Hình thức thi không quyết định tình yêu môn Lịch sử

GD&TĐ - Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GD&ĐT đưa ra hồi tháng 3/2023 có nhiều điểm mới.

Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) học lịch sử bằng trải nghiệm tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Trà My
Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) học lịch sử bằng trải nghiệm tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Trà My

Trong đó có việc đưa Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc. Đặc biệt, tại Hội nghị giám đốc Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành tổ chức tại Nghệ An, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc đổi mới phải đi vào nội dung của từng môn học.

Lấy ví dụ từ đề thi môn Lịch sử, Bộ trưởng nhấn mạnh, nếu dạy môn học này mà chỉ có kiểm tra và thiên về số lượng hoặc như tổ chức họp ở đâu, họp năm nào, bao nhiêu người họp, thu được bao nhiêu súng, giết được bao nhiêu quân địch… thì sẽ không bao giờ hấp dẫn, do vậy cần phải tiếp tục đổi mới.

Bước vào năm học mới 2023 – 2024, ý kiến chỉ đạo này của Bộ trưởng được các thầy cô giáo, học sinh quan tâm, nhất là việc chọn hình thức trắc nghiệm hay tự luận đối với môn Lịch sử tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Cô Nguyễn Thị Mai Loan, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Bắc Ninh: Hạn chế tiêu cực

Cô Nguyễn Thị Mai Loan.

Cô Nguyễn Thị Mai Loan.

Với môn Lịch sử, dù là hình thức thi nào (tự luận, trắc nghiệm) cũng có ưu và hạn chế, không phải do hình thức thi mà học sinh yêu hay chưa yêu môn học này.

Về thi trắc nghiệm, có một hai năm đầu còn bỡ ngỡ thì cũng khó khăn cho cả thầy và trò. Nhưng hiện tại, hình thức thi này khá ổn và đều thuận lợi cho việc dạy và học. Học sinh thi điểm cao, phấn khởi, số lượng theo học môn Lịch sử như một môn học yêu thích, môn “cứu cánh” thi tốt nghiệp và điểm xét đại học cao hơn ngày một đông. Hơn nữa, với hình thức thi này, mã đề khác nhau, giảm hiện tượng học sinh “chép” tài liệu, “chép” của nhau, hạn chế hơn “tiêu cực” trong kì thi, học sinh không còn khái niệm “phao” chép sử.

Đối với giáo viên, không còn phải “rồng rắn” kéo nhau đi chấm, không phải lo “chấm không đều tay”, chấm “đắt, rẻ”. Ít nhất về mặt tâm lí, những môn trắc nghiệm thể hiện sự “khách quan”, công bằng hơn, yếu tố “may rủi” phụ thuộc chủ quan của người chấm không còn nữa.

Bên cạnh đó, học sinh cần điểm cao, phục vụ mục đích xét vào những trường đại học mà mình muốn. Giáo viên có học sinh để dạy, có động lực hơn khi điểm thi của học sinh cao, đứng ngang hàng, thậm chí hơn những môn khoa học tự nhiên. Từ đó, có cơ sở để tạo niềm tin cho phụ huynh và học sinh theo môn học của mình. Hiện tại, hình thức thi trắc nghiệm đã và đang làm tốt vai trò đó. Cho nên việc đề xuất thi tự luận là không cần thiết!

Thống kê từ dữ liệu của Bộ GD&ĐT, cả nước có 789/683.477 thí sinh dự thi đạt điểm 10 môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong đó, điểm trung bình môn Lịch sử là 6,03 điểm.

Có ý kiến nói cần phải cảm nhận, suy nghĩ khi học môn Lịch sử và đề xuất 30% tự luận trong đề thi. Tôi cho rằng ý kiến này đang tự mình làm khó cho mình. Thực tế, nếu cần phải cảm nhận, đánh giá, suy nghĩ thì đã có kỳ thi học sinh giỏi quốc gia dành cho những học sinh yêu thích, đam mê và sẽ tiến xa hơn với môn Lịch sử. Mỗi hình thức thi cần phù hợp với đối tượng học sinh nhất định và mục đích nhất định, đừng trộn lẫn vừa khó cho người dạy, vừa khó cho người học.

Thực tế trong bài đánh giá năng lực của một số trường có hình thức 70 - 30 nhưng học sinh cũng đang rất vất vả với cách thi đó. Nên tách cách thi, hình thức thi gắn với đối tượng và mục đích thi như hiện nay là phù hợp. Hiện nay, chúng ta đang có điều chưa hợp lí ở chỗ: Đề thi là đáp án mở, phát biểu suy nghĩ/ nêu ý kiến/ bình luận… nhưng đáp án lại đóng, chấm theo yêu cầu của đề. Có quá nhiều bất cập, đơn cử đề thi là nêu ý kiến về nhận định… đáp án là khẳng định nhận định đúng nhưng trên bài thí sinh khẳng định nhận định sai, đưa ra lập luận sắc bén… vậy giám khảo có cho điểm không?

