Đánh giá thường xuyên môn Lịch sử hiệu quả bằng sử dụng tư liệu

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Ngân Hà, Trường THPT Hùng Vương, Đắk Lắk chia sẻ kinh nghiệm kiểm tra, đánh giá thường xuyên bằng sưu tầm, sử dụng tư liệu lịch sử.

Trường THPT Hùng Vương, Đắk Lắk với sản phẩm học tập môn Lịch sử.
Trường THPT Hùng Vương, Đắk Lắk với sản phẩm học tập môn Lịch sử.

Khi đề cập đến sưu tầm, biên tập các tư liệu lịch sử, chúng ta thường cho rằng đây là nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu. Quan điểm đó, theo cô Ngân Hà là chưa đúng, vì khi dạy học Lịch sử, ngoài sử dụng nguồn sử liệu có sẵn trong sách giáo khoa, giáo viên, học sinh vẫn cần sưu tầm, sử dụng thêm các nguồn tư liệu khác.

Giáo viên vừa là người sưu tầm, biên soạn, vừa là người yêu cầu và hướng dẫn học sinh cách thức tiến hành. Đây cũng là biện pháp phát triển năng lực tự học, năng lực tìm hiểu và tư duy lịch sử.

Đối với phạm vi học sinh THPT, yêu cầu sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử để phục vụ bài học, khích lệ tinh thần tìm tòi và mở rộng vốn hiểu biết của người học. Qua đó khuyến khích tinh thần tự học, tự khám phá của học sinh để nhận thức được ý nghĩa, bản chất của sự kiện, hiện tượng lịch sử.

Cô Nguyễn Thị Ngân Hà chia sẻ các bước kiểm tra, đánh giá thường xuyên bằng hình thức sưu tầm, sử dụng tư liệu lịch sử được tiến hành như sau:

Bước thứ nhất: giáo viên lựa chọn nội dung kiến thức phù hợp, yêu cầu học sinh sưu tầm và sử dụng tài liệu lịch sử liên quan. Giáo viên có thể giới thiệu một số nguồn tài liệu đáng tin cậy để học sinh khai thác từ sách, báo, tạp chí hoặc các trang mạng…

Bước thứ hai: học sinh nhận nhiệm vụ theo nhóm, hoặc cá nhân tiến hành sưu tầm, sử dụng tư liệu và báo cáo sản phẩm.

Bước thứ ba: tiến hành đánh giá kết quả (đánh giá giữa học sinh với học sinh và đánh giá của giáo viên với học sinh).

Khi đánh giá khả năng sưu tầm và sử dụng tư liệu lịch sử, giáo viên có thể đánh giá trực tiếp sau khi học sinh trình bày, hoặc đánh giá gián tiếp thông qua bài thu hoạch của học sinh. Các tiêu chí đánh giá như sau:

TT

Tiêu chí đánh giá

Điểm tối đa

Điểm đánh giá

1

Mức độ hoàn thành

1


2

Nội dung sưu tầm, sử dụng

3


3

Khả năng xử lí tư liệu

3


4

Dung lượng

1


5

Độ an toàn của tư liệu

1


6

Tinh thần hợp tác.

1


Tổng

10


Ngoài phiếu đánh giá, cô Ngân Hà cho biết, giáo viên cần kết hợp với phát phiếu học tập cho học sinh, dùng để hướng dẫn học sinh trả lời các câu hỏi gợi mở, giúp học sinh tự khám phá, tìm hiểu và nhận thức lịch sử.

Có thể sử dụng câu hỏi trắc nghiệm để học sinh trả lời trực tiếp hoặc câu hỏi tự luận, tạo cơ hội để học sinh viết ra những suy nghĩ của mình. Dựa vào các phiếu học tập, giáo viên có thể thu thập để đánh giá thường xuyên trong suốt quá trình học tập của học sinh.

Ví dụ, khi dạy Bài 11 (Lịch sử 10 - Bộ Kết nối tri thức): một số nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam, giáo viên yêu cầu học sinh khai thác tư liệu số 1 sách giáo khoa trang 98. Để đánh giá năng lực sưu tầm, sử dụng tư liệu lịch sử, giáo viên yêu cầu học sinh sưu tầm tài liệu và viết một bài (khoảng 400 từ) giải thích về tư liệu 1.

Với bài tập này, yêu cầu đặt ra là học sinh phải biết sưu tầm và sử dụng có hiệu quả nguồn tư liệu để phân tích vị trí, vai trò của nền văn minh của người Việt cổ. Để học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, giáo viên có thể giới thiệu cho học sinh một số địa chỉ website trên internet về nền văn minh của người Việt cổ giúp học sinh khai thác tư liệu lịch sử hiệu quả.

Kiểm tra, đánh giá thường xuyên bằng hình thức sưu tầm, sử dụng tư liệu lịch sử nhằm mục đích phát triển năng lực sử dụng tư liệu lịch sử, giải thích, đánh giá lịch sử và vận dụng kiến thức lịch sử vào thực tiễn cuộc sống. Góp phần hình thành cho học sinh phẩm chất trách nhiệm, tinh thần hợp tác, nhận thức đúng đắn về các vấn đề lịch sử.

Cô Nguyễn Thị Ngân Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