuân Vinh vượt qua vòng loại để có mặt tại Olympic Tokyo 2020. Thế nên, Liên đoàn Bắn súng thế giới đã dành 1 suất tham dự Olympic cho bắn súng Việt Nam, mà lâu nay chúng ta vẫn gọi với cái tên mỹ miều “suất mời”, “suất đặc cách”.
Theo một chuyên gia, chủ nhân của “suất mời” này được quyết định dựa trên quan điểm của Liên đoàn quốc gia. Tiêu chí hàng đầu có thể căn cứ vào thành tích, danh tiếng, hoặc phong độ, kể cả đưa người trẻ đi học hỏi... Và cũng phải nhắc lại, Liên đoàn Bắn súng thế giới không mời đích danh Hoàng Xuân Vinh. Nếu vé mời ghi tên nhà vô địch 2016 Hoàng Xuân Vinh và lãnh đạo Liên đoàn Bắn súng Việt Nam “bút phê” tên xạ thủ Trần Quốc Cường đè lên thì câu chuyện mới thực sự nghiêm trọng.
Vé mời bắn súng cũng giống như suất đặc cách tham dự Olympic 2020 của đội tuyển điền kinh Việt Nam. Liên đoàn có quyền đề cử người xứng đáng, dựa trên tiêu chí của chính họ đặt ra. Liên đoàn Điền kinh Việt Nam khi đó nhận được nhiều phương án như Quách Thị Lan, Tú Chinh, hay gương mặt trẻ Trần Nhật Hoàng... Cuối cùng Quách Thị Lan được chọn. Nữ vận động viên quê Thanh Hoá đã thi đấu xuất sắc, giúp điền kinh Việt Nam lọt vào vòng bán kết nội dung 400 mét rào.
Như thế, để thấy rằng, ông Vinh hay ông Cường đi Olympic 2020 chỉ là ý kiến trái chiều của những người có trách nhiệm về việc xác định chủ nhân suất vé mời. Sự khác biệt nhiều khi tốt hơn là “thống nhất 100%”. Vậy nên, không thể coi đó là mâu thuẫn nghiêm trọng, và đồng thời lấy nó làm nguyên nhân biện minh dẫn đến sự ra đi hàng loạt sau này!?
Tất nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, truyền thông và những người ngoài cuộc chưa thể hiểu hết và đúng những gì bên trong Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. Những gì được tung ra có lẽ chỉ phần rất nhỏ của tảng băng chìm với nhiều vấn đề khác, nghiêm trọng hơn, chỉ những người trong cuộc mới hiểu.
Trong một chia sẻ gần đây, huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung cho biết, bà xin rút vì muốn chăm lo cho gia đình nhiều hơn. Có cái lạ ở chỗ, truyền thông luôn gọi bà Nhung là huấn luyện viên, mà vô tình chăng họ quên mất rằng bà đang là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. Ở đây không bàn đến tính đúng sai trong cách gọi, vấn đề ở chỗ, bà Nhung vừa là người có tầm ảnh hưởng về chuyên môn, đồng thời cũng có tiếng nói quan trọng khi đang nắm giữ 2 vị trí trong ban lãnh đạo Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. Liên đoàn, Hiệp hội có quy chế, điều lệ hoạt động. Có phân quyền, trách nhiệm cho từng vị trí. Vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký phải chăng “hữu danh vô thực”, hay bị vô hiệu hoá?
Bà Nhưng phải là người hiểu rõ, nhiều hơn ai hết những “mâu thuẫn”, “mất đoàn kết” hay “mất dân chủ” nếu có ở Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. Nếu tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, với vai trò Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, bà Nhung đã làm đúng trách nhiệm chưa? Việc nội bộ của Liên đoàn bung ra trước thềm đại hội dễ khiến cho người ta suy ngẫm đến nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như nhân sự nhiệm kỳ 7 được xây dựng theo quan điểm của ai, có vì cái chung không? Có không cuộc đua không lành mạnh đến những vị trí chủ chốt, có không cuộc chiến quyền lực, có không sự tranh giành tầm ảnh hưởng ở Liên đoàn Bắn súng Việt Nam...
Đã đến lúc lãnh đạo Tổng cục TDTT, Bộ VH,TT&DL cần vào cuộc để giải quyết triệt để những vấn đề nếu có như báo chí đã đề cập của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. Dẫu sao việc cả bà Nguyễn Thị Nhung và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh rút lui là một tổn thất nặng về nhân sự với Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, đồng thời với những nguyên nhân như đã đề cập nhưng chưa được chứng minh rõ ràng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đội tuyển và phong trào phát triển của bắn súng Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Nhung từng nhiều năm đảm nhận cương vị Trưởng Bộ môn Bắn súng - Tổng cục TDTT và Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam, là người dìu dắt xạ thủ Hoàng Xuân Vinh gặt hái nhiều thành công trên đấu trường quốc tế. Hoàng Xuân Vinh được coi như tượng đài của bắn súng Việt Nam. Anh từng giành 8 Huy chương Vàng SEA Games, hai Huy chương Vàng Cup bắn súng thế giới. Đặc biệt, tại Olympic Rio 2016, xạ thủ sinh năm 1974 mang về cho Việt Nam một Huy chương Vàng và một Huy chương Bạc. Hoàng Xuân Vinh giải nghệ từ năm 2020 và chuyển sang công tác huấn luyện đồng thời phụ trách bộ môn Bắn súng của Đoàn Thể thao quân đội.