Với Trường THPT chuyên Bắc Ninh vừa làm tốt thi học sinh giỏi quốc gia (tự luận), vừa thi tốt nghiệp THPT (trắc nghiệm) nên gần như phải chia đối tượng học sinh để có cách dạy khác nhau. Bản thân tôi lúc nào cũng hai giáo án dạy tự luận riêng và trắc nghiệm riêng để phù hợp và phát huy niềm đam mê học tập đối với mỗi học sinh.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT chuyên Bắc Giang: Đáp ứng xu thế

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy.

Việc thi trắc nghiệm môn Lịch sử sẽ bao quát được phạm vi kiến thức rộng hơn. Bởi hệ thống câu hỏi từ dễ đến khó, đòi hỏi học sinh cũng phải học tập nghiêm túc, có kiến thức sâu, rộng, biết phân tích vấn đề mới chọn được đáp án đúng. Hình thức thi này không phải ghi nhớ quá chi tiết các đơn vị kiến thức cụ thể, cho nên hạn chế được tâm lý sợ học của học sinh. Từ chỗ không sợ học đi đến tự nguyện học và thích học sử, đáp ứng được xu thế thi cử hiện nay.

Với việc các trường đại học thay đổi cách tuyển sinh, học sinh tham gia thi đánh giá năng lực, tư duy cũng sử dụng hình thức câu trắc nghiệm, điều này sẽ tạo điều kiện cho các em tập trung vào việc học lịch sử một cách nghiêm túc. Bởi không chỉ với những học sinh thi tốt nghiệp môn này mà cả với những lớp khoa học tự nhiên không thi nhưng thi đánh giá năng lực vẫn có câu hỏi về lịch sử.

Bên cạnh đó, nó còn đáp ứng được đòi hỏi của xã hội khi điểm thi tốt nghiệp môn Lịch sử cao hơn, tâm lý dạy và học đối với bộ môn cũng không còn nặng nề. Khi tâm lý người dạy và người học được giải phóng thì ắt chất lượng môn Lịch sử cũng sẽ tăng.

Tuy nhiên, thi trắc nghiệm môn Lịch sử có một số hạn chế cần khắc phục. Trong đó, có học sinh sẽ không hiểu sâu, rõ, chi tiết một vấn đề lịch sử cụ thể. Đây cũng là điều đáng tiếc với người dạy lịch sử. Bên cạnh đó, thầy cô cũng không rèn được kĩ năng đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, kĩ năng trình bày và diễn đạt của học sinh.

Ở Trường THPT chuyên Bắc Giang, những kĩ năng trên đều được bù đắp bằng kì thi học sinh giỏi các cấp. Thi trắc nghiệm đáp ứng được yêu cầu của số đông; thi học sinh giỏi đáp ứng được yêu cầu của học sinh yêu thích, say mê môn Lịch sử, và yêu cầu chuyên sâu của bộ môn học này.

Về bản chất môn Lịch sử rất hay, học sinh rất thích nhưng sợ học. Với kinh nghiệm của tôi, để học sinh yêu thích, giáo viên cần yêu, hiểu lịch sử. Chỉ khi giáo viên yêu (tâm huyết), hiểu (chuyên môn vững vàng) thì tự khắc có nhiều cách để học sinh yêu thích, kéo gần lại việc thích sử của học sinh và yêu cầu dạy sử của xã hội.

Cô Nguyễn Minh Giang, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh: Học sáng tạo, không nhồi nhét

Cô Nguyễn Minh Giang.

Cô Nguyễn Minh Giang.

Đối với học sinh, thi trắc nghiệm sẽ không phải nhớ máy móc như thi tự luận và bớt sợ môn Lịch sử vì không phải học thuộc, nhồi nhét. Các câu hỏi có độ tin cậy cao hơn, khả năng đoán mò hay may rủi ít hơn khi số phương án lựa chọn tăng lên, học sinh buộc phải xét đoán, phân biệt rõ ràng trước khi trả lời câu hỏi, khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, phát huy hết năng lực.

Bài trắc nghiệm gồm nhiều câu trả lời có giá trị cao hơn nên có thể dùng để đo những mức tư duy khác nhau của học sinh như: Khả năng nhớ, suy diễn, tổng quát hóa cao. Bên cạnh đó, điểm số bài trắc nghiệm khách quan không phụ thuộc vào các yếu tố như phẩm chất của chữ viết, khả năng diễn đạt của học sinh.

Bài thi diễn ra nhanh gọn, học sinh không phải trình bày cách làm. Số lượng câu hỏi lớn nên có thể bao quát được kiến thức toàn diện; việc chấm điểm trở nên đơn giản, có thể sử dụng phiếu chấm, máy để chấm cho kết quả rất nhanh và đảm bảo được tính công bằng, khách quan.

Tuy nhiên với thi trắc nghiệm, đâu đó có học sinh chưa thể hiện được tính sáng tạo, logic, sự thông minh, sự khéo léo. Với các em có óc sáng tạo, khả năng tư duy tốt có thể tìm ra những câu trả lời hay hơn đáp án. Cùng với đó, hình thức thi này gây tốn kém giấy mực để in và mất nhiều thời gian để thí sinh đọc nội dung câu hỏi.

Học sinh thêm yêu thích môn Lịch sử hay không phụ thuộc một phần vào thầy cô. Giáo viên tâm huyết sẽ truyền được tinh thần mê lịch sử cho học sinh, hướng các em từ bài học vào cuộc sống thường ngày. Thầy cô có thể xây dựng tình huống khởi động nhằm kích thích sự chú ý, tính tò mò, nhu cầu học tập của học sinh ngay từ đầu hay sử dụng ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh có sức truyền cảm.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Trường THPT Hiệp Hòa số 1, Bắc Giang: Tránh học tủ, học lệch

Cô Nguyễn Thị Lan Hương.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương.

Môn Lịch sử được chuyển từ thi tự luận sang hình thức trắc nghiệm từ năm học 2016 – 2017. Hình thức này tiết kiệm thời gian thi, coi và chấm thi đồng thời kiểm tra được kiến thức toàn diện của học sinh, tránh học tủ, học lệch. Bên cạnh đó còn chấm điểm nhanh, dễ dàng. Học sinh có cơ hội đạt điểm cao hơn thi tự luận và hạn chế tiêu cực trong phòng thi vì thời gian cho mỗi câu trung bình chỉ khoảng hơn một phút, kết quả khách quan.

Tuy nhiên, để làm được những câu trắc nghiệm khó, đòi hỏi học sinh phải hiểu bài rộng và sâu. Hình thức này hạn chế khả năng tư duy, bởi nhiều học sinh không nắm chắc, thiếu và yếu trong khả năng suy luận, phân tích, đánh giá một vấn đề lịch sử. Thi trắc nghiệm khó đánh giá khách quan năng lực học sinh, đặc biệt là năng lực vận dụng, liên hệ kiến thức lịch sử. Nhất là, vẫn còn học sinh lười học có tư tưởng chọn bừa khi thi.

Vậy cần làm gì để học sinh yêu thích môn Lịch sử? Để làm được điều đó thật không dễ. Tuy nhiên, mỗi giáo viên, tùy thuộc vào môi trường học tập, đối tượng học sinh cụ thể để có thể áp dụng những biện pháp khác nhau.

Đơn cử như hình thành cho học sinh ý thức đúng đắn trong việc học tập và nghiên cứu môn Lịch sử. Để các em thấy rằng học lịch sử không chỉ để biết về cội nguồn, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, mà còn học cách trân trọng quá khứ, biết cách giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc cũng như học các giá trị đạo đức, lẽ sống của nhân loại.

Đồng thời, người dạy cần tạo không khí học tập thoải mái, tránh căng thẳng qua việc gắn với trải nghiệm thực tế (tham quan các di tích, nói chuyện với nhân chứng lịch sử); giáo cụ trực quan phong phú, sinh động: Hình ảnh, video, mô hình... Giáo viên có thể tích hợp với các môn học khác để học sinh có thể vận dụng kiến thức lịch sử vào các môn học và ngược lại. Qua đó, giúp các em ghi nhớ kiến thức lịch sử một cách nhanh nhất, lâu nhất bằng sơ đồ tư duy, bản đồ, trò chơi...

Đặc biệt, bản thân giáo viên cũng không ngừng học tập, tìm hiểu để có kiến thức sâu rộng, chuẩn bị bài giảng cẩn thận chu đáo, nhuần nhuyễn. Giáo viên cần thể hiện được cảm xúc - thổi hồn vào mỗi tiết học. Quan trọng và quyết định nhất là giáo viên phải thực sự có tâm huyết, yêu nghề, yêu bộ môn, có trách nhiệm với học sinh từ đó mới tạo tình cảm dẫn đến ý thức, thái độ tích cực học bộ môn của các em.

Tiếc nuối bài thi môn Lịch sử

Em Nguyễn Viết Khôi Nguyên.

Em Nguyễn Viết Khôi Nguyên.

“Em bất ngờ khi là thủ khoa khối C00 toàn quốc với tổng điểm 29,5 (Địa lý 10, Ngữ văn 9,75, Lịch sử 9,75). Trong 3 môn, em tiếc nuối nhất bài thi môn Lịch sử vì đã làm sai một câu về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

Khi học, quan trọng nhất vẫn phải nắm vững kiến thức cơ bản. Với những câu hỏi vận dụng hoặc vận dụng cao hoặc những câu làm sai em sẽ dùng một quyển vở để ghi lại. Với môn Lịch sử và Địa lý, em không đi học thêm, chỉ học trực tuyến.

Nguyên tắc của em chỉ được làm sai câu hỏi một lần, lần sau quay lại không được phép làm sai nữa. Mọi người thường thấy 3 môn (Văn, Sử, Địa) kiến thức rất nhiều, tuy nhiên khi học nghiêm túc ngay từ đầu thì bản thân em thấy lượng kiến thức không quá nhiều, tương đương môn Toán và Tiếng Anh”. - Nguyễn Viết Khôi Nguyên - Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Bắc Ninh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...